13/09/2018 11:22 GMT+7

Rác thế giới đổ về Việt Nam: Lợi nhuận cực lớn

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Dân trong ngành kinh doanh phế liệu đều biết câu nói cửa miệng “mua ve chai, bán cẩm lai”, tức đây là ngành nghề siêu lợi nhuận.

Rác thế giới đổ về Việt Nam: Lợi nhuận cực lớn - Ảnh 1.

Hải quan Hải Phòng khám xét một số container phế liệu có dấu hiệu vi phạm tại cảng IDC Nam Hải - Ảnh: V.TR

Những bằng chứng mà phóng viên Tuổi Trẻ thu thập được cho thấy nhu cầu nhập phế liệu nhựa để sản xuất là có thật.

Tổng cục Hải quan mới siết chặt kiểm soát vài tháng mà nhiều doanh nghiệp (DN) nhựa rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Lời dưới 30 triệu/container không làm!

Tháng 8-2018, tại khu vực cảng Cát Lái, ông Lành (tên đã thay đổi, một đầu nậu tại TP.HCM) tiết lộ nguyên tắc làm ăn "lời dưới 30 triệu/container thì không làm".

Tôi hỏi tiếp: "Còn DN tái chế nhựa lời cỡ nào?".

Ông Lành cười: "Theo tôi biết mấy thằng bạn làm DN sản xuất hạt nhựa lời không dưới 100 triệu đồng/container".

Theo ông Lành, thời gian qua nhu cầu nguyên liệu tái chế nhựa rất lớn, nhưng không phải tất cả DN đều có giấy phép nhập khẩu phế liệu nên đầu nậu mới có đất sống.

Đó là những người mua bán phế liệu quốc tế, có mối quan hệ với nhiều nhà cung cấp ở nước ngoài. Họ thuê (hoặc mượn) giấy phép của các DN được phép nhập phế liệu để nhập hàng về cung cấp cho những DN không có giấy phép.

Một DN nhựa cũng xác nhận giá cho thuê giấy phép trước đây chỉ 1-2 triệu đồng/container, những tháng đầu năm 2018 đã tăng lên 4-5 triệu đồng.

Từ tháng 6-2018 đến nay Tổng cục Hải quan siết chặt kiểm soát đã khiến rất nhiều đầu nậu điêu đứng. Hầu hết container tồn đọng ở cảng chứa phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu hoặc thuộc danh mục cấm.

Khoảng 80 container của ông Lành đang nằm phơi nắng ở cảng trị giá khoảng 560.000 USD (khoảng 12,8 tỉ đồng).

Các DN nhựa mà chúng tôi gặp đều từ chối cung cấp thông tin lợi nhuận thực của ngành này bởi đây là bí mật kinh doanh.

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ (chuyên gia lĩnh vực phế liệu), tỉ lệ tái sinh hạt nhựa từ phế liệu nhựa đạt tiêu chuẩn nhập khẩu lên tới 95-98%. Giá bán hạt nhựa tái sinh rao bán công khai trên mạng tại VN hiện nay 15.000 - 30.000 đồng/kg, tùy chủng loại.

Như vậy, giá trị thành phẩm một container phế liệu nhựa sau khi tái chế có thể bán được 300 - 500 triệu đồng. Rõ ràng lợi nhuận từ tái chế nhựa không hề nhỏ!

Quá trình điều tra đường đi của phế liệu từ nước ngoài về VN, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận toàn bộ các lô hàng sau khi thông quan đều được chở về các nhà máy tái chế nhựa để giặt giũ, sản xuất hạt nhựa và tái chế thành các sản phẩm nhựa khác.

Chúng tôi không tìm được bằng chứng cho thấy DN nhận tiền của nước ngoài để đem rác về VN chôn lấp.

Phế liệu nhựa (dù là ve chai, rác thải) được DN ở VN coi là thứ hái ra tiền nên mua về bao nhiêu đều đưa hết vào nhà máy để tái chế dù việc này có gây hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

Lọc tìm vàng và kim loại quý

Thời gian qua hải quan bắt giữ rất nhiều container phế liệu nhập về VN có giấu các sản phẩm điện tử cũ nát.

Với phế liệu điện tử, một chuyên gia lĩnh vực xuất nhập khẩu tại TP.HCM cho biết nhiều nước không cho tái chế vì rất độc hại. Người dân vứt bỏ các loại đồ điện tử cũ còn phải trả tiền xử lý rác thải.

Loại hàng này cũng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu vào VN nhưng nhiều DN vẫn lén lút nhập dù biết có thể bị xử lý hình sự.

Theo Tập đoàn Umicore (Mỹ, chuyên về xử lý rác thải điện tử), cứ 1 tấn bo mạch chủ của máy tính, họ tách được 250gr vàng. Trong khi đó, để khai thác 5gr vàng tại một mỏ có hàm lượng cao, cần đào bới, vận chuyển, sàng lọc 1 tấn đất đá.

Các nghiên cứu cũng cho thấy với 1 triệu chiếc smartphone, người ta có thể thu hồi được 24kg vàng, 250kg bạc, 9kg palladium cùng hơn 9 tấn đồng bằng công nghệ phân kim hiện đại.

Trong các bộ phận máy tính như CPU, RAM, bo mạch chủ, ổ cứng, đĩa CD, DVD đều có vàng và những kim loại quý khác như bạc palladium.

Ngoài ra, trong các linh kiện điện tử còn có đồng, hợp kim đồng, thiếc, nhôm, chì. Điều này giải thích tại sao trong hàng ngàn container phế liệu tồn đọng ở cảng biển hiện nay rất nhiều container có cất giấu thiết bị điện tử cũ, đĩa CD...

Những món hàng tưởng như vứt đi này có giá trị gấp hàng chục, hàng trăm lần phế liệu nhựa mà DN nhập về.

Rác thế giới đổ về Việt Nam: Lợi nhuận cực lớn - Ảnh 2.

Rác được lấy ra từ hai container ở cảng IDC Nam Hải (Hải Phòng) - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Nguy cơ lớn nếu để doanh nghiệp "lách"

Một cán bộ hải quan ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) tiết lộ trước đây DN để thiết bị điện tử cũ "nguyên đai nguyên kiện" giấu trong container. Bây giờ họ đối phó bằng cách cho đập thiết bị điện tử thành mảnh vụn rồi giấu trong container phế liệu.

Khi làm thủ tục thông quan, chẳng may bị phát hiện thì chỉ bị coi là phế liệu nhựa không đạt chuẩn và chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc tái xuất. Nếu thông quan trót lọt, đống linh kiện điện tử vẫn cho khối lượng vàng, bạc không khác gì hàng nguyên khối.

Nhập lậu linh kiện, thiết bị điện tử cũ về để phân kim lấy vàng, bạc và các kim loại quý giúp DN làm giàu, nhưng hậu quả về môi trường người dân phải gánh chịu.

TS Đỗ Thanh Bái (chuyên gia hóa học) phân tích: "Muốn lấy vàng, bạc, đồng, palladium ra khỏi linh kiện điện tử thì phải dùng các axit rất mạnh, các dung môi hữu cơ độc. Việc phân kim không chỉ gây nguy hiểm cho công nhân mà còn gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Nước thải của hoạt động phân kim có chứa crom, cadimi - những chất có khả năng gây ung thư. Các làng nghề, các cơ sở phân kim nhỏ thì không thể nào xử lý nước thải triệt để được".

Theo báo giá của Công ty Di Trade LLC (Mỹ), nhựa ABS được lấy từ máy tính đã băm nhỏ có giá rất cao: 650 USD/tấn. Như vậy, hầu như mọi thứ từ thiết bị điện tử cũ, kể cả đã băm nát, đều có giá trị sử dụng không nhỏ.

Nếu các phi vụ cất giấu hàng điện tử cũ trót lọt thì DN sẽ thu lợi nhuận cực lớn.

Còn doanh nghiệp nhập phế liệu "bí ẩn"

Theo hồ sơ chúng tôi nắm được, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018, Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng thương mại Phú Thành làm thủ tục thông quan tới 4.870 tấn phế liệu nhựa.

Chỉ riêng ngày 4-7-2018, Sở TN&MT tỉnh Phú Yên ban hành thông báo cho công ty làm thủ tục thông quan tới 23 lô với 1.418 tấn.

Tuy nhiên, đến địa chỉ công ty này đăng ký ở số 81B Trần Phú, P.7, TP Tuy Hòa (Phú Yên), nhà này không có bảng hiệu. Những người thuê nhà ở đây nói không có công ty nào tên Phú Thành.

Lần theo hồ sơ, chúng tôi đến nhà máy công ty ở "sân kho vườn trầu, thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa". Tại đây có một xưởng đùn nhựa lèo tèo vài cái máy nhưng đã đóng cửa ngừng hoạt động.

Người dân ở cạnh nhà máy cho biết mấy tháng nay họ không thấy xe container chở phế liệu về.

Tìm đến nhà ông Linh (người đại diện pháp luật công ty) ở cách nhà máy chừng 1km nhưng không gặp. Người anh ruột nói ông Linh đang đi làm… xây dựng.

Gọi điện hỏi vì sao nhà máy không hoạt động mà Công ty Phú Thành nhập hàng ngàn tấn phế liệu về TP.HCM, ông Linh nói có gì hỏi anh Hải rồi tắt điện thoại.

3 năm lãi 700 tỉ đồng từ... lốp xe cũ

Theo nghị định 187/2013/NĐ-CP, săm lốp ôtô đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.

Trước tình trạng container lốp ôtô phế liệu nhập khẩu tồn đọng ở cảng quá lớn, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty CP kính nổi Chu Lai - Indevco nhập khẩu không quá 160.000 tấn săm lốp ôtô đã qua sử dụng để tái chế thành dầu nhiên liệu phục vụ sản xuất đến hết năm 2015.

Theo Bộ KH&CN, chỉ trong ba năm công ty này đã lãi tới 700 tỉ đồng từ việc nhiệt phân lốp ôtô thu dầu FO-R, than đen carbon thô và thép phế liệu.

Ông Lành (đầu nậu phế liệu tại TP.HCM) kể với phóng viên các DN từ Úc đã đến VN tìm ông đặt vấn đề tìm cách tiêu thụ hàng triệu lốp ôtô đã qua sử dụng đang chất như núi tại nước này, đề nghị trả thêm 1 USD/lốp đưa về VN trót lọt.

"Mặt hàng này Chính phủ cấm nhập khẩu chứ nếu cho nhập, làm một năm tiền lời ăn cả đời không hết" - ông Lành nói.

Khởi tố thêm 2 công ty nhập khẩu rác

Chiều 12-9, ông Nguyễn Sỹ Tráng (phó cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết cơ quan này phối hợp với Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với Công ty TNHH MTV Hương Quỳnh Cẩm Hưng và Công ty CP DFG (đều có trụ sở tại tỉnh Hải Dương).

Công ty Hương Quỳnh Cẩm Hưng bị khởi tố vì hành vi bán giấy phép nhập khẩu phế liệu và làm giả công văn thông báo lô hàng nhập khẩu. Công ty DFG bị khởi tố do có hành vi sửa giấy phép nhập khẩu phế liệu đã hết hạn và làm giả công văn thông báo lô hàng nhập khẩu để nộp cho hải quan.

Trong loạt bài điều tra "Rác thế giới đổ về VN", phóng viên Tuổi Trẻ đã phản ánh nhiều lô hàng của Công ty Hương Quỳnh Cẩm Hưng có biểu hiện bất thường khi nhập về các cảng tại TP.HCM trong khi trụ sở ở Hải Dương.

Một số đầu nậu thừa nhận đã thuê giấy phép của công ty này với giá từ 1-5 triệu đồng/container phế liệu nhựa. Cục Hải quan Hải Phòng xác nhận công ty này bán (hoặc cho thuê) giấy phép để lấy 1 triệu đồng/container.

Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, có 4 công ty nhập phế liệu đã bị khởi tố trong 2 tháng qua.

Nhập khẩu rác về Việt Nam bằng giấy tờ giả Nhập khẩu rác về Việt Nam bằng giấy tờ giả

TTO - Việc nhập khẩu, mua bán phế liệu tại VN trong một thời gian rất bát nháo. Một số doanh nghiệp (DN) vô tư sử dụng giấy phép, hồ sơ, địa chỉ giả mà không hề bị phát hiện.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên