Nghẹn ngào tiễn biệt phi công hy sinh
Sáng 1-2 tại nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, đồng đội, đồng chí, người thân đã hòa vào dòng người tiễn biệt phi công Trần Ngọc Duy về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thiếu tá Trần Ngọc Duy hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện. Thiếu tá Duy là phó phi đội trưởng, tham mưu trưởng phi đội 1, Trung đoàn 921.
Rất đông đồng đội, đồng chí và người thân đã đến viếng, tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng, với tình cảm nghẹn ngào, xúc động.
"Vì sự bình yên của Tổ quốc, sẵn sàng cảnh giác mà các anh phải hy sinh. Xin chân thành chia buồn cùng gia đình và đơn vị" - bạn đọc Phan phản hồi.
Bạn đọc Phạm Thiết Hùng: "Một lần nữa xin chia buồn cùng gia đình, đồng chí, đồng đội của phi công Trần Ngọc Duy. Sự hy sinh của anh không chỉ là mất mát của gia đình anh và quân đội. Mà còn là mất mát của nhân dân vì quân đội Việt Nam là quân đội của nhân dân...".
Cùng cảm nhận, Nguyễn Song Giang bổ sung: "Chia buồn cùng gia đình phi công Trần Ngọc Duy. Một mất mát quá lớn sau Tết với gia đình và đơn vị".
Xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ, bạn đọc Phúc Cao bày tỏ: "Em đã cố cứu máy bay và chấp nhận hy sinh để máy bay không đâm vào khu dân cư. Tri ân em. Hãy an nghỉ".
Giải pháp nào để dung hòa quyền lợi VPF và CLB Hoàng Anh Gia Lai?
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, V-League 2023 chưa khai mạc đã nóng lên hừng hực khi cuộc tranh chấp nhà tài trợ giữa CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nổ ra. Và, nếu không tìm được tiếng nói chung, nhiều khả năng CLB HAGL sẽ bỏ giải đấu này.
Chưa bàn đến việc ai đúng ai sai, nhưng trong diễn biến câu chuyện có một điều khiến các CĐV bóng đá Việt Nam không khỏi cảm thấy chạnh lòng khi HAGL từng bày tỏ ý định "bỏ" giải.
Nhiều bạn đọc phản hồi cho rằng sở dĩ xảy ra tình trạng có sự xung đột giữa CLB và Ban tổ chức giải đấu là vì Việt Nam thiếu một đầu tàu giỏi trong việc định hướng cho môi trường bóng đá nước nhà.
Về ý này, bạn đọc nick name N.H.L. lý giải: "Cái thiếu ở đây không phải là không có, mà là người giỏi thì không quá mặn mà, ví như một con chim én không làm được mùa xuân".
Phân tích thêm, bạn đọc này viết: "Tất cả các khâu từ tổ chức, chất lượng thi đấu cho đến trọng tài đều có vấn đề. Sự yếu kém nhân sự cao cấp trong ngành là vấn đề lớn. Nếu HAGL và bầu Đức rút lui khỏi giải thì đó sẽ là một bước lùi rất lớn của bóng đá nước nhà, tiếc thiệt sự nhưng không có gì bất ngờ".
Đánh giá có một phần cảm tính, bạn đọc Nguyễn Tùng bổ sung: "Chúng ta không khó để có 100 tổ chức VFF hoặc tương tự thế nhưng bầu Đức thì chỉ có một. Vì vậy, sự rút lui của ông là điều đáng tiếc"!
Trước khi tìm ra giải pháp để cùng ngồi lại với nhau bàn bạc, một số câu hỏi được đặt ra như: VPF cần nhìn nhận mục tiêu của giải là gì? Có phải để tạo môi trường cho các cầu thủ nâng cao kinh nghiệm, nhằm tìm kiếm tài năng cho bóng đá nước nhà hay không? Hay là chỉ đơn giản làm kinh tế?
Và theo bạn đọc Bao, nếu trả lời được các câu hỏi trên, VPF và CLB HAGL sẽ tìm được tiếng nói chung. Ngoài ra, theo một số bạn đọc, nếu dung hòa quyền lợi, không chỉ riêng gì CLB HAGL, mà các đội bóng khác cũng cần được VPF tạo điều kiện để có kinh phí phát triển.
Về việc CLB HAGL dọa rút lui nếu không tìm được tiếng nói chung với ban tổ chức giải, bạn đọc Do Van Tha viết: "Trong quá trình vừa qua bầu Đức đã có công với bóng đá Việt Nam, việc này ai cũng ghi nhận. Nhưng hôm nay và về sau này cũng vậy, làm việc gì cũng phải tuân thủ pháp luật, quy định, phải xin ý kiến cấp trên, không phải ai muốn làm gì cũng được. Nếu không có đội HAGL cũng buồn nhưng bóng đá Việt Nam vẫn tiến bước"!
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì? Theo bạn, giải pháp nào dung hòa giữa VPF và CLB HAGL?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận