Dạy bơi cho học sinh tại Trường THCS Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Những cảnh báo được đưa ra: giám sát con trẻ thật kỹ.
Cần sự chung tay của xã hội
Ông Thái Văn Thành - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An - cho biết Nghệ An là một trong ba tỉnh có số lượng học sinh tử vong vì đuối nước lớn nhất cả nước và trở thành một vấn đề "nóng" được cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai dạy bơi cho trẻ còn gặp nhiều khó khăn và "chỉ mình ngành giáo dục thì không thể đảm đương nổi".
"Việc dạy bơi trong nhà trường vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có rất ít trường học được đầu tư bể bơi, hầu như là chưa có bởi vì thiếu kinh phí xây dựng. Đội ngũ giáo viên môn thể dục biết bơi và biết dạy bơi còn hạn chế và thiếu, hơn nữa trường không có bể bơi, không có cơ sở vật chất để dạy. Kinh phí xây dựng bể bơi riêng ngành giáo dục không thể làm được", ông Thành nói.
Ông Thành nêu ví dụ qua tìm hiểu một số mô hình dạy bơi ở các địa phương khác cũng đang dừng ở hai mức độ: bể bơi di động khoảng 150 triệu đồng nhưng thời gian sử dụng ngắn, kém hiệu quả. Nếu đầu tư một bể bơi lâu dài trong trường học cũng cần phải có quỹ đất, chi phí trên dưới 1 tỉ đồng, ngân sách địa phương lại không có.
"Để phòng chống tai nạn đuối nước rất cần sự chung tay của xã hội, vận dụng, ưu tiên các nguồn lực xã hội hóa xây dựng bể bơi, mở lớp dạy bơi cho các em chứ không chỉ dừng lại ở tuyên truyền lý thuyết suông", ông Thành đề nghị.
Quan trọng nhất là sự lưu tâm của người lớn
Tại Quảng Bình, 6 ngày vừa qua đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 9 học sinh tử vong, trong đó có vụ 3 trẻ em chết đuối lúc rủ nhau đi bắt cua kiếm thêm tiền khi vừa được nghỉ học tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa.
Bà Mai Thị Kim Oanh, hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Tân Hóa - nơi có 2 học sinh tử nạn, cho biết trường mới vừa nhắc nhở học sinh toàn trường cẩn trọng trong buổi chào cờ tuần trước. Trước đó, trường cũng yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm liên tục đưa nội dung này vào giờ sinh hoạt lớp.
"Nhưng để các em tuyệt đối an toàn thì phải cần thêm sự phối hợp của gia đình và chính quyền địa phương. Ở độ tuổi này các em khá hiếu động nên cũng là một trong những nguyên nhân khiến các em hay gặp nạn" - bà Oanh nói.
Ông Đinh Quý Nhân, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, nói khi nghỉ hè thì nhà trường không thể quản lý được học sinh, rất mong phụ huynh cùng để ý, trông nom con cái.
Ông Nhân cũng nói những năm gần đây sở làm một số đề án về cải thiện kỹ năng bơi cho học sinh nhưng không thể dạy bơi cho toàn bộ. Quan trọng nhất là người lớn, nhất là những người trực tiếp kề cận như cha mẹ phải thường xuyên cảnh báo cho các em mỗi ngày chứ với sức của trẻ em, khi ra giữa sông suối chảy mạnh như ở miền núi dù có biết bơi cũng khó sống sót.
"Sắp tới sở sẽ đề nghị UBND tỉnh thực hiện giải pháp cho phát những thông tin cảnh báo đuối nước mỗi ngày ngay trên hệ thống loa phát thanh của từng xã, thôn" - ông Nhân cho biết thêm.
* Ông TRẦN NHẬT PHƯƠNG (giáo viên dạy bơi tại Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM):
Ngoài học bơi, cần học kỹ năng phòng chống đuối nước
Cho trẻ đi học bơi và biết bơi nhiều kiểu thôi vẫn chưa đủ. Trên thực tế, nhiều em biết bơi vẫn bị chết đuối. Do vậy, các em cần học kỹ năng phòng chống đuối nước.
Ở trường, chúng tôi dạy cho học sinh không bao giờ đi bơi một mình mà phải có người lớn đi cùng. Không được bơi trong vùng lũ lụt và không nhảy từ trên bờ xuống nước đối với những vùng nước cạn và những chỗ mà chúng ta không nhìn thấy đáy. Khi đi bơi, các em cũng cần mặc quần áo bơi thích hợp.
Nếu gặp nguy hiểm dưới nước các em cần phải giữ bình tĩnh, kêu cứu, lật ngửa người và thả nổi, đặc biệt trong trường hợp này các em không được níu kéo người thứ hai. Trong những trường hợp học sinh nhìn thấy người khác gặp nguy hiểm thì cũng phải giữ bình tĩnh, không được tự mình nhảy xuống cứu người. Các em phải kêu cứu đồng thời dùng dây thừng hoặc những vật nổi để ném cho nạn nhân.
Học sinh cũng cần được học những quy tắc an toàn khi đi tắm biển như: bơi ở những nơi có nhân viên cứu hộ nhìn thấy; gặp phải vùng nước xoáy thì không được chống chọi với nước xoáy mà bơi song song với bờ biển, sau đó mới bơi vào bờ. Nếu các em không thoát ra khỏi vùng nước xoáy thì nổi ngửa hoặc đứng nước tại chỗ, đồng thời giơ tay lên kêu cứu.
Ngoài ra, tôi cho rằng điều quan trọng nhất để phòng chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em chính là ý thức của phụ huynh trong việc chăm sóc và bảo vệ con em của mình. Các bậc làm cha làm mẹ phải luôn giám sát con em khi các cháu ở gần nước chứ đừng thả cho các em tự do đi tắm sông tắm biển, rất nguy hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận