21/09/2018 14:53 GMT+7

Nước mắt tình thâm và hố sâu tội lỗi

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Có người nói thứ tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng nhất trên đời chính là tình thân. Thế nhưng cũng có những yêu thương sai cách để phải nhận lại nhiều trái đắng.

Nước mắt tình thâm và hố sâu tội lỗi - Ảnh 1.

Sáu bị cáo trong phiên tòa dưới đây là như thế.

Biết em vừa gây án nhưng vì tình thương, người chị đã chuẩn bị tiền bạc giúp em chạy trốn. Cuộc đào thoát bất thành, đổi lại bốn người thân khác phải hầu tòa vì che giấu tội phạm.

Tình thương lu mờ lý trí

Câu chuyện dần hiện ra qua lời khai của những người trong cuộc. Chuyện là năm 2014 Hùng cho Tuấn (nạn nhân trong vụ án) vay một số tiền. Trả được một ít thì Tuấn không trả nữa. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng không thành, Hùng rủ bạn thân là Lộc đến nhà Tuấn để đòi tiền.

Việc đòi nợ nhanh chóng biến thành cuộc hỗn chiến với gậy gộc và dao. Trong lúc đánh nhau, Hùng đã dùng dao đâm chết Tuấn. Thay vì đi khai báo, Lộc và Hùng lại nảy sinh ý định bỏ trốn và cuốn nhiều người thân vào vòng lao lý.

Trong lúc túng quẫn, Hùng và Lộc gọi điện cho ông Sơn, bà Trang (anh rể và chị gái Hùng), Thắng (cháu ruột của Hùng) cùng Xuân (vợ của Lộc) nhờ giúp đỡ. Cả nhà nháo nhào vay mượn tiền, mướn xe cho Lộc và Hùng trốn sang Campuchia.

Trên đường đào tẩu, nghĩ tới viễn cảnh mờ mịt nơi đất khách quê người, hai thanh niên quyết định quay về. Hôm sau Lộc cùng Xuân đến công an đầu thú, còn Hùng đến bệnh viện để băng bó vết thương thì bị công an bắt giữ.

Sáu bị cáo ngồi đó, có người mái tóc đã điểm bạc, không một lời oán thán, họ chỉ lặng lẽ trao nhau ánh nhìn ái ngại. Phiên tòa im lặng, thi thoảng xen lẫn tiếng thút thít của người trong cuộc.

Được hỏi lý do vì sao không đưa em ra đầu thú, bà Trang rưng rức: "Lúc chuyện xảy ra, bị cáo khuyên em về nhưng nó không về vì sợ bị trả thù. Bị cáo biết em mình bị đánh đổ máu nên kêu người đem quần áo ra". 

"Vậy khi Lộc và Hùng về khu Trung Sơn, sao bị cáo không đưa hai người này ra đầu thú?" - chủ tọa chất vấn. 

Bà Trang sụt sùi: "Khi bị cáo nhìn thấy em đau đớn, người ngợm rớm máu, bị cáo không còn lòng dạ nào nữa, bị cáo chỉ nghĩ để em ngủ một đêm, sáng mai băng bó vết thương rồi sẽ ra đầu thú. Nào ngờ...". Câu nói nghẹn lại.

Chủ tọa phiên tòa giải thích: "Dù hành động của bị cáo xuất phát từ tình chị em không vụ lợi, nhưng việc điều trị thương tích cho Hùng là trách nhiệm của cơ quan điều tra. Vì diễn biến tâm lý tội phạm có thể lúc này muốn đầu thú nhưng khi khỏe rồi lại sợ, có thể trốn mất. 

Hành vi của các bị cáo đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra". Lúc này người đàn bà gần 50 tuổi mới lý nhí trả lời: "Bị cáo không hiểu pháp luật nhiều, sau này bị cáo mới hiểu".

Nỗi đau ở lại

Phòng xử số 9 TAND TP.HCM chật kín người. Phần lớn người dự khán là chòm xóm của các bị cáo. Từ ngày xảy ra vụ án, con hẻm nhỏ thuộc khu Đồng Tiến, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (TP.HCM) cũng buồn tẻ hẳn. 

Các bị cáo và bị hại là bạn bè, lớn lên bên nhau từ nhỏ. Chỉ vì một phút nóng giận, hồ đồ mà người chết, kẻ đi tù.

Tuấn mất để lại người mẹ già và đứa con trai đang còn thơ dại vừa 9 tuổi. Trước đám đông, cháu N. sợ sệt nép sát vào lòng bà nội. 

"Bà là đại diện cho người bị hại, bà yêu cầu bồi thường bao nhiêu" - vị kiểm sát viên hỏi. 

"Tui không biết yêu cầu như thế nào, tui không biết đọc chữ" - bà Hà lắp bắp trả lời. "Sao bà không nhờ luật sư để hướng dẫn cho mình?". 

Thoáng buồn, bà trả lời: "Tui không có tiền mướn luật sư. Vậy tui yêu cầu bồi thường theo pháp luật".

Còn chị Phương, vợ cũ của Tuấn, yêu cầu các bị cáo cấp dưỡng cho cháu nhỏ đến khi cháu đủ 18 tuổi. Chị nói rằng khi chia tay, chị đòi chồng cấp dưỡng 3 triệu đồng/tháng nhưng anh Tuấn kêu cấp dưỡng 2 triệu thôi, số tiền còn lại anh sẽ mua sữa cho con. Đến nay thì anh chết.

"Tôi yêu cầu cấp dưỡng 2 triệu đồng/tháng như bản án ly hôn, vì tôi khó khăn nên yêu cầu nhận tiền một lần" - chị Phương nói. 

Thế nhưng khi được hỏi ý kiến về việc cấp dưỡng này, Hùng trầm giọng: "Bị cáo chỉ có khả năng cấp dưỡng 1 triệu/tháng", còn Lộc thì xót xa hơn: "Dạ bị cáo không có tiền bồi thường, từ khi bị cáo bị bắt, người nhà bị cáo cũng chẳng vào thăm nuôi thì lấy đâu ra tiền mà bồi thường".

Kết thúc phiên xử, ngoài các mức án tù, hội đồng xét xử còn buộc bị cáo Hùng phải bồi thường 130 triệu, cấp dưỡng cho cháu N. 1,5 triệu đồng/tháng. 

Nghe xong chị Phương than thở: "Tiền học của con đã hết 1,5 triệu rồi. Không biết những ngày tới tui lấy gì nuôi nó...". Cha mất, với số tiền cấp dưỡng ít ỏi, cuộc sống phía trước của mẹ con cháu N. chắc chắn sẽ cơ cực hơn trước.

Tòa tuyên phạt: Đoàn Phi Hùng 9 năm tù, Nguyễn Tấn Lộc 7 năm tù về tội giết người; bị cáo Tiêu Văn Sơn và Tiêu Văn Thắng bị phạt 10 tháng 25 ngày tù, Đoàn Thị Thùy Trang 6 tháng tù (tổng hợp với bản án trước đó là 12 tháng tù) và phạt Trần Thị Ngọc Xuân 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội che giấu tội phạm.

'Lâu đài Tàng Kaengnam' và giấc mơ tội lỗi...

TTO - Việc xóa bỏ 'tòa lâu đài' của Tàng Kaengnam lừng lững bên quốc lộ 6 đoạn qua Mộc Châu (tỉnh Sơn La) chính là xóa luôn những gì còn lại của "tượng đài ma túy"

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên