26/07/2023 22:21 GMT+7

Ông Hồ Quang Cua nói về phát triển lúa tôm: Không nên ‘bắt cá hai tay’

Lúa ST24 và ST25 là hai giống lúa được trồng nhiều nhất trên vùng đất lúa tôm ở Cà Mau. Tuy nhiên, những năm qua lợi nhuận của người nông dân thu lại từ vụ lúa trên đất nuôi tôm chưa lớn.

Dù được đánh giá bền vững nhưng việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm ở Cà Mau những năm nay bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nắng hạn - Ảnh: THANH HUYỀN

Dù được đánh giá bền vững nhưng việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm ở Cà Mau những năm nay bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nắng hạn - Ảnh: THANH HUYỀN

Tối 26-7, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của gạo ngon nhất thế giới ST25 năm 2019 - cho biết nông dân Cà Mau muốn có thu nhập ổn định và tốt hơn thì nên chọn ưu tiên một sản phẩm để tập trung phát triển.

"Sau vụ tôm sú, tôm thẻ, người nuôi tôm thường rửa mặn để phát triển tiếp vụ lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên trong giai đoạn làm đất, rửa mặn, người dân không làm triệt để mà dưỡng con tôm, hoặc chọn thả thêm tôm càng xanh. Từ đó, việc phơi đất, rửa mặn không đúng kỹ thuật dẫn đến cây lúa phát triển không tốt khi gặp nước mặn, nước phèn.

Đất nuôi tôm có cấu trúc mềm, nhiều kênh mương nên máy gặt đập khó tiếp cận dẫn đến thu hoạch không đồng loạt và nhanh chóng được. Từ đó chất lượng lúa cũng giảm, người dân sẽ bán lúa khó khăn hơn, giá trị sẽ thấp hơn", ông Cua nhìn nhận.

Theo ông Cua, người dân cần xác định rõ nếu làm vụ lúa trên đất nuôi tôm bằng giống lúa chất lượng cao vẫn có thể thu nhập được trung bình 50 triệu/ha. Phải xác định trong mùa nước ngọt cây lúa là chính hay con tôm càng xanh là chính để có giải pháp ưu tiên phát triển. 

Nếu chọn tôm càng xanh là chính thì việc phát triển cây lúa chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng năng suất.

Tại hội thảo nâng cao giá trị tôm lúa trên đất nuôi tôm ứng phó với El Nino diễn ra cùng ngày ở hai huyện Thới Bình và U Minh, tỉnh Cà Mau, nhiều nông dân đặt ra vấn đề làm sao để phát triển bền vững lúa tôm trước biến đổi khí hậu như hiện nay.

"Bà con cần tuân thủ theo quy trình rửa mặn, xổ phèn để làm ngọt hóa vùng đất nhằm phát triển cây lúa. Một số giải pháp hiệu quả trong gieo cấy như sạ cụm, lúa ném, nếu hiệu quả cũng cần xem xét để nhân rộng" - giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trường đại học Cần Thơ, chia sẻ.

Ông Nguyễn Trần Thức - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau - cho biết trong 15 - 20 năm nay chưa xuất hiện dịch bệnh diện rộng trên lúa tôm, chỉ một số ruộng xuất hiện một ít sâu cuốn lá nên bà con không nên dùng thuốc hóa học trên ruộng lúa tôm. 

Không có loại thuốc hóa học nào không ảnh hưởng đến con tôm, con cua trong ruộng lúa.

Vùng lúa - tôm Cà Mau với khoảng 40.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và một phần của thành phố Cà Mau. Vào mùa mưa, người dân tận dụng nước mưa để rửa mặn và gieo trồng vụ lúa.

Đây cũng là vùng chuyên canh tạo ra nhiều nông sản sạch, như lúa hữu cơ, lúa sạch, tôm sinh thái…

Gần 600ha lúa - tôm Cà Mau được trao chứng nhận ASC GroupGần 600ha lúa - tôm Cà Mau được trao chứng nhận ASC Group

TTO - Với việc được trao chứng nhận ASC Group, sản phẩm tôm của Cà Mau không chỉ bán được giá cao, mà còn thuận lợi tiếp cận được hầu hết thị trường khó tính trên thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên