23/11/2019 09:40 GMT+7

Phải công khai quy trình chọn sách giáo khoa

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Cuộc họp báo công bố quyết định phê duyệt sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chủ trì chiều 22-11 kéo dài 90 phút nhưng vẫn không thỏa mãn được nhiều câu hỏi của báo chí về vấn đề đang rất nóng: thẩm định, lựa chọn sử dụng và chất lượng SGK.

Phải công khai quy trình chọn sách giáo khoa - Ảnh 1.

Học sinh trong tiết dạy thử nghiệm môn toán với sách giáo khoa mới - Ảnh: CHU HÀ LINH

Tại cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT cũng cho biết đang dự thảo thông tư lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để lấy ý kiến rộng rãi. 

"Dự thảo thông tư lựa chọn SGK của Bộ GD-ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn SGK đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương" - ông Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết.

Hội đồng cấp tỉnh phải tiếp cận giáo viên, phụ huynh

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, giám đốc đề án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - Bộ GD-ĐT, khẳng định lại điều này tại họp báo khi Tuổi Trẻ đặt vấn đề lo ngại về tình trạng lợi ích nhóm có thể xảy ra khi các đơn vị xuất bản phải chạy đua để giành "một vé" thực hiện một bộ SGK trên toàn tỉnh.

Trả lời Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết khi xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn chọn SGK, Bộ GD-ĐT cũng đã lường đến những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình chọn SGK, nên quy định cụ thể việc giao các tỉnh xây dựng tiêu chí chọn sách phù hợp với quy định chung nhưng thích hợp nhất với điều kiện riêng ở mỗi địa phương, xây dựng quy trình làm việc của hội đồng chọn sách.

Ông Thành cũng cho biết dự thảo thông tư chọn SGK của Bộ GD-ĐT quy định việc thành lập hội đồng, thành viên hội đồng. Trong đó sẽ có quy định giao cho các thành viên phải tiếp cận ý kiến của giáo viên trong các trường và phụ huynh tại địa bàn của mình. 

Với quy định số lượng khá đông giáo viên trong hội đồng chọn SGK và mỗi giáo viên phải có trách nhiệm lắng nghe, tập hợp ý kiến của giáo viên, phụ huynh thì sẽ có thể có được ý kiến rộng rãi làm cơ sở cho việc quyết định lựa chọn SGK. "Quy trình chọn SGK ở các tỉnh sẽ phải công khai, đảm bảo tính khách quan, minh bạch" - ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ triển khai kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, nhà xuất bản thực hiện tốt khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn thực hiện tập huấn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành SGK đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.

Phải công khai quy trình chọn sách giáo khoa - Ảnh 2.

Học sinh trong tiết dạy thử nghiệm môn toán với sách giáo khoa mới - Ảnh: CHU HÀ LINH

Có công khai biên bản thẩm định và chế bản SGK?

Đây là ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong một cuộc họp với Bộ GD-ĐT về SGK nhằm tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh, phụ huynh tiếp cận với SGK, trong cuộc họp báo đã được báo chí đặt câu hỏi lại với Bộ GD-ĐT.

Trao đổi về việc này, ông Thái Văn Tài cho biết biên bản của hội đồng thẩm định trải qua hai vòng thẩm định rất chi tiết và mang tính kỹ thuật. Có những biên bản lên tới 40 trang. Vì thế nếu công khai tất cả các biên bản thẩm định thì sẽ rất nhiều và có những nội dung kỹ thuật mà khi công khai có thể người đọc không nắm bắt được.

"Chúng tôi sẽ tính toán, có thể sẽ biên tập lại nội dung kết luận của hội đồng thẩm định, nếu công khai" - ông Thái Văn Tài nói và chia sẻ thêm trong quá trình thẩm định, hội đồng thẩm định đã công khai các biên bản và có đối thoại với các tác giả, nhóm tác giả. Còn về việc công khai chế bản SGK, đại diện Bộ GD-ĐT lo ngại sẽ liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ và Luật xuất bản.

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi đặt ra về việc học sinh sẽ kiểm tra đánh giá như thế nào khi mỗi nơi dùng một bộ SGK? Nếu trên một địa bàn sử dụng nhiều SGK khác nhau thì học sinh có gặp khó khăn khi chuyển trường không? 

Ông Nguyễn Xuân Thành giải thích điểm khác biệt của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với trước là việc dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình. 

Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá quá trình cũng như trong các kỳ thi cuối cấp sau này sẽ căn cứ vào chương trình. Đề thi cũng sẽ được xây dựng theo hướng đổi mới này và không lệ thuộc vào một ngữ liệu nào để học sinh học SGK nào cũng vẫn đáp ứng được yêu cầu của đề.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Duy Thịnh, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết sẽ tránh việc tăng giá SGK đột biến. Theo ông Thịnh, giá SGK như thế nào sẽ ảnh hưởng đến phạm vi rộng nên Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ một cơ chế giá phù hợp.

Phải công khai quy trình chọn sách giáo khoa - Ảnh 3.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

GS Nguyễn Minh Thuyết (tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới):

Mới làm được 30%

Thời gian qua Bộ GD-ĐT đã thực hiện được tốt hai điều theo tinh thần nghị quyết 29 và nghị quyết 88 là công bố Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi là chương trình mới - PV) và động viên được thêm 2 NXB tham gia biên soạn SGK bên cạnh NXB Giáo Dục, mở ra xu hướng xã hội hóa trong xuất bản SGK.

Tuy nhiên, như vậy vẫn mới chỉ đạt được 30% yêu cầu của nghị quyết và mục tiêu đổi mới chương trình - SGK phổ thông. Phần còn lại, tôi cho rằng sẽ lệ thuộc vào khâu chọn và sử dụng SGK như thế nào.

3793021 2(read-only)

Tôi không biết Bộ GD-ĐT có định thực hiện ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong một cuộc họp vào tháng 10-2019 về vấn đề SGK không. Tại cuộc họp đó, Phó thủ tướng đã đề nghị Bộ GD-ĐT công khai biên bản thẩm định SGK đối với các bản mẫu SGK và công khai file mềm các bản mẫu SGK đã được phê duyệt trên mạng để các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và có cơ sở để lựa chọn SGK sau này. Tôi ủng hộ ý kiến này. Việc thực hiện ý kiến của Phó thủ tướng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn SGK khi giao về các UBND tỉnh có đảm bảo dân chủ, khách quan.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng cần xem lại việc để cơ quan quản lý nhà nước đứng ra vừa tổ chức biên soạn SGK, lại vừa tham mưu cho UBND cấp tỉnh chọn SGK. Như thế sẽ khó đảm bảo sự công bằng, khách quan trong việc lựa chọn SGK nào. Nếu một tỉnh thành làm theo cách này thì nhiều tỉnh thành khác có thể cũng sẽ làm như vậy và 63 tỉnh thành sẽ có 63 bộ SGK riêng, như thế sẽ có nhiều bất lợi.

Ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Phải để giáo viên chọn SGK

Tôi cho rằng mỗi bộ sách sẽ có cái hay riêng. Tuy nhiên, để chọn một bộ sách phù hợp nhất, mỗi địa phương cần thành lập hội đồng thẩm định, trong đó thành phần chủ yếu là các thầy cô giáo đã và đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy, có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi, am hiểu tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Họ là người hiểu học sinh nhất và biết được bộ sách nào là phù hợp nhất.

Ngoài ra, giáo viên, phụ huynh, học sinh cũng cần thay đổi quan điểm về SGK. SGK bây giờ không phải là pháp lệnh mà chỉ là một dạng tài liệu tham khảo. Do đó, các địa phương có thể chọn một bộ hoặc nhiều bộ SGK để giáo viên có thể tham khảo cho bài dạy của mình, miễn là đạt được chuẩn của chương trình.

Dĩ nhiên, đối với học sinh cũng vậy, các sở GD-ĐT cần giới thiệu để phụ huynh mua cho con em một bộ SGK phù hợp nhất chứ không nên yêu cầu phụ huynh phải mua nhiều bộ SGK, sẽ rất tốn kém.

Phụ huynh cũng đừng quá lo lắng về việc "sử dụng nhiều bộ sách thì nội dung bài kiểm tra sẽ không thống nhất giữa các trường". Thật ra, chương trình mới nhằm vào việc kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh chứ không phải kiểm tra khả năng học thuộc lòng kiến thức nên không phải ngại việc này.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên môn ngữ văn tại TP.HCM):

Không nhất thiết chọn tất cả các môn trong bộ sách

Để tránh tình trạng "lợi ích nhóm", mỗi khối lớp và mỗi bộ môn cần có một hội đồng khác nhau trong việc chọn sách ngoài đại diện UBND các tỉnh thành, sở GD-ĐT. Họ sẽ cùng đọc SGK, có thể dạy thử rồi thảo luận, tranh luận... trước khi bỏ phiếu chọn một bộ sách nào đó. Sở GD-ĐT các tỉnh thành cần công bố công khai số phiếu bầu chọn SGK của hội đồng thẩm định.

Không nhất thiết phải chọn tất cả các môn trong một bộ sách mà các địa phương có thể chọn 1 môn hoặc một số môn trong những bộ sách khác nhau; thậm chí ví dụ khối lớp 1 chọn bộ sách A thì khối lớp 2 có thể chọn bộ sách B, miễn là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của học sinh địa phương mình. Nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy thì rất rối rắm nhưng thực ra những người đứng lớp giảng dạy như chúng tôi không thấy rối chút nào, chúng tôi chỉ quan tâm sách đó có phải là sách tốt nhất cho học trò của mình hay không mà thôi. (H.HG. ghi)

Có vừa đá bóng vừa thổi còi?

Tại cuộc họp báo, Tuổi Trẻ cũng đề cập đến một số ý kiến băn khoăn về việc Sở GD-ĐT TP.HCM làm đầu mối phối hợp với NXB Giáo Dục biên soạn 1 trong 4 bộ SGK của NXB Giáo Dục. Và tại hội nghị giới thiệu bản mẫu SGK của NXB Giáo Dục tổ chức ở phía Nam, một lãnh đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng phát biểu và dành cho bộ sách này những lời có cánh. Một số giáo viên ở TP.HCM đã chắc chắn sẽ buộc phải lựa chọn bộ SGK do sở kết hợp với NXB vì "khó có thể có bộ sách khác lọt vào". Như vậy, Bộ GD-ĐT có quan điểm ủng hộ cơ quan quản lý nhà nước "vừa đá bóng vừa thổi còi", tham gia biên soạn và lại là cơ quan tham mưu chọn sách không?

Ông Thái Văn Tài khẳng định trong các hồ sơ của các bộ SGK gửi thẩm định, không hề có bộ SGK nào có sở GD-ĐT liên quan trong quá trình biên soạn. "Nếu có tác giả nào đang làm việc ở sở GD-ĐT tham gia biên soạn SGK thì chắc chắn người đó sẽ không được có tên trong thành viên hội đồng chọn SGK tới đây" - ông Thái Văn Tài trả lời.

Bộ GD-ĐT phê duyệt 32 sách giáo khoa lớp 1, chưa có sách Tiếng Anh Bộ GD-ĐT phê duyệt 32 sách giáo khoa lớp 1, chưa có sách Tiếng Anh

TTO - Chiều nay 22-11, Bộ GD-ĐT họp báo công bố chính thức quyết định phê duyệt sách giáo khoa với 32 sách giáo khoa của 8 môn học, hoạt động giáo dục lớp 1 được phê duyệt. Riêng SGK môn Tiếng Anh chưa được phê duyệt.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên