19/07/2023 09:48 GMT+7

Nuôi tôm tỉ đô cần môi trường bền vững - Kỳ 1: Quá tải vì... con tôm

Nuôi tôm mang lại giá trị xuất khẩu hàng tỉ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long và là ngành đang phát triển "nóng" khiến hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi vốn đã không đáp ứng được nay càng trở nên quá tải.

Dù có hệ thống xử lý nước thải nhưng ít khi người nuôi tôm dùng đến vì qua hệ thống này chi phí sẽ đội lên - Ảnh: THANH HUYỀN

Dù có hệ thống xử lý nước thải nhưng ít khi người nuôi tôm dùng đến vì qua hệ thống này chi phí sẽ đội lên - Ảnh: THANH HUYỀN

Các địa phương cũng đang "đau đầu" với thực trạng này.

Nước xả thải là... nước nuôi tôm

Có một thực trạng tồn tại nhiều năm ở Đồng bằng sông Cửu Long là hạ tầng thủy lợi lẫn hạ tầng giao thông có "lịch sử" trước đây là để trồng lúa. 

Vì vậy khi các địa phương chuyển sang nuôi trồng thủy sản vẫn dùng hạ tầng này và ít có thay đổi, vì vậy ô nhiễm môi trường sau nhiều vụ nuôi tôm là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn Tài (xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết ông đầu tư hàng chục tỉ đồng để nuôi tôm thẻ chân trắng, ứng dụng công nghệ cao và toàn bộ 50 ao nuôi đều được lót bạt. Nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi nước cấp phải đủ và kịp thời, nhưng vấn đề nan giải ở khu vực này là thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô.

Theo ông Tài, khu vực này giáp biển, việc lấy nước trực tiếp từ các kênh vào ao lắng đã khó, người nuôi tôm ở khu vực nội đồng còn khó khăn gấp bội. "Hệ thống cống cấp và thoát nước đầu tư nhiều năm trước, phục vụ cho làm muối và nuôi artemia. 

Sau nhiều năm không được cải tạo, không còn đáp ứng được yêu cầu cho nuôi tôm. Đáng lo hơn, hệ thống kênh bồi lắng, lấy nước và xả ra cũng từ một nguồn nên khi một hộ nuôi tôm bị thiệt hại, đe dọa cho cả vùng, rất lo lắng", ông Tài cho biết.

Tại Bến Tre, ông Hoàng Văn Trung (ngụ huyện Bình Đại) cho biết hiện nay môi trường nước xung quanh ao nuôi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải từ ao nuôi, trong đó có mầm bệnh, bị xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên cũng là nguồn nước cấp để các ao nuôi lấy vào để sử dụng nên mầm bệnh rất dễ phát tán. 

Ông Trung nói bây giờ người nuôi không ai lấy nước trực tiếp vào nuôi như trước đây mà phải trữ nước vào ao lắng, xong phải xử lý trước khi bơm vào ao nuôi, làm phát sinh thêm chi phí, nhưng chưa chắc là sẽ "lọc" hết nguồn ô nhiễm, mầm bệnh cho vuông tôm.

Tương tự, tại Cà Mau, hậu quả của ô nhiễm nguồn nước dẫn đến nuôi tôm thất bại đã khiến không ít người bỏ nghề, như trường hợp của ông Lâm Đức Lộc, ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi có thâm niên nuôi tôm hơn 20 năm. Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến ông làm vuông thất bại, ông Lộc khẳng định là do ô nhiễm nguồn nước. 

Nước được xử lý cẩn thận mới thả con giống. Tuy nhiên, nuôi khoảng hơn tháng là phải cấp nước mới vô vuông. Mặc dù nước dưới sông ô nhiễm nhưng ông vẫn cấp mới vào vuông do không có lựa chọn khác làm tôm bệnh, chết đồng loạt.

Ông Nguyễn Linh Bảo - giám đốc Hợp tác xã Thuận Phát ở xã Tây Yên A, huyện An Biên (Kiên Giang) - cho biết hiện kênh nội đồng ở xã Tây Yên A nhỏ, lại bị bồi lắng nên người nuôi tôm đưa nước mặn ra, vô nuôi tôm không kịp thời.

"Chúng tôi cũng kiến nghị địa phương nên mở rộng cống ra, cho đường nước lưu thông thuận lợi, ổn định cuộc sống gia đình", ông Bảo đề nghị.

Xử phạt chỉ giải quyết phần ngọn

Chung một dòng sông, chung một con kênh, người xả thải, người lấy nước vào nuôi mới, tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát, xử phạt gặp rất nhiều khó khăn. Mà việc xử phạt cũng chỉ là phần ngọn của vấn đề, quan trọng là phải có hạ tầng hoàn chỉnh đáp ứng được sự phát triển nhanh của ngành tôm.

Ông Phan Hoàng Vũ, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết do thiếu nhân lực, trang thiết bị; đặc biệt là lực lượng làm công tác kiểm tra, xử lý ở địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm. 

Đối với kiểm tra, giám sát việc xả thải của các nhà máy, xí nghiệp cần phải thành lập đoàn gồm nhiều ngành, đơn vị khác nhau. Do đó, đôi khi chưa kiểm soát chặt chẽ, xử lý dứt điểm việc xả thải trực tiếp ra môi trường, đặc biệt việc xả thải vào khung giờ đêm nên khó phát hiện, xử lý kịp thời.

Còn ông Nguyễn Văn Bụi - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết khu vực nuôi tôm tỉnh này chủ yếu phát triển mạnh tại các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri với diện tích nuôi hơn 36.000ha khiến hạ tầng thêm căng thẳng.

Cái khó khác là các tổ hợp tác, hợp tác xã chưa gắn kết giữa người nuôi với nhau và giữa các khâu của chuỗi giá trị như cung ứng vật tư đầu vào, thu gom chế biến, tiêu thụ và với các cấp, ngành chưa có sự liên kết chặt chẽ nên ngành nuôi tôm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Giải quyết tình trạng này căn cơ ra sao, ông Huỳnh Ngọc Nhã - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - cho biết sau khi phong trào nuôi tôm phát triển, bằng nội lực và hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã đầu tư, nạo vét nhiều tuyến kênh nhưng chưa đáp ứng yêu cầu để nuôi tôm, nay rất cần được hỗ trợ thêm từ trung ương.

Ý thức người nuôi tôm chưa cao

Ông Ngô Thái Chân - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng - thẳng thắn nhìn nhận ý thức bảo vệ môi trường của một số chủ doanh nghiệp nuôi tôm chưa cao, còn trực tiếp xả thải nước chưa xử lý ra môi trường.

"Một số trang trại nuôi tôm không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, còn thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Chúng tôi đã kiểm tra, phát hiện và xử lý rất nặng", ông Chân cho biết.

Nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển “nóng” ở Bạc Liêu khi diện tích nuôi đã vượt dự kiến trong 2 năm tới, đòi hỏi phải có giải pháp kiểm soát môi trường tốt hơn - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển “nóng” ở Bạc Liêu khi diện tích nuôi đã vượt dự kiến trong 2 năm tới, đòi hỏi phải có giải pháp kiểm soát môi trường tốt hơn - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bạc Liêu: nuôi tôm siêu thâm canh sớm vượt dự báo

Tình hình dùng chung một dòng kênh dẫn đến ô nhiễm nguồn nước cũng không ngoại lệ đối với Bạc Liêu, đặc biệt là trong bối cảnh diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh này đang phát triển "nóng" bậc nhất khu vực bán đảo Cà Mau nói riêng và toàn vùng ĐBSCL nói chung.

Khảo sát một khu vực nuôi tôm rộng lớn hàng chục nghìn hecta thuộc khu vực ven biển TP Bạc Liêu và huyện Hòa Bình cho thấy kênh cấp nước cũng là kênh thải nước là thực trạng phổ biến ở đây.

Ông Lưu Hoàng Ly - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu - cho biết so với nhiều yếu tố, nhất là hạ tầng thủy lợi, trình độ của người dân, mặt nào đó ngành tôm Bạc Liêu phát triển tương đối "nóng".

Cụ thể, định hướng tới năm 2025 diện tích nuôi tôm siêu thâm canh toàn tỉnh là 3.900ha, nhưng mới tới tháng 6-2023 đã có 3.910ha - tức đã vượt kế hoạch trước hai năm. Chính việc phát triển "nóng" như vậy nên ý thức bảo vệ môi trường mặt nào đó người dân chưa chấp hành tốt.

"UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt quyết định, văn bản chỉ đạo khuyến nông, các ngành các cấp của Bạc Liêu hướng dẫn người dân cùng sự hỗ trợ của các viện, trường, nhà khoa học để làm sao nâng dần ý thức của người dân. Môi trường sống của con tôm chính là nước, nuôi tôm chính là nuôi nước, người dân hiểu được vấn đề đó thì trong quá trình nuôi sẽ có ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn.

Đến cuối năm 2022 đầu năm 2023 tình hình ô nhiễm môi trường nuôi tôm của Bạc Liêu chuyển biến rất rõ, nuôi tôm siêu thâm canh ở Bạc Liêu tương đối ổn định, tuy nhiên cần tuyên truyền giáo dục để xây dựng làm sao ngành nuôi tôm của Bạc Liêu phát triển bền vững", ông Ly nói.

Kỳ 2: Thắng lớn nhờ nuôi tôm tuần hoàn nước

Giá thức ăn tôm tăng đến 44.000 đồng/kg, người nuôi điêu đứngGiá thức ăn tôm tăng đến 44.000 đồng/kg, người nuôi điêu đứng

Nông dân các tỉnh ven biển miền Tây đang trong vụ nuôi tôm nhưng giá thức ăn cao chót vót, trong khi giá tôm giảm sâu nên bị lỗ, may ra huề vốn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên