Từ ngày 1-1-2023, người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID, thông báo mã số định danh… thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy khi làm thủ tục hành chính - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dưới đây là một số luật, chính sách mới đáng chú ý, có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.
* Luật kinh doanh bảo hiểm:
Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được thông qua ngày 16-6-2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.
Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý như:
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm.
- Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn tối đa 100% vốn điều lệ.
- Cắt giảm thủ tục hành chính; tăng tính bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.
- Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm.
- Bổ sung quy định về an toàn tài chính.
* Luật cảnh sát cơ động:
Theo đó, nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động là "sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố".
Có hiệu lực từ ngày 1-1-2023, Luật cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 33 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với cảnh sát cơ động.
Trong đó, luật tiếp tục khẳng định và làm rõ chức năng của cảnh sát cơ động trong việc làm "nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội";
Luật cảnh sát cơ động quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, xác định nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động là "sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố".
Đáng chú ý, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và tự nguyện phục vụ trong cảnh sát cơ động; có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cảnh sát cơ động là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào cảnh sát cơ động.
* Luật sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ:
7 chính sách lớn, điểm mới căn bản và quan trọng nhất trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ 3, ngày 16-6-2022.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2024.
Nội dung sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm:
1/ Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả.
2/ Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước.
3/ Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
4/ Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
5/ Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.
6/ Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
7/ Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
* Luật điện ảnh (sửa đổi):
Luật điện ảnh số 05/2022/QH15 (viết tắt là Luật điện ảnh năm 2022) kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật điện ảnh năm 2006. Luật điện ảnh năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 và có 10 điểm mới cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
1/ Sửa đổi, bổ sung khái niệm "Phim".
2/ Khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
3/ Quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
4/ Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện dưới ba hình thức.
5/ Quy định mới chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam.
6/ Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
7/ Quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim.
8/ Thời hạn lưu chiếu đối với phim nhập khẩu căn cứ theo thời hạn bản quyền phổ biến tại Việt Nam.
9/ Mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim.
10 /Luật đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Nguồn: chinhphu.vn
Từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị
Theo quy định của Luật cư trú năm 2020, từ sau ngày 31-12-2022, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ hết hiệu lực.
Nghị định 104 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 cũng quy định 4 phương thức sử dụng thông tin cư trú của công dân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Thứ nhất, tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ hai, tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID.
Thứ ba, sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân gắn chip.
Thứ tư, là các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận