01/11/2023 18:33 GMT+7

Phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ nói gì về tên trường ‘CTU’?

Chia sẻ với thanh niên về dự án biến đổi khí hậu, lãnh đạo Trường đại học Cần Thơ nói về mục tiêu, triết lý của trường qua tên viết tắt 'CTU'.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung phát biểu tại phiên đối thoại - Ảnh: TRUNG PHẠM

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung phát biểu tại phiên đối thoại - Ảnh: TRUNG PHẠM

Chiều 1-11, tại Trường đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu phối hợp Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức phiên đối thoại chính sách với chủ đề "Thúc đẩy vai trò của thanh niên trong nâng cao năng lực chống chịu của cộng đồng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long".

Phát biểu tại phiên đối thoại, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung - phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ - cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, lực lượng thanh niên có vai trò quan trọng cho sự thay đổi của vùng này.

Tham gia chương trình "Khả năng chống chịu của cộng đồng thanh niên với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long" (Y-CoRe) từ tháng 3-2023, các thanh niên đã có 15 sáng kiến, từ đó lan tỏa, giải quyết các vấn đề của biến đổi khí hậu tại các địa phương.

"Trường đại học Cần Thơ gần đây xác định lại chiến lược. Mục tiêu đào tạo của trường cũng như tên gọi của trường là CTU (Can Tho University) còn có nghĩa: "C" là cộng đồng, "T" là toàn diện và "U" là ưu việt.

Chúng tôi hướng tới đào tạo thế hệ nhân lực của Trường đại học Cần Thơ khi ra trường đầu tiên là đóng góp cho cộng đồng với toàn bộ kiến thức và kỹ năng để có thể phát triển trong thời đại có nhiều biến động về kinh tế xã hội, môi trường. Dự án Y-CoRe là đúng với mục tiêu, triết lý của nhà trường", ông Trung nói.

PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - cho biết "bức tranh" Đồng bằng sông Cửu Long đã không còn đẹp khi bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, lũ bất thường với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Theo ông Trí, thực trạng trên là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng không thể bỏ qua tác động của con người ở thượng nguồn lẫn ở chính khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gây ra.

"Để có sự thay đổi, chúng ta phải hành động vì sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long và chính cuộc sống của chúng ta", ông Trí kêu gọi các bạn trẻ.

Chương trình Y-CoRe khởi động từ tháng 3-2023 với các hoạt động chính: tập huấn lực lượng nòng cốt cho 27 thủ lĩnh thanh niên; tổ chức một khóa tập huấn lan tỏa cho 147 thanh niên tại Đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức diễn đàn thanh niên thảo luận về thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong hành động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long và triển lãm 15 sáng kiến thanh niên thu hút gần 2.000 người tham gia...

Kết quả, chương trình Y-CoRe đã thiết lập một mạng lưới tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua ba đoàn thể thanh niên gồm: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh; tiếp cận hơn 100.000 người tham gia với hình thức trực tiếp và trực tuyến; kết nối với gương mặt trẻ truyền cảm hứng - Hoa hậu Liên lục địa 2022 Lê Nguyễn Bảo Ngọc...

Trường đại học Nam Cần Thơ: Đào tạo cho miền Tây Nam bộTrường đại học Nam Cần Thơ: Đào tạo cho miền Tây Nam Bộ

Ngày 22-9, Trường đại học Nam Cần Thơ đã tổ chức khai giảng năm học mới, năm học 2023 - 2024 và chào đón 6.000 tân sinh viên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên