11/05/2024 08:38 GMT+7

Rước dâu 3 tráp với 3 triệu tiền thách cưới: Cô dâu không nên đòi hỏi sính lễ hay sao?

“Thời buổi bình đẳng nam nữ rồi, chị em không nên đòi hỏi quá. Còn sĩ diện với đẹp mặt thì biết bao nhiêu cho vừa, nhà nọ nhìn nhà kia rồi yêu cầu phải bằng với hơn. Như thế là đua đòi rồi, là xấu chứ chả đẹp gì đâu”, một bạn đọc bình luận.

Ảnh chụp màn hình Southern Living

Ảnh chụp màn hình Southern Living

Bài viết "Rước dâu chỉ có 3 tráp, 3 triệu tiền thách cưới, nhà gái ngỡ ngàng" đăng trên Tuổi Trẻ Online nhận được một số phản hồi của bạn đọc, chia làm hai luồng ý kiến.

Người bênh, kẻ chê khi cô dâu kể rằng trong ngày đón dâu, cô và gia đình mình vô cùng ngỡ ngàng, giận "tím người", thậm chí suýt hủy hôn khi nhà trai đi xin dâu chỉ có 3 tráp, 3 triệu đồng tiền nạp tài (còn gọi là thách cưới, lễ đen) và 1 cây vàng. 

Điều này khác hẳn với thống nhất trước đó của hai bên, bởi khi dạm ngõ, chú rể đã hứa sẽ mang qua sính lễ gồm 9 tráp, 50 triệu đồng và 2 cây vàng.

Và việc tự rút bớt số lễ vật này là chủ ý của mẹ chú rể, ngay sát giờ đi đón dâu. Bà cho rằng làm thế để tiết kiệm, số lễ vật còn dư lại bà sẽ giữ giùm con trai.

Có khá nhiều tranh luận trong chuyện này.

Không nên đòi hỏi, hạnh phúc là được?

Tài khoản có tên Bình đẳng cho rằng tốt nhất không nên lấy lễ vật gì, vì của cho là của nợ. "Thời buổi bình đẳng nam nữ rồi, chị em không nên đòi hỏi quá. Còn sĩ diện với đẹp mặt thì biết bao nhiêu cho vừa. Nhà nọ nhìn nhà kia rồi yêu cầu phải bằng với hơn. Như thế là đua đòi rồi, là xấu chứ chả đẹp gì đâu", bạn đọc này viết.

Bạn đọc Thu Hương nói mâm quả, tiền cưới, lễ cưới tổ chức rình rang cũng chẳng để làm gì. Quan trọng hai người có yêu thương nhau, có cùng phấn đấu xây dựng hạnh phúc sau này hay không. 

Chị kể, mình khi cưới chỉ có buổi tiệc nhỏ, chẳng mâm quả (tráp) hay thách cưới, cũng không rước dâu. "Cưới xong, vợ chồng đi làm ngày hôm sau luôn. Tới giờ là đã 22 năm vẫn hạnh phúc, có thể tự mua bất cứ thứ gì mình thích, con cái ngoan ngoãn", chị viết.

Cũng chia sẻ câu chuyện của mình, chị Trần Tuyền cho rằng cô gái trong câu chuyện vẫn hạnh phúc vì có chồng yêu thương. Chị kể mình cưới chỉ có 4 tráp và 5 triệu, còn phải tự lấy nhẫn của mình ra để làm nhẫn cưới.

"Cưới xong nhà chồng lấy lại xe gắn máy, chồng lấy xe của chị chạy, chị thì đi bộ, hôm thì mượn xe đồng nghiệp. Mua đất cất nhà, bên chồng chỉ cho vỏn vẹn 10 chỉ vàng mà đưa lắc nhắc chứ không phải đưa đủ một lần. Chị nghĩ thôi kệ, ai đối xử với mình thế nào thì kệ họ, mình sống tốt với tất cả và sống vui vẻ thì trời cao ắt sẽ thấy", chị này cho biết.

Hai độc giả nam Phạm Đức ThuầnLCH có ý kiến không nên đặt nặng chuyện lễ vật hay để tâm người ngoài bàn tán ra sao, quan trọng vợ chồng sống hạnh phúc.

"15 năm trước, đám cưới tôi còn chả biết là có lễ đen, tới nơi hỏi thì lúc đó có mang sẵn tiền đâu, lấy đại 1 triệu bỏ vô cho có sau đó cũng không có ai nói gì. Vụ bàn tán toàn là tự suy nghĩ làm khó mình thôi, chứ không ai rảnh đâu mà hỏi sao lễ đen ít vậy.

Có người nói cũng kêu vô duyên, lễ nhiêu hai nhà không nói thì người ngoài nói làm gì. Hai vợ chồng hạnh phúc là được. Mình sống cho mình chứ cho người khác coi đâu mà phải khổ sở chuyện đâu đâu", Phạm Đức Thuần viết.

"16 năm trước, bố mẹ tôi cũng mang lễ tới nhà gái 3 tráp + 2 triệu đồng, trong khi bình thường thời đó phải là 5, 7, 9 thậm chí 11 tráp. Tuy nhiên, bố mẹ vợ tôi cũng vui vẻ đón nhận và chúng tôi thành vợ chồng êm ấm tới nay. Đừng quá nặng nề những lễ vật như vậy để làm ảnh hưởng tới hạnh phúc lứa đôi", LCH viết.

Lễ nghĩa có thể giảm, nhưng đừng "lật kèo" khi đã hứa

Ở phía ngược lại, bạn đọc Duy nhận định người sai trong câu chuyện là mẹ chồng khi bà đã bồng cháu rồi mà còn thất tín. Mọi thứ phải bàn bạc với nhau chứ không thể tự ý muốn làm gì cũng được.

Đồng quan điểm, độc giả Vũ Nguyên cho hay lễ nghĩa thì có thể tiết chế, gia giảm, nhưng phải bàn bạc, thống nhất với nhau. Sau khi thống nhất thì cần thực hiện đúng để thể hiện thành ý.

"Ở xứ tôi, ngày rước dâu, bên đàng trai phải đáp ứng 100% yêu cầu bên đàng gái để thể hiện thành ý, và cũng là sự biết ơn bên đàng gái đã bỏ công sức, tiền bạc nuôi con mấy chục năm trời để nay mình rước về làm dâu", anh Phan Trọng Chinh nhận định.

Ở góc độ người lớn tuổi, độc giả Phạm Thiết Hùng nói rằng trước khi đám cưới, vào ngày lễ vấn danh (còn gọi là lễ dạm ngõ) của hai bên, số vật phẩm, tiền, ngày tháng, giờ giấc tiếp đón đều đã thông qua các con, thương lượng rõ ràng để tới ngày cưới không phải mặc cả hay tranh cãi.

Khi đến ngày hẹn, nhà trai phải thực hiện đúng mọi điều đã thống nhất với nhà gái. "Tuyệt đối không được thay đổi, bớt xén như bớt mâm quả sính lễ, bớt tiền bạc phong bao, hoặc giả vờ đưa vàng cho con dâu làm của, sau đó nhà chồng lấy cớ giữ hộ rồi không bao giờ trả. Tất cả hành vi đó sẽ gây bất hòa giữa hai sui gia, và các con sẽ không bao giờ hạnh phúc", bạn đọc này nhấn mạnh.

Bày tỏ suy nghĩ của mình, tài khoản Oscar Khuong viết: "Tôi thấy có vẻ đúng là nhà chồng không xem trọng con dâu. Chỉ riêng chuyện "tiền mẹ giữ giùm cho" là thấy kinh điển rồi. Chẳng thà nói "xin lỗi các con, nhà mình nghèo chỉ lo nổi bấy nhiêu" vẫn dễ chấp nhận hơn. Ở đây cần nói tới vai anh chồng, có vẻ anh này cũng chưa đủ trưởng thành".

Bên cạnh đó, bạn đọc này cũng cho biết thời này ai cũng thích dân chủ, hiện đại. Chỉ khi động đến tiền cần ba mẹ giúp đỡ thì mới nói tới truyền thống. "Lớn rồi, cưới hỏi sinh con được rồi thì nên kiếm tiền tự lo đám cưới cho mình".

Giá vàng nhảy múa, thương nhau bớt thách cưới được không?Giá vàng nhảy múa, thương nhau bớt thách cưới được không?

Giá vàng tăng cao ngất ngưởng khiến câu ca dao 'Cưới vợ phải cưới liền tay' đôi khi không còn phù hợp. Yêu nhau từ "một mái nhà tranh hai quả tim vàng", thương nhau lắm, nhưng khi thách cưới vài cây vàng thì cần suy tính. Bởi tiền đâu?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên