12/09/2018 09:45 GMT+7

Nhập khẩu rác về Việt Nam bằng giấy tờ giả

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Việc nhập khẩu, mua bán phế liệu tại VN trong một thời gian rất bát nháo. Một số doanh nghiệp (DN) vô tư sử dụng giấy phép, hồ sơ, địa chỉ giả mà không hề bị phát hiện.

Nhập khẩu rác về Việt Nam bằng giấy tờ giả - Ảnh 1.

Cục Hải quan TP Hải Phòng phát hiện nhiều vụ nhập khẩu phqế liệu bằng hồ sơ, chứng từ giả - Ảnh: V.TR.

Lần theo thông tin Công ty Đức Đạt bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) khởi tố về tội làm giả giấy phép nhập khẩu, chúng tôi về nơi công ty này đăng ký kinh doanh ở tỉnh Ninh Bình để xác minh.

Xài giấy phép giả suốt ba năm

Đi khắp các con đường lớn nhỏ ở thôn Đông Mai, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh suốt từ trưa đến chiều, chúng tôi vẫn không tìm được trụ sở Công ty Đức Đạt.

Không chỉ DN, người dân mà tại văn phòng UBND xã Khánh Hải, hai nữ công chức xem tài liệu chúng tôi cung cấp rồi lắc đầu: "Chưa bao giờ nghe tên công ty này".

Theo điều tra của phóng viên, từ tháng 9-2015 đến cuối năm 2017 Công ty Đức Đạt đã nộp cho hải quan hơn 1.650 bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1094/GCN-STNMT do Sở TN-MT tỉnh Ninh Bình cấp ngày 14-9-2015 (giấy phép nhập khẩu).

Tuy nhiên Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh này khẳng định đó là giấy phép giả. Chi cục cũng cung cấp văn bản của Sở TN-MT vừa trả lời hải quan khẳng định chưa bao giờ cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu cho Công ty Đức Đạt.

Do chưa từng đến nhà máy để thẩm định, cấp phép nên chi cục cũng không biết công ty này có thật không.

Trong năm 2015 Công ty Đức Đạt mở 24 tờ khai nhập khẩu tại cảng Cát Lái và một tờ khai tại cảng Cái Mép với tổng khối lượng khoảng 564 tấn.

Các loại phế liệu nhựa mà Công ty Đức Đạt nhập là mảnh vụn plastic, dây buộc đã qua sử dụng, lưới đánh cá cũ có nguồn gốc từ Nhật, Mỹ, Úc, Trung Quốc... Giá khai báo hải quan rất thấp, có loại nhập từ Nhật Bản với giá CIF (bao gồm giá hàng hóa, phí vận chuyển và bảo hiểm) chỉ 0,01 USD/kg, tức 222 đồng/kg.

Cả năm 2016, Công ty Đức Đạt "biến mất" không nhập bất cứ lô hàng nào. Sang năm 2017 công ty này tăng tốc, mở tới 1.634 tờ khai nhập khẩu với tổng khối lượng phế liệu nhựa nhập khẩu hơn 53.300 tấn.

Hàng phế liệu của công ty này được đưa về nhiều cảng, phần lớn về cảng ở TP Hải Phòng, cảng Cát Lái (TP.HCM) và một số về cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Các công ty bán phế liệu nhựa cho Công ty Đức Đạt nhiều nhất là Golden Trust Trading (Canada), Sonata General Trading (UAE), Ever Rich Corp (Hong Kong), Hamaya (Nhật Bản).

Tổng cục Hải quan cho biết đang điều tra hành vi làm giả giấy phép của Công ty Đức Đạt. Vấn đề đặt ra là công ty này không có trụ sở tại nơi đăng ký, không có nhà máy vậy nhập làm gì và tại sao lại đưa hàng về các cảng ở miền Nam, cách tỉnh Ninh Bình tới hơn 1.500km?

Có biểu hiện trốn thuế

Theo quy định, mặt hàng phế liệu chịu thuế nhập khẩu 10% và thuế VAT 10%. Có DN khai giá nhập khẩu khá cao khi làm thủ tục thông quan như Công ty bao bì YongFeng VN (tỉnh Tiền Giang): 720 USD/tấn phế liệu nhựa PE dạng mảnh nhập từ Malaysia.

Tuy nhiên hầu hết DN mà chúng tôi nắm hồ sơ đều khai báo giá rất thấp, trung bình chỉ từ 80-130 USD/tấn.

Đơn cử, vào tháng 8-2017 Công ty Đức Đạt khai báo giá nhựa phế liệu các loại mà công ty này nhập về từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong... là 0,05 USD/kg (1.135 đồng/kg) và 0,12 USD/kg (2.724 đồng/kg).

Mới đây nhất là vào tháng 6-2018, Công ty Liên Minh khai báo nhập nhựa phế liệu từ Công ty HK Hua Tai International giá 80-98 USD/tấn...

Để có căn cứ khẳng định DN khai giá thấp để né thuế, chúng tôi đã đề nghị DN nước ngoài báo giá; đồng thời đến Singapore và Hàn Quốc tìm mua hàng ở những nơi đã bán cho VN.

Công ty Kukje Trading (Hàn Quốc) gửi báo giá qua email như sau: nhựa phế liệu PP giá 490 won/kg (10.780 đồng), túi nhựa LDPE bình thường 11.660 đồng. Riêng nhựa LDPE trắng lên tới 20.000 đồng/kg. Trung bình các mặt hàng có giá 11.000 đồng/kg, tương đương 480 USD/tấn.

Công ty này nói rõ đây là giá FOB (tức chỉ giao lên tàu tại Hàn Quốc), bên mua chịu phí vận chuyển về VN. Tổng giá trị hàng hóa và các chi phí khác để đưa phế liệu nhựa từ Hàn Quốc về tới cảng VN vào khoảng 220 triệu đồng/container 20 tấn.

Trong khi đó, Công ty Hà Nam là khách hàng VIP của Công ty Kukje Trading.

Hồ sơ thể hiện Công ty Hà Nam khai báo với hải quan giá mua nhựa phế liệu của đối tác Hàn Quốc theo hình thức C&F (bao gồm giá hàng hóa và vận chuyển tới cảng VN) có giá 120 USD/tấn, tức chỉ có 54 triệu đồng/container 20 tấn.

Hay vào tháng 4-2018, Công ty môi trường công nghiệp Phương Mai khai báo giá nhập khẩu một số lô hàng nhựa phế liệu PE từ Tập đoàn Gemini (Bỉ) là 120 USD/tấn.

Thế nhưng chúng tôi tìm thấy thông tin tập đoàn này chào bán nhựa phế liệu những tháng đầu năm nay với giá cao hơn rất nhiều. Cụ thể, nhựa phế liệu LDPE loại A có nguồn gốc từ Mỹ giá 530 USD/tấn, nhựa phế liệu PE có giá 390 USD/tấn, giao tới cảng của VN.

Khi đến làm việc trực tiếp với một số DN tại Singapore và Hàn Quốc, họ báo giá bán phế liệu nhựa (loại bị cấm nhập vào VN) giá từ 300-350 USD/tấn.

Nếu cộng chi phí vận chuyển ra cảng và đóng container, vận chuyển về VN thì chi phí vào khoảng 400-500 USD/tấn. Giá này cũng tương đương với giá các DN gửi email báo giá.

Tương tự, 6 tháng đầu năm 2018 Công ty Hương Quỳnh Cẩm Hưng và Công ty Trọng Khang khai báo mua của Công ty Di Trade LLC (Mỹ) nhiều lô hàng phế liệu nhựa LDPE với giá 120 USD/tấn.

Tuy nhiên cùng thời điểm này, Công ty Di Trade LLC rao bán trên mạng giá nhựa phế liệu LDPE độ ẩm dưới 15% giao tại cảng VN lên tới 410 USD/tấn... Theo quy định, các mặt hàng trên không được phép nhập vào VN.

Theo điều tra của phóng viên, từ tháng 2 đến tháng 6-2018 một số chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP Hải Phòng đã đánh dấu "có nghi vấn, chuyển sau thông quan" khoảng 30 tờ khai của Công ty Hà Nam khai báo giá nhập khẩu phế liệu nhựa từ Công ty Kukje Trading là 0,12 USD/kg.

Theo giải thích của một cán bộ hải quan, trong trường hợp này cơ quan hải quan nghi ngờ DN khai giá thấp hơn thực tế nên đề nghị kiểm tra sau thông quan.

Trao đổi với chúng tôi, Hà (một đầu nậu chuyên làm hàng nhựa phế liệu tại khu vực phía Nam) cho biết giá nhập khẩu phế liệu nhựa trung bình khoảng 9.000 USD/container 20 tấn, tương đương 207 triệu đồng.

Với giá khai báo 0,12 USD/kg thì giá trị hàng hóa chỉ có 55 triệu đồng/container. "DN khai giá thấp để mục đích dễ hiểu nhất là né thuế" - Hà nói.

Bắt giam hai giám đốc làm hồ sơ giả

Cuối tháng 8-2018, trong lúc Tuổi Trẻ chuẩn bị đăng loạt bài điều tra đường đi của phế liệu thế giới vào VN, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Đức Trường (giám đốc Công ty Đức Đạt) và Nguyễn Văn Sơn (giám đốc DNTN Trường Thịnh) do có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Cụ thể là làm hồ sơ giả để nhập phế liệu. Cả hai DN này đều có trụ sở tại xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng bắt giam Dương Tuấn Anh (nhân viên làm thủ tục hải quan của Công ty Hồng Việt) do đã làm giả bản thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, tất cả các vụ này đều do hải quan phát hiện và khởi tố vụ án trước đó.

Vì sao hải quan bị "qua mặt"?

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao hải quan dễ dàng bị DN qua mặt như vậy, Tổng cục Hải quan giải thích giấy phép nhập khẩu phế liệu (do Bộ TN-MT và các sở TN-MT cấp) không được đăng công khai trên hệ thống thông tin điện tử quốc gia.

Hải quan nghi ngờ nhưng không thể tra cứu được nên buộc phải giải quyết cho thông quan.

Tuy nhiên, "từ năm 2017 đến nay hải quan đã phát hiện hàng trăm vụ vi phạm về làm giả hồ sơ, con dấu; nhập phế liệu không đủ điều kiện; cất giấu hàng cấm; khai sai tên hàng, mã số hàng hóa để trốn tránh xuất trình giấy phép nhập khẩu; khai gian lượng hàng hóa để gian lận thuế" - Tổng cục Hải quan cho biết.

Khó biết chủ hàng thật sự là ai

Theo quy định, hồ sơ nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về đều phải thể hiện rõ thông tin DN bán hàng và DN mua hàng.

Tuy nhiên với mặt hàng phế liệu nhựa thì có sự bất thường. Rất nhiều lô hàng đưa lên cảng chỉ có tên, số điện thoại và email của người nhận (thường là đầu nậu) trên vận đơn. Chỉ khi nào DN đến làm thủ tục thông quan mới biết ai là chủ hàng.

Đơn cử, vận đơn của hãng tàu Namsung Shipping ngày 21-7-2018 ghi Công ty Kukje (Hàn Quốc) gửi 4 container phế liệu nhựa tới cảng Cát Lái.

Người nhận là Công ty TNHH TMDVXNK công nghiệp Miền Tây ở Q.1, TP.HCM. Vận đơn có ghi số điện thoại và email người nhận hàng. Tuy nhiên, hiện nay số điện thoại này không còn hoạt động.

Một cán bộ hải quan khẳng định Công ty Miền Tây chỉ là "đại lý" để DN nước ngoài gửi hàng về VN. Sau đó công ty này thông báo cho chủ thực sự của lô hàng biết để đến cảng làm thủ tục thông quan.

Ngày 6-9-2018, ông Hoàng Văn Thức (phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường) xác nhận Công ty Miền Tây không có tên trong danh sách các DN được cấp phép nhập khẩu phế liệu nhựa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, 4 container này chứa túi nilông chưa làm sạch, chưa băm và không đủ điều kiện nhập khẩu vào VN. Hiện lô hàng này vẫn nằm ở cảng Cát Lái.

Rác thế giới đổ về Việt Nam: Có gì bên trong container phế liệu? Rác thế giới đổ về Việt Nam: Có gì bên trong container phế liệu?

TTO - Theo Tổng cục Hải quan, đến tháng 8-2018 tại các cảng biển ở TP.HCM và TP Hải Phòng có gần 6.000 container phế liệu tồn đọng không có người nhận.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên