07/12/2023 14:46 GMT+7

Những tờ báo nào đang đi đầu trong chuyển đổi số báo chí?

‘Một số cơ quan báo chí của Việt Nam đã rất tích cực dẫn dắt, đi đầu trong chuyển đổi số báo chí bằng việc thay đổi cách thức thể hiện, tiếp cận độc giả, điển hình như: Vietnamplus, báo điện tử Vnexpress, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên…’.

Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trong các ngày từ 6-12 đến 9-12 - Ảnh: NAM TRẦN

Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trong các ngày từ 6-12 đến 9-12 - Ảnh: NAM TRẦN

Đó là chia sẻ của bà Đặng Thị Phương Thảo - phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông - tại hội thảo báo chí quốc tế "Quản trị tòa soạn báo chí số: lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN", sáng 7-12 tại Hà Nội.

Báo chí Việt Nam đang tích cực trong chuyển đổi số

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - khẳng định để thực hiện sứ mệnh trong thời buổi bùng nổ thông tin trên không gian mạng, báo chí cần chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.

Việt Nam có hơn 800 cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan truyền thông với hơn 1 triệu thông tin được phát tán lên mạng mỗi ngày. Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia, doanh thu quảng cáo đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới… đặt ra bài toán cần chuyển đổi số trong hoạt động báo chí.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN

"Ở Việt Nam, câu chuyện chuyển đổi số báo chí đã được quan tâm thúc đẩy. Tháng 4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đây là cơ sở, tiền đề thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ các cơ quan báo chí trong cuộc chuyển đổi hết sức quan trọng từ không gian thực lên không gian số", ông Lâm chia sẻ.

Bà Đặng Thị Phương Thảo - phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông - đánh giá chuyển đổi số báo chí là xu hướng tất yếu, xu hướng này tạo ra áp lực để các cơ quan báo chí thực sự phải thay đổi để thích ứng trên không gian mới.

Hiện, Việt Nam có 128/138 cơ quan báo chí đã thực hiện loại hình báo điện tử, 168/170 tạp chí đã thực hiện tạp chí điện tử. Còn nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam vẫn đang phân vân về việc chuyển đổi số, nhưng một số cơ quan đã chủ động chuyển đổi số báo chí.

"Một số cơ quan báo chí của Việt Nam đã rất tích cực dẫn dắt, đi đầu trong chuyển đổi số báo chí bằng việc thay đổi cách thức thể hiện, tiếp cận độc giả, điển hình như: Vietnamplus, báo điện tử Vnexpress, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên.

Với nhiều hình thức, sản phẩm báo chí sáng tạo như video 360 độ, newsgame… giúp cho độc giả có thêm nhiều trải nghiệm thông qua việc tự động hóa của trí tuệ nhân tạo AI để cá nhân hóa thông tin cho độc giả", bà Thảo đánh giá.

Báo Tuổi Trẻ cũng là một trong 5 cơ quan báo chí đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công việc thu phí bạn đọc, tạo thêm nguồn thu chủ động cho tòa soạn.

Ông Nguyễn Đức Lợi - phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Nguyễn Đức Lợi - phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều thách thức, lắm thời cơ khi cạnh tranh với mạng xã hội

Tại phiên thứ nhất với chủ đề: "Lý luận chung về quản trị tòa soạn số", các diễn giả trong nước và quốc tế đã chỉ ra xu hướng phát triển tất yếu của báo chí số; cơ hội và thách thức khi báo chí phải cạnh tranh trực tiếp với mạng xã hội…

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí trong khu vực ASEAN cũng mang đến hội thảo câu chuyện và góc nhìn báo chí số của chính tòa soạn mình.

Nhà báo WU Rui Ming, báo Shin Min Daily News (Singapore), chia sẻ thách thức lớn nhất mà tờ báo này gặp phải khi phải cạnh tranh với mạng xã hội là lúc nào cũng phải chờ tin, phản ứng nhanh với tin nóng, thực hiện tin bài trong thời gian cấp bách.

"Chúng tôi đã phải thay đổi hình thức trình bày thông tin trên báo sang các hình thức thu hút bạn đọc hơn. Chẳng hạn trên mạng xã hội Instagram, chúng tôi gói gọn nội dung vào một tấm ảnh, làm sao để đảm bảo nhiều hình ảnh và ít chữ nhất, thời gian lên tin ngắn nhất", nhà báo Rui Ming nói.

Ông Rui Ming cho hay lượng độc giả tiếng Trung của tờ báo này tại Singapore giảm đáng kể khi giới trẻ tại quốc gia này dùng tiếng Anh nhiều hơn. Nhưng nhờ mạng xã hội, Shin Min Daily News đã tiếp cận được với tệp độc giả mới từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia…

Hội thảo báo chí quốc tế "Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN" do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trong các ngày từ 6-12 đến 9-12.

Hội thảo có sự tham dự của 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn Báo chí ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore... và các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí trên cả nước.

Đây là cơ hội để các cơ quan báo chí kết nối, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong chuyển đổi số báo chí giữa các nước ASEAN, góp phần gợi mở giải pháp xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên