11/06/2019 20:53 GMT+7

Nội bộ Mỹ có lập trường khác nhau về Huawei?

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO – Cho tới hiện tại, lập trường của Mỹ về vấn đề Huawei được giới quan sát nhận định vẫn chưa thống nhất, khi phát biểu của tổng thống và bộ trưởng tài chính Mỹ thậm chí đôi khi còn mâu thuẫn.

Nội bộ Mỹ có lập trường khác nhau về Huawei? - Ảnh 1.

Quan điểm trong nội bộ Chính phủ Mỹ về Huawei còn khiến nhiều người cảm thấy mù mờ - Ảnh: REUTERS

Đối thoại cùng CNBC ngày 10-6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Washington bận tâm về Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei vì các nguy cơ "an ninh quốc gia", không dính dáng tới chuyện thương mại. Ông cũng đảm bảo vấn đề này "sẽ được giải quyết bằng cách này hay cách khác".

Một ngày sau đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: "Tôi không thấy đó là mối đe dọa. Nhưng đồng thời sẽ thật tốt nếu chúng tôi tính đến cả Huawei trong việc đàm phán thương mại cùng Trung Quốc. Trung Quốc muốn thỏa thuận. Họ muốn đạt được thỏa thuận nhiều hơn tôi".

Định rõ lập trường

Với các phát biểu đôi khi còn mâu thuẫn từ phía ông Trump và ông Mnuchin, CNBC nhận định Nhà Trắng cần nhanh chóng làm rõ lập trường của mình về Huawei. Đặc biệt, Washington cần xác định các động thái nhắm vào công ty này xuất phát từ lo ngại về kinh tế hay an ninh quốc gia.

Nếu không, những quyết định của Chính phủ Mỹ có thể làm phí hoài cảnh báo của cộng đồng tình báo hàng năm trời về thiết bị Huawei. Phía Mỹ cho rằng việc Huawei có mặt trong các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia chứa quá nhiều rủi ro, theo CNBC.

Sự mù mờ nằm ở chỗ tất cả báo cáo tình báo làm nền tảng cho các cáo buộc của Mỹ vẫn chưa từng được công bố cụ thể.

Những cáo buộc này bao gồm Huawei có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh và được thành lập để phát triển các thiết bị phục vụ mục tiêu do thám của Trung Quốc. Bản báo cáo tình báo năm 2012 của Mỹ đưa ra chúng, nhưng ở mức chung chung và không có gì cụ thể.

Đa số cáo buộc phía Mỹ nhắm vào Huawei hiện nay vẫn dựa trên cơ sở bản báo cáo trên.

Trong khi đó, Huawei liên tục bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định họ là doanh nghiệp tư nhân, không có quan hệ với Bắc Kinh.

Nội bộ Mỹ có lập trường khác nhau về Huawei? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) cùng Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin (phải) trong lễ nhậm chức của ông Mnuchin - Ảnh: REUTERS

Cần minh bạch hơn bao giờ hết

Vấn đề về Huawei trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi thế giới tiến dần đến hệ thống mạng viễn thông 5G. Nhiều nước đang cố gắng điều hướng mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc, yêu cầu môi trường đầu tư minh bạch hơn.

Khi bị bắt tại Canada vào tháng 12-2018, giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận và lén lút làm ăn cùng Iran. Tuy nhiên, những cáo buộc đối với bà Mạnh không bao gồm câu chuyện do thám, cũng như bất cứ liên hệ mờ ám nào giữa công ty này với Trung Quốc.

Tại Mỹ, nhà mạng T-Mobile từng kiện Huawei vì nghi ngờ công ty này ăn cắp bí mật thương mại của họ. Vụ kiện này cũng không liên quan tới vấn đề do thám.

Tất cả những câu chuyện trên đều không chứng minh được rằng Huawei thật sự là một mối đe dọa an ninh quốc gia nếu có mặt trong hệ thống hạ tầng mạng của Mỹ.

CNBC cho biết hiện không rõ vì sao Mỹ chưa tung ra các bằng chứng cụ thể cho cáo buộc của mình.

Trước đây, Mỹ từng nhiều lần công bố tài liệu liên quan tới những vụ tấn công mạng lưới chính phủ của họ bởi Nga (2016) và Triều Tiên (2018). Trong những báo cáo này, Bộ Tư pháp Mỹ đều trình bày rõ ràng nguyên nhân khiến họ tin rằng Kremlin hay Bình Nhưỡng có nhúng tay vào các vụ tấn công an ninh.

Thay vì những lập luận mơ hồ, CNBC tin rằng Mỹ cần có những chính sách chắc chắn hơn để giải quyết các lo ngại của họ về vấn đề an ninh mạng, đặc biệt là đối với trường hợp của Huawei.

Thậm chí nếu việc thỏa thuận cùng Trung Quốc quá nhạy cảm, Mỹ có thể tuyên bố không thể cho phép một doanh nghiệp lớn của Trung Quốc tham gia hệ thống mạng, năng lượng và cấp nước, theo CNBC.

Tuy nhiên, chính quyền Trump cũng như nhiều Chính phủ Mỹ trước đây đều chưa từng đưa ra luận điểm trên. Thay vào đó, chỉ có những cáo buộc chung chung, lặp đi lặp lại mà không có bằng chứng cụ thể nào cho chúng.

'Chia tay' Huawei, Mỹ cũng rất cần thời gian

TTO - Khi mối quan hệ “cộng sinh” với Huawei kéo dài quá lâu, các công ty Mỹ cần thời gian để thích ứng sau cú sốc và phải chờ thời điểm chín muồi nếu muốn “đường ai nấy đi”.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên