Công nhân dán tem VietGAP vào gói rau mua từ chợ đầu mối về sơ chế tại cơ sở - Ảnh: BÔNG MAI
Như đã thông tin, những ngày qua, tuyến bài phanh phui rau VietGAP dỏm của báo Tuổi Trẻ đã bóc trần những doanh nghiệp phù phép rau không rõ nguồn gốc thành rau đạt chuẩn, rau sạch, để rồi những siêu thị, chuỗi hệ thống bán lẻ là mắt xích trung gian đưa nông sản kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Chưa nói đến những vi phạm pháp luật (nếu có), về mặt kinh doanh, đây là hành vi "treo đầu dê bán thịt chó" cố tình lừa dối người tiêu dùng, không thể chấp nhận.
"Rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã theo dõi vụ việc, quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, cần lắm những bài viết như thế này".
Trích ý kiến bạn đọc Minh Phúc
Chính vì thế, sau loạt bài phanh phui những góc khuất này, được rất nhiều bạn đọc hoan nghênh và đề nghị làm đến nơi đến chốn những hành vi gian dối trong kinh doanh.
"Không thể nào cân đo đong đếm hết những thiệt hại về sức khỏe, về tinh thần của người tiêu dùng khi trong thời gian dài họ chấp nhận trả một giá cao hơn để đảm bảo mua được thực phẩm sạch. Đáp lại, những gì người tiêu dùng nhận được lại là những thứ rau, củ 3 không: không rõ nguồn gốc, không rõ xuất xứ, không có cơ quan kiểm định chất lượng đúng với nhãn mác sản phẩm" - bạn đọc Đông Phương viết.
Theo bạn đọc Đông Phương, vấn đề thực phẩm sạch, nông sản kém chất lượng không phải là chuyện mới, nhưng hôm nay nó như giọt nước tràn ly bởi vì những sản phẩm đó đang đội lốt thực phẩm sạch len lỏi vào siêu thị, vào những cửa hàng, chuỗi bán lẻ - nơi mà người tiêu dùng đặt niềm tin ở đó rất lớn.
Từ đó, câu hỏi đặt ra là có siêu thị, chuỗi bán lẻ nào gửi mẫu sản phẩm của doanh nghiệp mà mình ký hợp đồng để kiểm định chất lượng hay chỉ căn cứ vào hồ sơ, giấy chứng nhận mà doanh nghiệp tự cung cấp? Có nhà phân phối nào "tận mục sở thị" xưởng sản xuất, nông trại của các doanh nghiệp này không?
Và, một khi niềm tin đã bị tổn thương thì những nhãn mác "thực phẩm sạch" cũng trở thành vô nghĩa. Và những doanh nghiệp làm ăn chân chính vô tình cũng bị vạ lây.
Về ý này, bạn đọc tên Thu phân tích: "Lợi nhuận hay tắc trách của các nhà quản lý các siêu thị? Theo tôi, có lẽ cả hai nguyên nhân trên dẫn đến việc "thực phẩm bẩn" đội lốt "sạch" chui vào được siêu thị. Cũng muốn vào siêu thị để mua được phẩm sạch, an toàn... nhưng thế này, có lẽ đành vẫn duy trì thói quen mua thực phẩm tại các chợ cóc/chợ tạm thôi".
Để lập lại kỹ cương, đồng thời giúp những doanh nghiệp làm ăn chân chính không bị vạ lây, đã đến lúc các ngành chức năng, các siêu thị, chuỗi bán lẻ cần xem xét lại và siết chặt toàn bộ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm nói chung và nông sản nói riêng.
Về biện pháp, theo nhiều bạn đọc, chỉ có cách tăng mức phạt, tăng khung hình phạt, thậm chí rút giấy phép vĩnh viễn với những doanh nghiệp sai phạm mới hy vọng không tái phạm. Ngoài ra, phía người dân nếu phát hiện những hành vi sản xuất sản phẩm kém chất lượng của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nên chủ động tố giác với cơ quan công an.
"Là người tiêu dùng, tôi thật sự thất vọng với cách làm ăn lừa dối người tiêu dùng, trục lợi, xem thường khách hàng và cả các quy định của pháp luật. Tôi đề nghị nhà chức trách phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và có giải pháp đền bù cho khách hàng" - bạn đọc tên Thái viết.
Đề xuất trách nhiệm cụ thể, bạn đọc Hồ Vũ viết: "Đối với các siêu thị, cửa hàng... vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt ra nên xem xét xử lý về lợi nhuận thu được từ việc bán hàng kém chất lượng với giá cao. Và những cơ sở này nên tổ chức xin lỗi trực tiếp người tiêu dùng và thông qua các phương tiện truyền thông".
"Người tiêu dùng họ chấp nhận mua rau giá cao hơn nhiều vì nghĩ sẽ an toàn hơn ở chợ, mà giờ cũng như nhau. Thật mất niềm tin quá. Mong là cơ quan chức năng sẽ xử mạnh tay vụ này" - bạn đọc Chương Trần kiến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận