21/05/2023 17:25 GMT+7

Phương Tây khẳng định đào tạo phi công F-16 cho Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các chương trình đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu F-16 của đồng minh cho Ukraine là thông điệp gửi đến Nga.

Phương Tây khẳng định đào tạo phi công F-16 cho Ukraine - Ảnh 1.

Phiên làm việc về Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo G7 ở Hiroshima có mặt các lãnh đạo G7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: REUTERS

Đào tạo phi công F-16 là một dự án dài hơi

Ngày 21-5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên trước khi rời Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima rằng các chương trình đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu F-16 tiềm năng của đồng minh cho Ukraine là thông điệp gửi tới Nga. 

"Nga đừng nghĩ có thể thành công trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, ngay cả khi chiến sự kéo dài" - nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh. 

"Việc đào tạo phi công F-16 là một dự án dài hơi. Mỹ vẫn chưa quyết định điều gì sẽ xảy ra cuối cùng".

Trước đó, ngày 19-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức cấp cao của Mỹ nói với các lãnh đạo G7 rằng Washington ủng hộ các chương trình đào tạo phi công lái máy bay F-16 chung của liên minh cho Ukraine. 

Tuy nhiên, Kiev chưa nhận được cam kết cung cấp máy bay chiến đấu F-16 mà nước này mong muốn.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Vương quốc Anh sẽ phối hợp với Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch "để cung cấp cho Ukraine năng lực chiến đấu không quân mà nước này cần".

Vấn đề Ukraine mua và sử dụng các máy bay chiến đấu tiên tiến là một thách thức tế nhị đối với G7 - nhóm 7 nước công nghiệp phát triển gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý. 

G7 đã từng bước tăng cường hỗ trợ cho Kiev trong chiến sự Nga - Ukraine nhưng không muốn khiêu khích Nga.

Sau tin tức về chương trình đào tạo phi công trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã lập tức cảnh báo các nước phương Tây sẽ gặp "rủi ro lớn" nếu cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, Hãng thông tấn TASS đưa tin.

Chưa có hiệu quả với cục diện trước mắt

Các quan chức Mỹ cho biết việc đào tạo về các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất sẽ diễn ra ở châu Âu và cần thời gian. Ước tính cần ít nhất 18 tháng để đào tạo và chuyển giao.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận chương trình đào tạo phi công lái F-16 sẽ không phát huy tác dụng ngay lập tức, nhưng ca ngợi quyết định này là "một kết quả tuyệt vời".

Trong cuộc họp báo tại G7, một quan chức quân sự Pháp tỏ ra thận trọng về việc này. Ông cho biết Pháp mới nhận được đề nghị tham gia đào tạo phi công cơ bản và cho tới nay, không có phi công Ukraine nào được đào tạo tại Pháp.

Pháp không có máy bay F-16, chỉ có máy bay chiến đấu Rafale tự sản xuất và máy bay phản lực Mirage 2000 thế hệ trước.

Quan chức này cho rằng việc đào tạo một người chưa biết gì vận hành máy bay chiến đấu do NATO sản xuất có thể mất tới 4 năm. 

Còn nếu đào tạo từ một phi công có kinh nghiệm, từng lái máy bay phản lực Ukraine thì sẽ cần từ 4 đến 9 tháng.

"Đó không phải là ưu tiên trước mắt với Ukraine. Việc huấn luyện này sẽ không sẵn sàng trong vài tuần tới mà là lâu dài", vị quan chức này bình luận.

Ông cho biết thông tin liên quan đến F-16 đang thu hút sự chú ý, giống như việc các đồng minh của Ukraine đồng ý chuyển xe tăng Leopard do Đức sản xuất trước đây.

Ông khẳng định hiện tại "đây mới là sáng kiến về việc huấn luyện phi công mà không có lời hứa về việc chuyển giao máy bay". 

Ukraine kêu gọi nghị sĩ Mỹ ủng hộ việc gửi máy bay F-16Ukraine kêu gọi nghị sĩ Mỹ ủng hộ việc gửi máy bay F-16

Các nghị sĩ Mỹ cho biết nhiều quan chức Ukraine kêu gọi các thành viên Quốc hội Mỹ gây sức ép để Chính phủ gửi máy bay chiến đấu phản lực F-16 cho Kiev.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên