04/11/2014 15:29 GMT+7

Tai nạn giao thông rình rập “làng đại học” ​Thủ Ðức

M.TRƯỜNG - MINH PHƯỢNG
M.TRƯỜNG - MINH PHƯỢNG

TT - Liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe buýt và xe máy tại khu làng đại học TP.HCM (Q.Thủ Ðức, TP.HCM) khiến nhiều sinh viên và người dân lo lắng.

Xe buýt va chạm xe máy ngày 27-10 làm hai người bị thương nặng - Ảnh: Mậu Trường
Khu vực vòng xoay gần KTX Đại học Quốc gia TP.HCM đã được gắn biển cảnh báo sau khi xảy ra tai nạn liên tục - Ảnh: Mậu Trường - Đồ họa: Vĩ Cường
Từ trưa tới chiều có rất nhiều xe tải, xe container dùng con đường này làm chỗ quay đầu xe. Đường hẹp, xe buýt ra vào thường xuyên, sinh viên đông gây nên tình trạng kẹt xe. Xe to, cồng kềnh tiến, lùi khó quan sát phía sau nên rất dễ gây tai nạn
Ông TRẦN VĂN MINH 
(người chạy xe ôm, nói về giao thông lộn xộn ở khu vực gần ngã ba 621)

Trong đó, đoạn đường dài khoảng 1km, từ ngã ba 621 (xa lộ Hà Nội) vào bến xe buýt Ðại học Quốc gia TP.HCM được xem là “điểm đen” về tai nạn giao thông.

Ám ảnh... xe buýt

Cách ngã ba 621 khoảng 200m là vòng xoay giáp ký túc xá (KTX) Ðại học Quốc gia TP.HCM, đây là nơi xảy ra hai vụ tai nạn giao thông giữa xe buýt, xe máy và người đi bộ vào cuối tháng 10-2014 khiến ba người nhập viện cấp cứu.

Quan sát tại đây, chúng tôi thấy xe chạy hướng từ ngã ba 621 (xa lộ Hà Nội) về bến xe buýt KTX khu A, tài xế phải bẻ lái ôm cua theo con đường rất hẹp để vào trước cổng KTX.

Ở khúc cua này, tầm nhìn bị hạn chế bởi những lùm cây vươn ra từ bờ rào sau lưng KTX khu A nên tài xế rất khó xử lý tình huống kịp thời khi gặp chướng ngại vật.

Tai nạn liên tiếp

Trong vòng chưa đầy một tuần, tại khu vực ĐHQG TP.HCM đã xảy ra bốn vụ tai nạn liên quan đến xe buýt.

Cụ thể, ngày 28-10, một xe buýt tuyến 30 (chợ Tân Hương - ĐH Quốc tế) chạy theo hướng chợ Tân Hương về ĐH Quốc tế đã tông vào sinh viên Trần Xuân Long (quê Bình Phước) khiến sinh viên này tử vong tại chỗ.

Cách hiện trường này vài trăm mét, ngày 27-10, xe buýt 19 (Bến Thành - ĐHQG TP) đã va chạm với một xe máy khiến đôi nam nữ bị thương nặng.

Khoảng 11g ngày 31-10, xe buýt 33 (bến xe An Sương - ĐHQG TP) lưu thông theo hướng bến xe An Sương - ĐHQG TP đã va chạm với xe máy làm hai thanh niên bị thương nặng. Chiều cùng ngày, tại khu vực này đã xảy ra vụ va chạm giữa xe buýt 99 với xe máy làm hai nữ sinh viên bị thương.

Ngoài ra, cách vòng xoay vài chục mét, dù có biển báo “Ði chậm” nhưng nhiều tài xế xe buýt vẫn chạy xe với tốc độ rất nhanh.

“Nhiều lần tôi thấy hai xe buýt tranh nhau cùng chạy vào con đường này, ép cả xe máy và người đi bộ vào lề cỏ” - ông Lê Văn Thành, một người chạy xe ôm ở đây, cho biết.

Còn ông Trần Văn Minh, người chạy xe ôm và gắn liền với vòng xoay này hơn 10 năm, cho biết trước đây khu vực vòng xoay này chỉ là ngã ba.

Giờ mở thêm một đoạn đường mới, ngã ba thành ngã tư nên có vòng xoay, xe cộ chạy dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều người (có cả sinh viên) vẫn “quen đường cũ” nên không ôm cua theo vòng xuyến mà chạy băng ngang qua, rất dễ gây tai nạn.

Trần Thị Loan - sinh viên năm 4 Trường ÐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM - kể thêm:

“Trước đây khi đi qua khu vực vòng xoay này, vì đường hẹp nên xe cộ còn nhường nhau.

Giờ đường thông thoáng hơn, ai nấy cứ chạy với tốc độ rất nhanh. Ðầu tháng trước, một người chạy xe máy theo hướng từ xa lộ Hà Nội vào với tốc độ rất nhanh và va vào một bạn sinh viên mặc dù bạn này đi đúng phần vạch trắng dành cho người đi bộ và đã giơ tay xin đường”.

Sinh viên Nguyễn Thị Vân Anh - khoa y Trường ÐHQG TP.HCM - cho biết:

“Bây giờ, nghe tiếng còi xe buýt là mình sợ và dạt ra... nhường cho xe buýt qua trước. Theo đúng lộ trình lượt về, xe buýt phải đi vào con đường ngang qua bến xe buýt KTX khu A.

Tuy nhiên, khi không phải trả khách ở bến xe KTX khu A, nhiều tài xế đã chạy ẩu bằng cách băng thẳng sang con đường mới để về vòng xoay ÐH Quốc tế nhằm rút ngắn khoảng cách”.

Không còn đường cho xe chạy

Nhiều sinh viên tự nhận định: “Ý thức tham gia giao thông của nhiều sinh viên chưa cao”. Thời gian cao điểm 6g30-7g30 hằng ngày rất đông sinh viên từ con đường KTX khu A băng qua vòng xoay để đi bộ đến trường hay đón xe buýt.

Lúc này, nhiều sinh viên qua đường mà không đi đúng theo vạch trắng dành cho người đi bộ. Một số sinh viên khác đi xe máy từ KTX khu A ra ngã ba 621, thay vì phải ôm cua theo vòng xuyến thì chạy thẳng, rất dễ đối đầu với xe chạy chiều ngược lại.

“Mình nghĩ phải đặt đèn giao thông ở khu vực vòng xoay mới hạn chế được tình trạng xe chạy hỗn loạn” - sinh viên Trần Thị Loan đề xuất.

Còn ông Nguyễn Văn T., tài xế xe buýt chạy tuyến Bến Thành - Ðại học Quốc gia (tuyến 19), cho biết đoạn đường nội bộ làng đại học dài hơn 200m, đoạn từ nhà sách Nguyễn Văn Cừ đến bến xe buýt là nỗi ám ảnh của các tài xế xe buýt.

“Ai chạy xe qua đoạn đường này mới hiểu cho cánh lái xe buýt. Nếu không cẩn thận sẽ tông chết người vì cứ 17g-20g hằng ngày, hàng ngàn người chen chúc mua bán ngay trên đường, trước cổng vào bến xe. Ðến nỗi tiếp viên xe buýt phải đi bộ trước dẹp đường, xe chạy sau rà từ từ mới vào được bến xe” - ông T. nói.

Ngày 3-11, ông Lê Ngọc Hùng - phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, đơn vị quản lý địa bàn Q.Thủ Ðức - cho biết hiện các tuyến đường nội bộ trong làng đại học đơn vị này đã bàn giao cho phía Ðại học Quốc gia TP quản lý.

Còn tình trạng xe quay đầu tại đường vào làng đại học, ông Hùng cho biết tại ngã ba 621 đã có dự án mở rộng nút giao thông này. Khi nút giao thông này được mở rộng xong, có hầm chui sẽ giải quyết tình trạng giao thông lộn xộn tại đây.

Cùng ngày, sau khi tiếp nhận thông tin từ Tuổi Trẻ về việc nhiều xe đậu, dừng trên đường dẫn vào làng đại học, đại diện đội thanh tra giao thông số 5 (thanh tra Sở Giao thông vận tải TP) cho biết sẽ cho kiểm tra và xử lý những xe đậu, dừng sai quy định.

Thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn

Theo ông Huỳnh Ngọc Sang - giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM, trung tâm đã phối hợp với ban quản lý dự án gắn các bảng cảnh báo giảm tốc độ, hướng dẫn giao thông.

Tuy nhiên, trung tâm chỉ làm nhiệm vụ nhắc nhở, cảnh báo, phân luồng giao thông đặt biển báo giao thông chứ không có chức năng xử phạt.

“Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy có nguyên nhân do lái xe (xe buýt, xe máy) và cả người đi bộ chưa chấp hành tốt Luật giao thông.

Nhiều con đường trong khu đô thị ĐHQG TP là ranh giới chung của hai địa phương Dĩ An (Bình Dương) và Q.Thủ Đức (TP.HCM) nên ĐHQG TP phải phối hợp với hai địa phương này để xử lý” - ông Sang nói.

Cũng theo ông Sang, sáng 3-11 trung tâm đã cử hai đội an ninh trật tự chốt tại hai vòng xoay nguy hiểm (vòng xoay Trường ĐH Quốc tế và vòng xoay ký túc xá A1) thường xảy ra tai nạn giao thông để nhắc nhở, hướng dẫn người đi đường và tăng cường hai xe tuyên truyền mọi người chấp hành đúng Luật giao thông.

Đồng thời, phối hợp với cảnh sát giao thông hai địa phương nói trên chốt trực tại khu vực này để xử phạt nhằm răn đe lái xe buýt cũng như người đi xe máy và người đi bộ.

“Chúng tôi đang tính bố trí lại vỉa hè dành cho người đi bộ trên các tuyến đường. Đồng thời sẽ rà soát lại tất cả các con đường, giao lộ trong khu đô thị, nếu thiếu bảng báo thì sẽ gắn ngay và sẽ gắn camera giám sát xử lý vi phạm.

Thực tế có nhiều sinh viên thờ ơ và thường xuyên vi phạm Luật giao thông. Vì vậy chúng tôi sẽ phối hợp với Đoàn - Hội sinh viên các trường tăng cường tuyên truyền, vận động sinh viên chấp hành Luật giao thông” - ông Sang nói.

TRẦN HUỲNH

 

M.TRƯỜNG - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên