18/03/2024 14:56 GMT+7

Ông Hồ Quang Cua: Thương hiệu gạo quốc gia nên là sản phẩm tinh túy nhất của đất nước

Ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" giống gạo ST25 "ngon nhất thế giới" - cho rằng thương hiệu gạo quốc gia nên là sản phẩm tinh túy nhất của đất nước và nên do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện, không giao cho hiệp hội ngành hàng.

Ông Hồ Quang Cua phát biểu góp ý tại hội thảo - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Hồ Quang Cua phát biểu góp ý tại hội thảo - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sáng 18-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Ông Trần Công Thắng, viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết đến nay có khoảng 10 chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia đối với nông sản.

Các sản phẩm này nằm rải rác ở các quyết định, chương trình mà chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan (bộ, ngành và giữa địa phương - trung ương).

Ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của "gạo ngon nhất thế giới" (giống ST25) - cho biết Thái Lan đã làm thương hiệu quốc gia từ năm 1998. Đến nay họ đã nâng cấp, sửa đổi "phiên bản" đến sáu, bảy lần và mỗi lần sửa thì nâng cấp thành một quy chuẩn khắt khe hơn, chặt chẽ hơn.

"Dưới bóng" thương hiệu quốc gia, họ xây dựng những quy chuẩn, doanh nghiệp nào đáp ứng được thì được xài thương hiệu quốc gia.

"Tôi thấy Thái Lan họ có phân hạng. Họ lấy gạo Hom Mali là gạo thơm quốc gia, cấp dưới hơn thì gọi là gạo thơm. Hai cấp này thể hiện hai giá trị khác hẳn nhau. Một cái tầm giá 1 USD/kg, còn một cái chừng 50-60 cent/kg. Nếu chúng ta không có một sự phân biệt thì sẽ là hàng ngang tiến lên. Tôi nghĩ mình có một mũi nhọn. Thương hiệu gạo quốc gia là sản phẩm tinh túy nhất của quốc gia", ông Cua đề xuất.

Ông Cua cũng cho rằng việc xây dựng thương hiệu quốc gia thì phải do cơ quan quản lý nhà nước chủ trì, không giao cho các hiệp hội ngành hàng vì "ai cũng giành sản phẩm của mình thì lại dàn hàng ngang nữa".

Bà Tô Thị Tường Lan - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng Việt Nam có ba sản phẩm có thể làm thí điểm về thương hiệu quốc gia là gạo, cà phê và thủy sản, vì đây là ba sản phẩm "đạt mức độ độc đáo trên thế giới".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng cần có nghị định về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản - Ảnh: CHÍ QUỐC

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng cần có nghị định về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản - Ảnh: CHÍ QUỐC

Riêng về thủy sản nên làm thương hiệu cho con tôm sú vì đây là sản phẩm đặc biệt của quốc gia, không nơi nào có, trong khi tôm thẻ thì phải cạnh tranh lớn với Ấn Độ, Ecuador.

"Tôm sú và tôm lúa là hai thế mạnh của Việt Nam. Tôi nghĩ thương hiệu quốc gia thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mang vai trò chủ đạo trong xây dựng tiêu chí, kiểm tra quy chuẩn đối với doanh nghiệp gắn logo thương hiệu đưa ra nước ngoài", bà Lan góp ý.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý. Ông Nam cho rằng về vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản nên có nghị định mới đủ cơ sở pháp lý để quản lý, còn nếu chỉ làm ở quy mô đề án thì không đủ.

"Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cùng các đơn vị liên quan bàn thêm việc ban hành nghị định thì có vướng gì không để bộ đề xuất với Chính phủ xây dựng nghị định về vấn đề này", ông Nam nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu gạo Việt NamBộ trưởng Lê Minh Hoan: Cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Nhân sự kiện giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới; gạo ST25 lần thứ hai đoạt giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có bài viết gửi riêng Tuổi Trẻ Online về cơ hội vàng xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên