07/06/2017 11:03 GMT+7

Quan hệ Qatar - Ả Rập: Khi giọt nước làm tràn ly

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Việc Qatar bị năm quốc gia Ả Rập cắt đứt quan hệ có vẻ khá bất ngờ, nhưng thực ra đây là là giọt nước làm tràn ly từ những hiềm khích âm ỉ bấy lâu nay. 

Một góc Doha, thủ đô của Qatar, quốc gia vừa bị năm nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ - Ảnh: AFP
Một góc Doha, thủ đô của Qatar, quốc gia vừa bị năm nước Ả Rập cắt đứt quan hệ - Ảnh: AFP

Hai lý do nổi bật nhất: quan hệ mật thiết với Iran và bảo trợ cho các tổ chức thánh chiến mà nhiều quốc gia Ả Rập coi là “đe dọa an ninh quốc gia” của họ, theo cáo buộc về "tội trạng" khiến năm quốc gia gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập và Yemen khiến họ cắt đứt mọi quan hệ với Qatar.

Với Iran, trong khi năm quốc gia Ả Rập nêu trên luôn giữ thái độ lạnh nhạt, tẩy chay và đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này từ năm 2016, thì Qatar vẫn giữ quan hệ khá mật thiết từ vài chục năm trước.

Năm 2007, khi Qatar là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập, tổng thống Iran lúc đó là Mahmoud Ahmadinejad đã được quốc vương nước này mời đến dự với danh nghĩa “khách mời danh dự” khiến Saudi Arabia và nhiều nước Ả Rập khác rất khó chịu.

Tháng 10-2015, Qatar và Iran ký hiệp định “Chống khủng bố và các yếu tố đe dọa an ninh trong khu vực”. Cùng thời gian ấy, hai nước ký một hiệp định hợp tác quân sự - an ninh chung.

Hai hiệp định này là kết quả của quá trình đàm phán hữu nghị giữa đôi bên kéo dài suốt từ cuối năm 2010, với việc trao đổi nhiều phái đoàn quân sự - an ninh cấp cao, khiến các quốc gia Ả Rập láng giềng theo dõi với tâm trạng đầy bất an.

Thậm chí, Saudi Arabia khi ấy lo ngại nguy cơ Qatar rút khỏi Tổ chức hợp tác vùng Vịnh (GCC) mà Saudi Arabia là nòng cốt.

Mặt khác, trong khi UAE tranh chấp căng thẳng với Iran về chủ quyền ba hòn đảo trên vịnh Persic mà Iran đang kiểm soát, thì Qatar lại “hợp tác với Iran” cùng khai thác khu vực có mỏ khí đốt thiên nhiên rộng lớn cũng tại vịnh này.

Khi tham dự các hoạt động thượng đỉnh Ả Rập và Hồi giáo ở Riyad ngày 20 và 21-5 vừa qua, nhân dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Saudi Arabia, quốc vương Qatar Tamim Bin Hamad Al-Thani đã không tán thành chủ đích của tổng thống Mỹ nhằm tập hợp một liên minh Ả Rập - Hồi giáo để chống Iran.

Quan điểm của quốc vương Tamim khiến nước chủ nhà Saudi Arabia cùng nhiều đồng minh Ả Rập khác rất phật ý, và thượng khách đến từ Nhà Trắng cũng thất vọng.

Về các vấn đề nội bộ Ả Rập, chính quyền Qatar cũng bất hòa với Saudi Arabia và nhiều anh em Ả Rập khác. Khi phong trào Anh em Hồi giáo lên cầm quyền tại Ai Cập năm 2012, Qatar thể hiện rõ là thế lực khích lệ phong trào Hồi giáo này trong thế giới Ả Rập.

Trong khi Saudi Arabia, UAE và chính quyền Ai Cập hiện nay coi Anh em Hồi giáo là tổ chức khủng bố, gây mất ổn định chính trị tại các quốc gia này thì thủ đô Doha của Qatar là nơi nương náu an toàn cho các phần tử lãnh đạo Anh em Hồi giáo bị Ai Cập truy nã.

Khi chính quyền Hamas ở Gaza (tự coi là Anh em Hồi giáo của Palestine) bị Ai Cập bao vây cấm vận thì Qatar lại bảo trợ chính cho hoạt động của Hamas, cả bên trong và bên ngoài Gaza.

Giọt nước tràn ly mối bất hòa ấm ức lâu ngày giữa Saudi Arabia và một số đồng minh Ả Rập với Qatar chính là phát biểu ngày 23-5 của quốc vương Tamim tại một lễ ra quân của lực lượng “Phục vụ quốc gia” ở Doha.

Trong dịp này, quốc vương Qatar đã công khai bộc lộ quan điểm của ông không chấp nhận chủ đích của tổng thống Mỹ muốn tập hợp liên minh Ả Rập - Hồi giáo chống Iran.

Quốc vương Tamim cũng bảo vệ lập trường của mình ủng hộ các tổ chức thánh chiến Hồi giáo mà Qatar, cũng như Iran, coi là “kháng chiến” (chống Israel) như Hamas Palestine, Hezbollah Liban...

Thêm nữa, ngày 27-5, quốc vương Qatar còn chủ động điện đàm với ông Hassan Rouhani để “chúc mừng tái đắc cử” tổng thống Iran, chúc mừng nhân dịp thánh lễ Ramadan và khẳng định: “Quan hệ giữa chúng tôi với Cộng hòa Hồi giáo Iran là lâu đời, có tính lịch sử và tin cậy. Chúng tôi muốn tăng cường các mối quan hệ này hơn cả thời gian đã qua”.

Lập trường của Qatar không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối bang giao giữa những người anh em Ả Rập, gây xáo trộn thị trường năng lượng thế giới, bởi Qatar nằm trong tốp ba quốc gia đứng đầu của lĩnh vực xuất khẩu khí đốt thiên nhiên (cùng Nga và Iran), mà còn gây khó xử cho cả chính quyền của Tổng thống Trump. Một trong những ràng buộc mà Mỹ gắn với Qatar là bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM) điều hành các hoạt động của quân đội Mỹ ở Trung Đông và Nam Á đóng trụ sở tại nước này.

Kuwait làm trung gian hòa giải

Ngày 6-6, chính quyền Doha đã có dấu hiệu xuống nước khi kêu gọi “đối thoại mở và chân thành” với các nước đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao lẫn kinh tế với mình. Trên Đài truyền hình Al Jazeera, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdul Rahman khẳng định không hề có “leo thang căng thẳng” từ phía Qatar - một đồng minh lâu đời của Mỹ và cả... Saudi Arabia.

Ngoại trưởng Abdul Rahman cũng cho biết quốc vương Qatar Tamim Bin Hamad Al Thani đã điện đàm với người đồng cấp Kuwait và đưa ra quyết định hoãn bài phát biểu trước dân chúng Qatar về tình hình hiện tại, đồng thời nhất trí để Kuwait làm trung gian hòa giải những bất đồng hiện nay.

Cùng ngày, người dân Qatar đổ xô vơ vét nhu yếu phẩm trong các cửa hàng, siêu thị để tích trữ vì sợ hàng hóa không nhập vào được. Hàng loạt hãng hàng không cũng đã ngừng bay đến nước này như Etihad, Emirates, Fly Dubai, Air Arabia, Egypt Air, Saudi Arabian Airlines và Gulf Air.

Trước đó, sàn chứng khoán Doha giảm đến 8% trong phiên mở cửa ngày 5-6 và kết thúc với mức giảm 7,58% vào cuối ngày.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên