09/07/2011 07:04 GMT+7

Những ông chồng "tự kỷ"

VŨ BÁCH
VŨ BÁCH

TT - Họ không có tiền sử điều trị chứng tự kỷ ở bệnh viện nhi thời thơ ấu. Họ cũng không có gì bất thường khi ra đường, đến chỗ làm. Chứng tự kỷ này chỉ xuất hiện khi họ ở nhà cùng... vợ!

603T2qa6.jpgPhóng to

Im lặng là kim cương!

Đó là đúc kết sau bảy năm kết hôn của Tú, một kỹ sư công nghệ thông tin. Nghề của Tú thường tiếp xúc với máy tính nên nói ít cũng không phải là đặc biệt. Tuy vậy, khách hàng hay đồng nghiệp đều khoái nói chuyện với Tú vì anh biết “khứa” vào đúng chuyện họ quan tâm, không nói thừa. Đôi khi lời của Tú phát ra khi đám đồng nghiệp ngồi uống bia vỉa hè còn mang tính “kết luận” cho những tranh cãi kiểu bia bọt.

Nhưng về nhà, từ bốn năm nay Tú nín thinh. Anh hầu như không nói gì, để kệ vợ độc thoại như loa phường! Lý do là “vợ nói nhiều quá, tất cả các kênh, tất cả các tần số”. Lúc mới lấy nhau cô vợ còn nói vừa vừa, nhưng sau khi có con thì khiến Tú bỗng dưng phát khóc vì chứng nói liên thanh. Hết cằn nhằn chuyện nhà mình, chuyển sang “còm-men” chuyện đường sá, giá cả, rác rến, cả chuyện con Lu hay rụng lông cũng không thoát. “Riết rồi mình hết ức chế vì quen rồi” - Tú nhún vai vẻ cam chịu.

Còn nỗi khổ “tự kỷ” của Hoàng, một trưởng phòng xuất nhập khẩu, thì do vợ đổi tính. Sau khi tham dự một khóa có tên là “tìm hiểu giá trị cuộc sống”, cô đâm ra thích phán xét tất tần tật. Cái nào qua lăng kính của vợ Hoàng cũng phải được quy về tốt - xấu, đúng - sai, không có quỹ đạo nào khác. Hoàng phát cáu vì nhiều khi cuối tuần ngủ nướng chút cũng bị kết luận là “thói quen xấu”, không đi đám cưới một người quen bên vợ thì bị bảo là “sai lầm ứng xử”; lỡ bực mình quát con thì dính ngay “cộc cằn thô lỗ”. Sau một thời gian dài sống chung với phán xét, Hoàng rút vào im lặng trường kỳ. Và xem ra cái “mỏ kim cương im lặng” này còn trữ lượng lớn!

Nhu cầu chia sẻ

Xét về tâm lý, các nhu cầu của hai giới tính nam nữ là khá gần nhau. Họ đều có nhu cầu chia sẻ, tâm tình, kết giao. Trong một số trường hợp lý tưởng, vợ cũng là bạn gái, là bồ kiêm mẹ của các con. Nhưng ở đời, lý tưởng luôn hiếm hoi hơn những cái... “tưởng là có lý”. Sau khi kết hôn, một số bà vợ chỉ chăm chăm phát triển về hướng trở thành “trưởng ban tuyên truyền” trong nhà. Một số khác thì khoái xét nét, căn vặn. Còn phổ biến hơn là chứng bình luận không hợp chỗ. Đàn ông nhiều khi cũng thích nhố nhăng chút cho vui đời, bỗng bị giội gáo nước lạnh về tư cách thế này thế kia đâm ra cụt hứng. Cái gì cụt nhiều lần thì dễ trở nên “tịt” hẳn. Thế là cây đời hết xanh tươi.

Chứng “tự kỷ” của đàn ông có vợ cũng có một số trường hợp trở nặng, thành trầm cảm mãn tính. Từ chán nản, im lặng kéo dài, họ quyết định “tắt đài” luôn khi ở nhà cho khỏi bị phiền phức. Giao tiếp vợ chồng lúc ấy chỉ còn xoay quanh những chuyện tối thiểu buộc phải nói. Và thông thường, không trò chuyện được thì cũng chấm dứt luôn hình ảnh đầu ấp tay gối. Từ đó, người đàn ông rút vào “hoạt động bí mật” trong ốc đảo tâm lý.

Ở môi trường đô thị, các lo toan, căng thẳng của cuộc sống dễ dẫn tới áp lực tâm lý. Và khi không tìm được “đối tác” để chia sẻ trong không gian gia đình, nhiều hệ lụy sẽ sớm phát sinh. Nguy cơ còn ở chỗ nhiều người vợ có khi thấy chồng ừ hử cho qua chuyện lại càng tức tối, càng khiến chồng bị tổn thương. Mà ở đàn ông, một cánh cửa đã khép thì thường khó mở lại như cũ. Khi không chia sẻ được, họ sẽ giữ sự im lặng như một khối u. Ai biết được khối u đó lúc nào sẽ bột phát thành ác tính?

VŨ BÁCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên