01/10/2005 19:48 GMT+7

Nữ phi công đầu tiên của VN

NGUYỄN BAY
NGUYỄN BAY

TT - Giữa các chàng phi công tương lai cao, to, đẹp trai là sáu cô gái vừa trúng tuyển khóa đào tạo nữ phi công đầu tiên của VN (Trung tâm Huấn luyện bay hàng không VN). Các cô gái này cao trên 1,60m, đạt các tiêu chuẩn “5 sao” về thể lực, kiến thức, tâm lý và độ nhạy cảm.

d82KvMuo.jpgPhóng to
Cùng giáo viên thực hành tại buồng lái và thiết bị

Họ đã vượt qua thử thách khắc nghiệt của các vòng thi, đối chọi cùng hàng ngàn thí sinh nam.

6 “cô gái phi công” tuổi 18- 25 này còn chưa hết ngạc nhiên về kỳ thi tuyển đầy cảm hứng này. Tuyển nam phi công đã khó như đãi cát tìm vàng, tuyển nữ phi công càng như mò kim đáy biển.

Phạm Thị Lương đang làm luận văn tốt nghiệp (ĐH kinh tế TP.HCM) bất ngờ lên mạng thấy tuyển nữ phi công thì tò mò đăng ký dự thi. Bố Lương là quân nhân, từng mơ ước vào không quân nhưng không được đành phải đi hải quân. Lương muốn thực hiện ước mơ của bố nhưng không dám hi vọng khi dự thi.

bHEZpOdP.jpgPhóng to XWDYzhXD.jpg
Võ Thị Thanh Hảo - Nguyễn Thị Thu Hương - Phạm Thị Lương và Nguyễn Thị Thanh Thủy Võ Thị Thanh Hảo - Nguyễn Thị Thu Hương - Phạm Thị Lương và Nguyễn Thị Thanh Thủy

Còn Võ Thị Thanh Hảo tốt nghiệp phổ thông đã hai năm, liều thi tuyển vì có chị họ làm tiếp viên hàng không (HK). Nguyễn Thị Hường vào phi công vì thi rớt tiếp viên. Nguyễn Thị Thu Hương vừa tốt nghiệp ngành vận tải Trường Hàng không VN. Nguyễn Thị Thanh Thủy bỏ ra một năm dùi mài ôn luyện để ứng thí.

Năm 2004-2005, cả nước đăng ký dự tuyển gần 4.500 thí sinh, qua các vòng thi cuôi cùng chỉ còn 28 người được chọn (22 nam, 6 nữ). Khó qua nhất là vòng ba với thử thách đỉnh cao về sức khỏe: mắt, da, não, thần kinh, tim mạch, tai mũi họng... chỉ cần da có sẹo hoặc một khe hở của răng đều bị loại. Đặc biệt là phần quay ly tâm và vào buồng khí áp, có người ói đến mật xanh, mật vàng hoặc bị xung huyết tai, nhịp tim gấp, đầu óc lộn xộn.

Đúng 5g30, mỗi ngày sáu cô gái tự “lập trình” như các quân nhân: chạy bộ, đánh cầu, nhảy dây, bơi... vã mồ hôi để khởi động một ngày mới. Giờ học lấp kín hai buổi sáng chiều, trung bình mỗi môn học 18-75 giờ, riêng rèn luyện thể lực tới 309 giờ.

Nội dung chính là tiếng Anh chuyên ngành và kiến thức HK: khí động lực học, khí tượng HK, các hệ thống thiết bị HK, tính năng máy bay, cân bằng trọng tải. Các bộ môn này đều mang tính khái quát, thử thách cao. Căng thẳng và lo lắng, đang giờ học các cô xin phép ra ngoài đứng khóc ngon lành. Mỗi ngày phải rèn thể lực hai tiếng. Tập khả năng định hướng khi rời mặt đất, những phản xạ về thần kinh qua các môn thể thao đặc chủng: vòng quay, thang...

Nguyễn Thị Thu Hương tâm sự: “Con gái tập luyện kinh quá sợ bị phá tướng. Đôi khi giật mình vì sợ, theo đuổi công việc cực nhọc và mạnh mẽ giữa thế giới nam nhi sẽ làm giảm nữ tính”. Là con một vừa tốt nghiệp phổ thông, Hương một thân một mình từ Hà Nội vào Sài Gòn. Ngày nộp hồ sơ thi tuyển phi công, Hương nghĩ không qua nổi vòng 1. Hương bảo: “Nếu một ngày kia trở thành phi công, Hương muốn có bố mẹ, ông bà cùng bay chuyến bay đầu tiên, chứng kiến sự trưởng thành của mình”.

rZNr6sJ2.jpgPhóng to mYXrAVkg.jpg
Trong khoang máy bay Boeing 767 Tập thể lực ngoài trời

Cũng như Thu Hương, Phạm Thị Lương rất thích nghề bay, giấu cha mẹ đi thi, đến tận ngày trúng tuyển mới dám khoe vì sợ mẹ lo nghề cao quí nhưng căng thẳng, đi nhiều, không phù hợp với con gái. Rồi còn chuyện lấy chồng, sinh con. Lương băn khoăn: “Nếu học bay thành công phải chấp nhận chuyện chồng con chậm trễ. Nếu sinh con, sức khỏe không còn phù hợp nghề bay, phải rời bầu trời thì buồn lắm”.

Hiện Trung tâm huấn luyện bay có 83 học viên phi công mới. Dưới cái nhìn của các đồng nghiệp nam thì nữ phi công có tố chất hơn người. Giáo trình học bình đẳng không phân biệt nam nữ. Giai đoạn quyết định là vòng thi chọn học viên đi nước ngoài đào tạo bay chính thức. Tổ trưởng tổ kế hoạch đào tạo Trần Xuân Trung cho biết: “Nhiều học viên trải qua rất nhiều thời gian cũng không đạt”.

Đội trưởng đội quản lý học viên Nguyễn Thanh Sơn (người vừa qua khóa huấn luyện bay từ Úc trở về) nhận xét: phụ nữ có ưu thế là sự kiên nhẫn dẻo dai, chỉ số IQ và thể lực không thua gì nam giới, vấn đề là yếu tố thích ứng với từng cá nhân. Ở các nước phụ nữ cũng bay “ác chiến” như nam, không ít người trở thành nữ cơ trưởng.

Chấp nhận lựa chọn và phải phấn đấu đến cùng là tâm sự của sáu nữ phi công tương lai. Phạm Thị Lương bảo “cực quá nhưng không thể đầu hàng, bỏ phí những gì mình đã cố gắng”. Rồi đây bầu trời sẽ ghi tên họ như những nữ phi công đầu tiên của Việt Nam.

NGUYỄN BAY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên