Khi thầy mang clip đánh nhau vào lớp dạy

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Thầy chỉ cho cả lớp chi tiết: ngoài cửa sổ còn nhiều bạn khác đang cổ vũ hoặc đơn giản là đứng xem trận hỗn chiến mà nạn nhân chính là bạn của mình...

Những hình ảnh bạo lực học đường được thầy Trần Tuấn Anh - Trường THCS Bạch Đằng Q.3, TP.HCM - minh họa cho bài giảng của mình cho học sinh lớp 9/3 trong giờ học ngoại khóa “Đạo đức và pháp luật” - Ảnh: Như Hùng

Đoạn clip học sinh lớp 7 ở Trà Vinh đánh bạn gây xôn xao dư luận suốt thời gian vừa qua. Nhiều học trò trung học đã xem clip này, thậm chí xem nhiều lần và còn chia sẻ cảm nghĩ trên trang cá nhân. Thế nhưng khi clip này được chiếu lại trong một tiết giáo dục công dân đã cho học trò cảm nghĩ khác.

Khi đoạn clip được chiếu, nhiều học sinh che mắt, quay mặt đi khi nghe những âm thanh la ó chát chúa của những người bạn cùng trang lứa và cảnh chồng ghế nhựa được ném vào đầu cô học trò lớp 7 đang gồng mình ôm đầu chịu trận.

Thầy chỉ cho cả lớp chi tiết: ngoài cửa sổ còn nhiều bạn khác đang cổ vũ hoặc đơn giản là đứng xem trận hỗn chiến mà nạn nhân chính là bạn của mình. Kết thúc đoạn clip, cả lớp buông tiếng thở dài, có em khẽ rùng mình.

Thầy bắt đầu đặt câu hỏi:

- Tại sao bạn bị đánh mà lại không về mách ba mẹ hả các em?

- Dạ, vì sợ sẽ bị đánh tiếp.

- Vậy không mách ba mẹ thì có chắc là không bị đánh tiếp hay không?

- Dạ không chắc.

- Tại sao các bạn cùng lớp không vô can và cũng không báo thầy cô?

- Dạ vì các bạn ấy cũng sợ bị đánh.

- Vậy lớp thử suy nghĩ xem có cách nào báo thầy cô mà mình không bị đánh?

Cả lớp suy nghĩ và đưa ra các giải pháp: viết giấy bỏ vào hộp thư của trường, rủ các bạn cùng đi “méc” chung, kể cho ba mẹ để ba mẹ gọi điện báo thầy cô, bí mật báo thầy cô...

“Thấy bạn bị đánh mà không can, không báo, thầy gọi đó là vô cảm. Ra đường thấy cái gì bất bình cũng “kệ nó đi”, bỏ qua đi... là vô cảm”.

Thầy kể về một trường hợp bị tai nạn trên đường nhưng không ai cứu. Ai cũng cho rằng không phải việc của mình và sợ trễ giờ làm, sợ phiền toái nên bỏ đi, để mặc người bị nạn. Cuối cùng, một người bán bánh mì đã đưa người bị nạn vào bệnh viện. Rồi thầy đặt câu hỏi cho lớp: “Nếu người bị tai nạn là ba hay mẹ của em thì sao?”.

“Đó là lý do thầy thường dặn các em hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, cúi nhặt một mảnh rác để đỡ phần việc cho cô lao công, đóng cánh cửa sổ để các em lớp dưới không bị tông vào khi chạy nhảy...”.

Những giọt nước mắt, những phút giây đầy cảm xúc của các học sinh nam và nữ lớp 9/3 Trường THCS Bạch Đằng Q.3, TP.HCM sau khi xem xong clip quay cảnh học sinh lớp 7 bị bạn đánh trong giờ ngoại khóa - Ảnh: Như Hùng

Quay lại câu chuyện bạn nữ sinh bị đánh, thầy kể rằng có nhiều phụ huynh khi nghe chuyện này đã tuyên bố sẽ đi tìm những đứa trẻ đánh con mình để... đánh lại.

Nhưng người cha trong câu chuyện này đã không làm điều đó, và rồi một ngôi trường quốc tế đã nhận con ông vào học và tài trợ mọi chi phí học tập.

“Mình cứ sống tốt đi, may mắn sẽ đến với mình”, thầy kết luận. Bài học về luật nhân quả đã đi vào bài giảng giản dị và nhẹ nhàng như thế.

Những hình ảnh về tình yêu thương vô bờ của cha mẹ dành cho con cái, những khoảnh khắc người mẹ mang nặng đẻ đau được chiếu lên trên màn hình, trong tiếng nhạc lay động của bài hát về tình mẹ.

Trên nền nhạc, giọng thầy vang lên trầm ấm: “Cha mẹ sinh con cực khổ, con phải quý trọng thân xác mình. Mẹ sinh con ra đau đớn như thế nào thì ba mẹ của bạn sinh bạn ra cũng đau đớn như vậy đó. Mẹ con thương con thế nào thì mẹ bạn cũng thương bạn như vậy. Tại sao con lại đánh bạn? Con có buồn khi người ta nói cha mẹ không biết dạy con. Người xưa có câu bầu ơi thương lấy bí cùng...”.

Những lời căn dặn thấm thía của thầy cứ từng chút, từng chút khắc vào lòng người nghe. Không gian của một tiết học được xây dựng và chuẩn bị công phu với hình ảnh, âm thanh, ánh sáng góp phần không nhỏ vào việc lay động tâm hồn của những học trò lớp 9.

Nhiều em ôm mặt khóc khi nghe chuyện về những người con hồi nhỏ bất hiếu, không vâng lời làm đau lòng cha mẹ, đến khi lớn lên muốn đền đáp công lao dưỡng dục của mẹ cha thì không kịp nữa vì cha mẹ đã không còn. Và cái kết của câu chuyện bạo lực học đường vẫn là cái nôi gia đình. Hãy biết yêu thương và vâng lời cha mẹ để không bao giờ cha mẹ phải buồn, phải xấu hổ vì con.

Mỗi bài giảng là một cuộc kéo co

Đó là những giây phút xúc động của tiết giáo dục công dân vừa diễn ra ở lớp 9/3 Trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM, do thầy Trần Tuấn Anh đứng lớp. Biết học trò bận học, ít có thời gian đọc báo, xem tivi, thầy lẳng lặng ghi chép lại và tìm tư liệu những câu chuyện thời sự rồi mang lên lớp trò chuyện cùng học trò. 

“Mỗi bài giảng là một cuộc kéo co. Các em nghe đó, hiểu đó nhưng khi bước ra khỏi lớp thì xã hội với biết bao cám dỗ, nhan nhản game, bạo lực, kéo các em ra khỏi sự lương thiện và trở nên vô cảm, thực dụng. Dạy đạo đức, nhân cách không thể ngày một ngày hai mà phải mưa dầm thấm lâu. Mỗi ngày một ít, từng chút từng chút một. Những hình ảnh, câu chuyện có thật diễn ra xung quanh về tình cảm gia đình, về đạo hiếu, về những tấm gương vượt khó khiến các em xúc động và ghi nhớ sẽ từ từ gieo cho các em sự thánh thiện”.

Người thầy đầy tâm huyết với môn giáo dục công dân tâm sự như vậy sau 45 phút của buổi học, khi đã khiến không ít học sinh mắt đỏ hoe bước ra khỏi lớp...

Nếu được nghe thầy giảng... “thói hung hãn không lên ngôi”

Hai tháng trước đọc xong bài viết: “Xin dạy đạo đức miễn phí” (Tuổi Trẻ 5-1), tôi tự nhủ với lòng mình: nhất định sẽ xin đến nghe ít nhất một buổi nói chuyện của thầy Trần Tuấn Anh.

Tiếp tôi tại Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) khi vừa xong kỳ nghỉ tết, thầy Tuấn Anh vui vẻ cho tôi cái hẹn tại Trường THCS Bình Thọ (Q.Thủ Đức) vào giữa tháng 3, nơi thầy được mời thỉnh giảng.

Dù đã đoán trước là sẽ xúc động đến khóc khi thầy nói chuyện, vậy mà tôi vẫn không cầm lòng được lâu hơn các em học sinh khối lớp 9 là bao. Thầy mới bắt đầu bài giảng có vài phút, tôi và nhiều em đã ngân ngấn nước mắt.

Tôi đã có nhiều dịp được xem, nghe những buổi thuyết trình, nói chuyện với môi trường, hoàn cảnh khác nhau. Song có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một tiết học đầy cảm động.

Tôi có cảm tưởng như thầy là một nhà điêu khắc thiên tài đang “chạm” những nét tinh tế vào mọi ngóc ngách sâu thẳm nhất trong tâm hồn học sinh. Thầy còn khéo léo đi vào những góc khuất tâm tư mà nhiều em dù mang nặng trong lòng nhưng vẫn ngại nói ra. Có lẽ do vậy mà cảnh tượng hiếm khi gặp đã liên tục xuất hiện trong tiết dạy của thầy, cứ xong một nội dung là cả hội trường vừa vỗ tay vừa khóc. Học sinh dùng những gì có thể để lau nước mắt.

Cô Lê Thanh Mai - phó hiệu trưởng - tâm sự: khi cô còn dạy ở Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.Thủ Đức), ban giám hiệu đã mời thầy Tuấn Anh đến giảng.

Hết buổi học thầy dặn học sinh viết bài cảm nhận rồi nhờ chính giáo viên của trường chấm. Thế là cả “hội đồng chấm thi” ai cũng khóc khi đọc bài viết của học trò. Cô còn nói vui: “Thầy đã lấy nước mắt của học sinh lẫn giáo viên”.

Chia tay tôi, cô Trần Thị Sáu - hiệu trưởng - cho biết phải “đặt hàng” nhiều tháng mới mời được thầy Tuấn Anh vì có rất nhiều nơi nhờ thầy đến nói chuyện: “Nhất định chúng tôi sẽ tiếp tục mời thầy đến thỉnh giảng”.

Sau vụ nữ sinh bị đánh ở Trà Vinh, tôi lấy làm tiếc cho thầy trò của Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Giá như học sinh trường này được nghe thầy Tuấn Anh nói chuyện dù chỉ một lần, chắc chắn sự việc đau lòng sẽ không xảy ra, “thói hung hãn” chẳng thể nào “lên ngôi”.

HỮU CHƠN

 

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên