03/05/2018 10:16 GMT+7

Phi công trẻ bay biển xa

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ở trung đoàn không quân trực thăng 917, với các phi công trẻ, được bay cứu hộ cứu nạn ngoài biển xa là cột mốc quan trọng đánh dấu và ghi nhận sự trưởng thành vượt trội về khả năng, trình độ và bản lĩnh bay.

Phi công trẻ bay biển xa - Ảnh 1.

Thứ nhất và thứ ba từ phải: thiếu tá Trần Minh Phú và trung tá Ngô Hồng Sơn ở buồng lái trong một lần chuẩn bị làm nhiệm vụ bay - Ảnh: My Lăng

Một trong những nhiệm vụ của trung đoàn 917 là bay cấp cứu trong đất liền và cả ở ngoài biển đảo. Đó là nhiệm vụ chỉ dành cho những phi công nổi trội về bản lĩnh, trình độ bay vững vàng và khả năng xử lý tình huống tốt.

Những ngư dân, những con tàu của bà con mình như cọc tiêu chủ quyền. Mỗi khi bay biển xa mà gặp được tàu ngư dân mình tôi thấy vui lắm. Cho nên dù bão gió hay nắng nóng vất vả thế nào, chúng tôi cũng không ngại

Trung tá NGÔ HỒNG SƠN

Thiếu tá, phó phi đội trưởng tuổi 34

Ở trung đoàn 917, trong số các phi công được tham gia những chuyến bay ra biển xa làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, thiếu tá Trần Minh Phú là người trẻ nhất. 

Anh quyết định chọn con đường trở thành phi công quân sự và bay trực thăng vì như anh giải thích: "Bay trực thăng được đi nhiều nơi, hạ cánh được nhiều bãi đỗ khác nhau, biết được nhiều sân bay, nhiều vùng miền hơn".

Ở tuổi 34, thiếu tá Trần Minh Phú đã kinh qua nhiều loại máy bay: Yak-52, Mi-8, Mi-171 và đang học chuyển loại Mi-172 là dòng phục vụ chuyên cơ. Năm ngoái, anh được phê chuẩn trở thành giáo viên bay, huấn luyện bay kèm phi công mới.

Thiếu tá Trần Minh Phú không thể quên chuyến bay cùng trung đoàn trưởng Đỗ Thanh Hồng ra đảo Song Tử Tây cấp cứu một ngư dân bị bệnh nặng.

"Đó là chuyến đầu tiên tôi bay ra xa bờ, cả đi và về hơn 10 tiếng và đi về ngay trong ngày vì là nhiệm vụ cấp cứu" - anh Phú chia sẻ.

Niềm vui, sự háo hức và tự hào được bay ra đảo xa làm nhiệm vụ đã lấn át đi sự mệt mỏi của người phi công trẻ và cũng là một trong hai phi công lái chính của chuyến bay ấy. Anh cho biết bay ra đảo xa thì thời gian bay dài hơn rất nhiều, trên biển lại không có nhiều địa tiêu trong khi tổ bay phải phụ thuộc nhiều vào các thiết bị hỗ trợ dẫn đường, hệ thống thông tin liên lạc. 

Ngoài biển, không phận chồng chéo nên phi công phải tính toán đường bay, chọn phương thức đi để đảm bảo an toàn. Chưa kể thời tiết trên biển hay diễn biến bất ngờ, dông lốc đến rất nhanh.

Có lệnh là đi

Trung tá Ngô Hồng Sơn (phó trung đoàn trưởng trung đoàn 917) là phi công trẻ thứ hai của trung đoàn 917 được tham gia nhiều chuyến bay cấp cứu ngoài biển đảo xa. 

Ngô Hồng Sơn hiện là phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công quân sự Việt Nam hiện nay với 1.528 giờ bay tích lũy, đã bay trên ba loại máy bay trong các điều kiện khí tượng, bay ngày và đêm.

Anh Hồng Sơn và đồng đội từng bay cấp cứu cả ngày 30 tết. Có cả chuyến bay cất cánh ngay sau bão, đi được 1/3 quãng đường thì mưa. Đó là chuyến bay cấp cứu sư thầy Thích Thánh Thành - trụ trì chùa ở đảo Song Tử Tây. Tổ bay đã trải qua 60 phút bay dưới mây trong khi trời mưa to trên biển, gió rất lớn. 

"Tôi và tổ bay quyết định bay trong mây và bay xuống thấp ở độ cao chỉ 150m so với mặt biển nhằm giảm bớt độ xóc, lắc để bệnh nhân đỡ mệt hơn" - trung tá Ngô Hồng Sơn kể. 

Chuyến bay cấp cứu đó do gió rất mạnh và trời đã tối, để đảm bảo an toàn tổ bay phải ở lại Phan Rang đến sáng sau mới bay tiếp về Tân Sơn Nhất.

Cứu hộ cứu nạn là những chuyến bay đặc biệt trong tình huống khẩn cấp nên cứ có lệnh là đi và đòi hỏi phi công phải có trình độ bay tốt, khả năng phán đoán thời tiết và bản lĩnh xử lý tình huống bất ngờ trên không.

Các phi công kể có khi đang bay ở độ cao 1.000m, bất chợt gặp luồng gió đẩy máy bay rơi tự do xuống 500m! Cứ thế mà rơi. Hoặc là gặp dòng không khí đẩy máy bay lên, cứ thế đẩy lên vù vù! Nhiều chuyến bay gặp mưa to gió lớn, buồng lái trước mặt trắng xóa, gió thổi mạnh đến nỗi chao ngang cả máy bay...

Những tình huống ấy, chỉ những người can trường và vững vàng chuyên môn mới bảo đảm an toàn.

2 lần phong tặng anh hùng

Trung đoàn không quân trực thăng 917 nằm trong đội hình chiến đấu của sư đoàn không quân 370 (Quân chủng Phòng không - không quân), được trang bị các loại máy bay trực thăng Mi-8, Mi-171 và Mi-172.

Trung đoàn 917 còn có tên gọi là Đoàn không quân Đồng Tháp, hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong năm 2017, trung đoàn tổ chức bay nhiệm vụ trên 300 lần chuyến, tổ chức bay huấn luyện trên 100 ban bay ngày và đêm. Ngoài đào tạo cho phi công trẻ, trung đoàn còn đào tạo phi công học viên Lào và Campuchia.

Phi công trẻ ở vùng nắng gió Phi công trẻ ở vùng nắng gió

TTO - Đóng quân ở vùng đất được ví như sa mạc của Việt Nam, nơi ngự trị của nắng và gió, trung đoàn không quân 937 là một trong những đơn vị luyện quân nổi tiếng của Quân chủng Phòng không không quân.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên