11/04/2018 13:40 GMT+7

Sống không được ăn, chết mới mổ heo đãi khách

B.H
B.H

TTO - 'Sống không được ăn, chết mới mổ heo đãi khách' - nghịch lý này đã và đang xảy ra ở không ít ở làng quê Việt Nam. Làm gì để đám tang vừa là thương tiếc người đã mất, đồng thời không thành gánh nặng cho gia đình?

Sống không được ăn, chết mới mổ heo đãi khách - Ảnh 1.

Dưới đây là câu chuyện tai nghe mắt thấy của của bạn đọc B.H chia sẻ với chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Đọc bài viết "Đám tang thành gánh nặng gia đình người mất, khách viếng chia sẻ gì?" trên Tuổi Trẻ Online, tôi lại nhớ tới đám tang bà thím họ nơi quê nhà. 

Ngày bà thím mất, tôi cũng đang nghỉ hè ở quê nên sang nhà chú thím để mổ thịt con heo đang nuôi trong chuồng mời đãi khách. 

Nghe chuyện bà thím bị bệnh đã lâu và thấy trong nhà không có gì đáng giá, tôi hỏi ông chú sao không bán con heo lấy tiền chữa bệnh cho thím, để rồi khi thím mất mới mổ heo đãi khách? 

Chú tôi nói: "Ở quê nhà nào cũng phải vậy cháu ạ".

Rồi chú kể: khi trong nhà có người già yếu bệnh nặng khó qua khỏi, con cháu trong nhà phải chuẩn bị trước một con heo nuôi trong chuồng. Nếu không nuôi heo kịp, có thể vay mượn heo của bà con họ hàng trong xóm mổ thịt trước, sau đó nuôi con heo khác trả nợ cũng được. 

Nghe ông chú nói như vậy, tôi tranh luận tiếp với chú: việc phụ giúp gia đình chú lo tang ma cho thím là trách nhiệm và tình cảm của bà con trong dòng họ, lối xóm, sao cứ phải mổ heo mời đãi khách mới được? 

Ông chú nói: "Vẫn biết đó là tình cảm của bà con trong dòng họ, lối xóm nhưng họ đã bỏ thời gian công sức, nhất là những người tham gia đào huyệt, khênh kiệu đưa ma và cả việc đã bỏ tiền phúng viếng phụ giúp gia chủ nữa, lẽ nào không mời đãi họ hàng lối xóm bữa ăn thay cho lời cảm ơn hả cháu?".

Ông già vợ tôi vào sống với các con ở TP.HCM, khi ông mất, anh em chúng tôi bàn nhau nên giảm bớt những lễ nghi, thủ tục không cần thiết, trong đó chỉ quàn trong nhà một ngày đêm và "miễn phúng điếu". 

Tuy nhiên, chủ ý "miễn phúng điếu" cũng gặp khó bởi khi đến phúng viếng người quá cố không thể đi "tay không".

Do vậy sau đám tang chúng tôi phải tìm cách "tiêu thụ" cho hết số trái cây, nhang đèn của người đến phúng viếng ông già. 

Qua thực tế, từ đám tang bà thím họ và ông già vợ, tôi nghĩ việc để dung hòa việc này tang gia cũng có thể mời bà con dòng họ lối xóm, nhất là người ở xa đến phúng viếng, chia buồn bữa ăn như thường ngày, đặc biệt không nên mời bia rượu.

Trường hợp gia chủ không muốn nhận tiền phúng viếng cũng phải thông báo sẽ sử dụng số tiền đó cho người nghèo khó neo đơn.

Làm gì để đám tang vừa là thương tiếc người đã mất, đồng thời không thành gánh nặng cho gia đình? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Đám tang thành gánh nặng gia đình người mất, khách viếng chia sẻ gì? Đám tang thành gánh nặng gia đình người mất, khách viếng chia sẻ gì?

TTO - Đi đám tang ở Duy Xuyên (Quảng Nam) thấy nhẹ nhàng lắm bởi người dân tổ chức tang ma đơn giản, tiết kiệm, không rượu chè rườm rà. Trong khi đó ở nhiều nơi, việc tổ chức đám tang thành gánh nặng cho gia đình người mất.

B.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên