05/08/2023 07:39 GMT+7

Niger nguy cơ đụng độ đẫm máu và thành điểm nóng địa chính trị

Các nước Tây Phi cho phe đảo chính ở Niger thời hạn tới ngày 6-8. Họ sẽ có hành động quân sự nếu phe đảo chính Niger không chấm dứt binh biến.

Người phát ngôn của Hội đồng Quốc gia bảo vệ Tổ quốc (CNSP), ông Amadou Abdramane (áo xanh) tuyên bố đảo chính - Ảnh: REUTERS

Người phát ngôn của Hội đồng Quốc gia bảo vệ Tổ quốc (CNSP), ông Amadou Abdramane (áo xanh) tuyên bố đảo chính - Ảnh: REUTERS

Thông tin này được lãnh đạo quốc phòng các nước Tây Phi đưa ra cho Niger hôm 4-8, giữa lúc các nỗ lực làm trung gian đàm phán đã thất bại.

Nguy cơ đổ máu tại Niger

Niger đang có nguy cơ biến thành "chảo lửa" bạo lực sau vụ đảo chính mới đây. Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đã bị lực lượng bảo vệ Dinh Tổng thống bắt giữ.

Lãnh đạo lực lượng này, ông Abdourahamane Tchiani, đã tuyên bố lên nắm quyền trước sự phản đối của nhiều nước.

Hôm 4-8, Nhóm Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cho các lãnh đạo phe đảo chính Niger thời hạn tới ngày 6-8 để buông bỏ tham vọng, khôi phục vị thế của Tổng thống Bazoum.

Đảo chính đã xuất hiện tới 7 lần tại khu vực Tây và Trung Phi kể từ năm 2020 đến nay. Trong khi đó, Niger được cho có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ, Trung Quốc, Nga, và châu Âu.

Quốc gia Tây Phi này đóng vai trò đáng kể trong lĩnh vực dầu, urani, cũng như cuộc chiến chống quân nổi dậy cực đoan tại khu vực Sahel.

Binh biến ở Niger: ra thời hạn tới 6-8 cho phe đảo chính để buông bỏ tham vọng

Tuy nhiên, quân đội Niger đã hành động với lý do mất an ninh dai dẳng tại nước này. Theo Reuters, lập luận của phe đảo chính không vững chắc khi dữ liệu về các cuộc tấn công cho thấy an ninh đã cải thiện, ngược lại bạo lực gia tăng tại các nơi quân đội kiểm soát như Mali và Burkina Faso.

Cũng như Mali và Burkina Faso, quân đội Niger lần này đã hủy bỏ thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp, quốc gia đang có từ 1.000 tới 1.500 lính ở Niger đang chống al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mỹ, Đức và Ý cũng có quân đóng tại Niger.

Niger là "chiến trường" địa chính trị mới

Sau vụ đảo chính nêu trên, Mỹ đã phản ứng bằng cách ngừng một số chương trình viện trợ nước ngoài cho Chính phủ Niger, nhưng vẫn tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo và lương thực. Thông tin này được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận ngày 4-8.

Trước đó, trong bài viết cho báo Washington Post của Mỹ, Tổng thống Niger Bazoum đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế giúp đỡ ông khôi phục trật tự.

Nhà lãnh đạo này khẳng định đây là việc làm cần thiết nếu muốn giữ cho khu vực yên ổn. Theo ông Bazoum, vụ đảo chính sẽ tạo ra hỗn loạn tại Niger, nơi vốn dĩ chứng kiến giá cả leo thang.

Ông cũng lấy yếu tố Nga để thuyết phục Mỹ và phương Tây. Theo chính trị gia này, các tay súng Hồi giáo cực đoan và tổ chức lính đánh thuê Nga Wagner nhiều khả năng sẽ lợi dụng tình hình. Ông Bazoum nhấn mạnh Nga sẽ gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này.

Wagner là công ty lính đánh thuê nổi tiếng, thuộc sở hữu của "ông trùm" Yevgeny Prigozhin. Wagner được thuê làm nhiệm vụ chiến đấu cho Nga ở châu Phi và mặt trận Ukraine. Tổ chức này bị Mỹ và một số nước phương Tây coi là "khủng bố".

Hiện Wagner có lực lượng đóng ở Mali và Cộng hòa Trung Phi. Tuần trước, ông Prigozhin - người không còn chiến đấu cho Nga ở Ukraine - khẳng định Wagner có thể tái lập trật tự ở Niger.

Vụ đảo chính ở Niger tác động đến thế giới như thế nào?Vụ đảo chính ở Niger tác động đến thế giới như thế nào?

Cuộc đảo chính ở Niger khiến châu Âu lo ngại về tình hình tại quốc gia Tây Phi, vốn được coi là điển hình của sự ổn định những năm qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên