08/08/2023 14:40 GMT+7

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà muốn lắng nghe vấn đề của trẻ em như một người bạn

Đó là mong muốn của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khi lắng nghe các câu hỏi, vấn đề mà các đại biểu nhỏ tuổi đưa ra tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII.

188 đại biểu trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII nói lên những ý kiến, sự quan tâm của mình để tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

188 đại biểu trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII nói lên những ý kiến, sự quan tâm của mình để tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Với chủ đề "Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em", phiên chính thức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII, năm 2023 đã diễn ra tại Hà Nội sáng 8-8.

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII diễn ra với sự tham gia của 188 trẻ em đến từ 43 tỉnh, thành phố, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, các Làng trẻ em SOS trên cả nước.

Khi trẻ quan tâm nhiều vấn đề nóng 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết trong những ngày diễn ra diễn đàn, các em cùng thảo luận, trao đổi thể hiện quyền tham gia của trẻ em vào phòng chống bạo lực, tai nạn thương tích; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đặc biệt tham gia phòng chống trẻ em lao động trái quy định pháp luật...

Tại phiên chính thức diễn đàn, các em đặt nhiều câu hỏi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về các vấn đề trẻ em quan tâm, như: giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; làm sao nắm bắt thông tin hiệu quả; ngăn chặn bạo lực trên môi trường mạng; hỗ trợ tâm lý trẻ khi bị bạo lực, xâm hại; tình trạng thiếu giáo viên, vai trò của người mẹ trong việc bảo vệ con khỏi xâm hại…

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các đại biểu trẻ em có mặt tại diễn đàn chia sẻ các vấn đề của mình như những người bạn - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các đại biểu trẻ em có mặt tại diễn đàn chia sẻ các vấn đề của mình như những người bạn - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các câu hỏi, vấn đề mà các đại biểu nhỏ tuổi đưa ra đều sát với thực tế. Đó cũng là những điều đã được Đảng và Nhà nước thực hiện thông qua các nghị quyết của Đảng và bộ Luật Bảo vệ trẻ em năm 2016.

"Bác muốn biết ngoài những việc các bác, các cô, các chú, các tổ chức chính trị đã làm có gì cần phải làm tốt hơn nữa. Bác rất muốn các cháu hãy coi các bác, các cô chú, anh chị hôm nay như những người bạn thì sẽ nghe được nhiều ý kiến hơn.

Từ chính sách, pháp luật đến thực tiễn sẽ có khoảng cách, bác mong các cháu sẽ là sự phản ánh trong sáng nhất nói lên tiếng nói của mình. Các bác, các cô chú sẽ theo trách nhiệm của mình, trên từng cương vị sẽ cố gắng lắng nghe, thấu hiểu và tiếp thu ý kiến của các cháu", Phó thủ tướng chia sẻ.

Bạn Trần Duy Đan - đại diện cho trẻ em Cà Mau - chia sẻ rằng trẻ em có thể tự bảo vệ mình nếu được hỗ trợ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bạn Trần Duy Đan - đại diện cho trẻ em Cà Mau - chia sẻ rằng trẻ em có thể tự bảo vệ mình nếu được hỗ trợ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Mong muốn ngăn chặn bạo lực trên không gian mạng

Một trong những vấn đề được trẻ em quan tâm nhất trong diễn đàn là việc ngăn chặn bạo lực trên không gian mạng và việc hỗ trợ tâm lý trẻ khi bị bạo lực, xâm hại.

Đại diện cho trẻ em Cà Mau, bạn Trần Duy Đan (13 tuổi), Trường THCS Lý Tự Trọng (huyện U Minh), cho rằng trẻ em có thể tự bảo vệ mình trên không gian mạng nếu được hỗ trợ. "Chúng em mong các cấp, các ngành sẽ có biện pháp hạn chế, ngăn chặn các bài đăng có nội dung độc hại, tiêu cực xuất hiện trên mạng xã hội, trang website không phù hợp.

Còn trẻ em cũng cần có kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội, Internet. Chúng ta không nên truy cập vào các trang thông tin xấu độc vì nếu đăng nhập một lần các thông tin như vậy sẽ tiếp tục đề xuất và hiển thị nhiều hơn" - Duy Đan nói.

Anh Bùi Quang Huy, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cho rằng trẻ em nên phát huy quyền tham gia của mình khi phát hiện các vấn đề: bạo lực, xâm hại xung quanh mình - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Anh Bùi Quang Huy, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cho rằng trẻ em nên phát huy quyền tham gia của mình khi phát hiện các vấn đề: bạo lực, xâm hại xung quanh mình - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Theo anh Bùi Quang Huy, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, trẻ em cần phát huy quyền tham gia của mình để nắm bắt thông tin hiệu quả nhất. Khi phát hiện vấn đề xảy ra xung quanh mình, như: bạo lực, xâm hại… các em không nên im lặng mà hãy nói, thông tin cho người khác biết.

Vấn đề liên quan đến bạo lực mạng, làm sao để các thầy cô nắm bắt được tình trạng bạo lực mạng và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực mạng được bạn Trần Thanh Quỳnh (TP.HCM) gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trả lời vấn đề này, bà Ngô Thị Minh, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết thời gian qua ngành giáo dục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng bạo lực trên môi trường mạng.

Bà Minh cũng cho rằng tổng đài trẻ em quốc gia 111 là một kênh rất quan trọng, hữu ích để phát hiện và khắc phục nhanh chóng nhất bạo lực trên môi trường mạng. Hiện ở các trường học có tổ tư vấn tâm lý, nhiều trường có hiệu trưởng tham gia đã phát huy hiệu quả.

Sau diễn đàn, các thông điệp, khuyến nghị của trẻ em sẽ được gửi tới các cơ quan, tổ chức, các nhà hoạch định chính sách, những người làm việc vì trẻ em để tiếp thu, xem xét và đáp ứng một cách phù hợp.

Không gian mạng phản ánh không gian thực, cần ứng xử văn minhKhông gian mạng phản ánh không gian thực, cần ứng xử văn minh

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng sắp tới không gian mạng - không gian thực phản ánh 1-1, cần tuân thủ quy tắc ứng xử chung gồm: Tuân thủ - Lành mạnh - An toàn - Trách nhiệm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên