Nhiều nhà văn đặt câu hỏi: Phẩm chất Hà Nội là gì? Người Hà Nội có còn thanh lịch? - Ảnh: LÊ MINH CHÂU
Một hội thảo với chủ đề Nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học vừa được Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 13-11.
Hà Nội thanh lịch?
Đóng góp một bản tham luận dài cho hội thảo, GS Phong Lê tự đặt câu hỏi: "Thế nào là phẩm chất Hà Nội?" và cố gắng đi tìm lời giải đáp.
Ông bảo ngót 60 năm sống ở Hà Nội, ông chú ý quan sát các cộng đồng dân cư khác nhau ở Hà Nội "để xem mình và họ có mang được một chất lượng sống gì mới để được gọi là cư dân Hà Nội".
Nhưng quan sát từ cơ quan, trường học, phố xá, nhà ga, bến xe, bệnh viện, vườn hoa, cửa hàng, nhà máy, doanh trại quân đội… ông chỉ thấy nhân quần ở tất cả những nơi này đều mang dáng vẻ của dân ngụ cư.
Họ đều là những người ở khắp các vùng miền trên cả nước về thủ đô lập nghiệp. Đội ngũ dân ngụ cư này không chỉ được Hà Nội biến đổi, mà chính họ cũng biến đổi Hà Nội.
Thế nên theo GS Phong Lê, những mỹ từ từng được dành cho Hà Nội, cho người Hà Nội, như từ "thanh lịch", trong thời đại hôm nay rất cần phải mang một nghĩa mới. Bởi nhìn vào việc ăn, mặc, ở, đi lại, làm lụng, chơi bời của người Hà Nội bây giờ thì thấy cái thanh lịch ấy "chẳng có gì là như cũ".
Ngay cả với cư dân phố cổ, GS Phong Lê cho rằng nét thanh lịch trong sinh hoạt, nếu xét theo những quy chuẩn xưa kia thì rõ ràng cũng đã khác đi nhiều.
Nhà văn Tôn Phương Lan (Viện Văn học) cũng có băn khoăn tương tự. Bà đặt câu hỏi: với những cuộc di dân rất lớn về Hà Nội trong những năm qua, đặc biệt là khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thì khái nhiệm bản sắc Hà Nội, phẩm chất người Hà Nội cần được hiểu như thế nào?
Nữ nhà văn nói Hà Nội ngày nay rất khác với Hà Nội xưa, thành phố giàu đẹp hơn nhưng nét thanh lịch của con người Tràng An đã mai một nhiều. Rất khó tìm ra sự khác biệt mang tính bản sắc của người Hà Nội hôm nay.
Nhà thơ Vi Thùy Linh cũng than thở Hà Nội đang đánh mất mình trong di sản vật thể và phi vật thể, đánh mất mình ngay trong giọng nói người Hà Nội.
Chị bảo đến Hà Nội bây giờ, hiếm hoi lắm du khách mới được nghe thấy một giọng nói kiêu sang, thanh quý được tinh luyện bao đời của người Hà Nội. Nữ thi sĩ nói một Hà Nội đẹp đẽ xưa kia nay đã thất lạc và chị muốn kiếm tìm và giữ gìn nó trong sáng tạo văn chương.
Nhà thơ Vi Thùy Linh cũng than thở Hà Nội đang đánh mất mình trong di sản vật thể và phi vật thể - Ảnh: CAO ANH TUẤN
Hay bàng bạc, nhàn nhạt?
Không băn khoăn về sự mai một của nét thanh lịch người Hà Nội trong con sóng di dân, nhà thơ Trần Chiến chỉ muốn nhìn vào người Hà Nội "gốc" để bàn về phẩm chất Hà Nội.
Quan sát cộng đồng những người đã cư trú ba bốn đời ở Hà Nội, nhà thơ khái quát những tính cách chung. Đó là họ giao tiếp nhỏ nhẹ, không ăn to nói lớn, chừng mực, ý nhị.
Nhà thơ cũng thấy những người Hà Nội "gốc" không nhậu lấy vui, chỉ ưa nhâm nhi, lấy câu chuyện làm trọng và cũng chỉ là "trà tam tửu tứ" chứ không thích đông. Và dù rủng rỉnh hay nghèo kiết, họ khá khó tính trong thưởng thức văn học nghệ thuật, ăn, uống, mặc, chơi.
Kẻ chợ là nơi chịu nhiều sức ép, nhưng nhà thơ Trần Chiến cho rằng những người Hà Nội "gốc" có sức tranh đấu kém, ngại va chạm, ít tham vọng. Thế nên họ thường chọn những việc chuyên môn như bác sĩ, kỹ thuật, văn nghệ, dạy học... mà không đảm đương các vị trí quản lý nắm quyền lực.
"Có cái gì đó dè dặt trong thái độ sống của họ - dù chưa đến nỗi yếm thế. Họ thích làm việc, có ý tưởng, chính kiến nhưng thiếu hẳn tham vọng, sự chịu đựng lì lợm các sức ép" - nhà thơ Trần Chiến nói.
Người Hà Nội "gốc" không có "máu đồng hương", không có tính cộng đồng mạnh - Ảnh: VŨ AN
Người Hà Nội không có hội đồng hương
Một điểm thú vị nữa mà nhà thơ Trần Chiến nêu ra khiến nhiều đại biểu dự hội thảo thích thú bật cười, đó là người Hà Nội "gốc" không có "máu đồng hương", không có tính cộng đồng mạnh.
Nhà thơ Vi Thùy Linh cũng đồng tình với quan điểm này và nói thêm tất cả các tỉnh đều được họp hội đồng hương, riêng người Hà Nội không họp được. Chị tiết lộ tuy không có hội đồng hương Hà Nội ở các nơi khác, nhưng ngay trong lòng thủ đô lại có hội đồng hương… phố cổ.
GS Phong Lê cũng gián tiếp nói về đặc tính "không có máu đồng hương" của người Hà Nội khi khái quát về phẩm chất người Hà Nội ngày nay. Ông gọi đó là cách ứng xử bao dung và lịch thiệp, không địa phương, không cục bộ. Vậy nên người Hà Nội rất dễ chấp nhận và hòa đồng với người từ nơi khác chuyển tới.
Nhờ vậy mà khái niệm ngụ cư ở Hà Nội (và cả Sài Gòn) mang một ý nghĩa mới về sự hòa nhập chứ không mang nghĩa kỳ thị, phân biệt. Chính nhờ sự cởi mở này mà Hà Nội và Sài Gòn trở thành nơi tụ hội được một cách bình đẳng mọi tinh hoa của nhiều miền để làm giàu có cho chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận