Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (VNCA) tại Đại học Công nghệ Texas Tech University vừa phối hợp với tổ chức Trái tim người lính Việt Nam trao tặng lại hồ sơ di sản của nhiều liệt sĩ cho thân nhân hôm 2-6 tại Hà Nội.
Chuyến trở về của những di sản tinh thần quý giá này sau hơn nửa thế kỷ lưu lạc nửa vòng Trái đất làm xúc động không chỉ những thân nhân gia đình mà cho tất cả mọi người chứng kiến, cho cả những người Mỹ đã hoặc không trải qua chiến tranh.
Tín vật duy nhất trở về
Hai ngày trước khi đi nhận lại những di sản lưu lạc hơn nửa thế kỷ của người yêu - liệt sĩ Trần Minh Tiến, bà Vũ Lưu Liên (Hà Đông, Hà Nội) cùng người chồng hiện tại làm giỗ cho người xưa.
Ông Trần Minh Tiến hy sinh ngày 31-5-1968 tại Khe Sanh, Quảng Trị chỉ hơn hai tháng sau ngày vào chiến trường miền Nam. Mối tình keo sơn kỳ lạ của bà Lưu Liên và ông Minh Tiến đã nổi tiếng trên truyền thông cả chục năm qua.
Sau khi người yêu hy sinh, bà Lưu Liên kết hôn nhưng hơn 50 năm qua vẫn cùng chồng con thờ cúng người yêu cũ ngay trong nhà mình và giữ gìn mọi kỷ vật của người yêu, lại xuất bản nhật ký cũng như những lá thư của ông.
Ông Phan Đình Đều đi từ huyện Thanh Miện, Hải Dương lên Hà Nội để nhận món quà vô giá với gia đình: những ghi chép cuối cùng của anh trai mình, những ghi chép duy nhất cho tới nay gia đình có được.
Ông Đều kể, anh trai ông - Phan Đình Điều - nhập ngũ khi vừa học xong cấp III năm 1964. Ông Điều được phân công làm cán bộ dạy bổ túc văn hóa, cho tới năm 1965 thì gia đình nhận được chút quân tư trang của ông do đơn vị gửi về gia đình. Trong đó chỉ có vài lời ngắn ngủi: "Vì trường hợp công tác từ nay con không liên hệ với gia đình".
Kể từ đó, gia đình không nhận được bất cứ tin tức nào của ông Điều. Sau thống nhất đất nước cũng không có tin tức, gia đình hỏi Bộ Quốc phòng nhưng bộ cho biết trường hợp ông Điều Nam tiến năm 1965 là do Bộ Chính trị điều động.
Tới năm 1977 thì gia đình mới nhận giấy báo tử ông Điều đã hy sinh năm 1967. Đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của liệt sĩ này và việc tìm kiếm sau gần 60 năm hầu như trở thành vô vọng.
Nay gia đình bất ngờ nhận được hồ sơ kỷ vật là những dòng trong cuốn sổ ghi chép của ông Điều. Tuy chỉ là bản sao chụp, gia đình rất xúc động và lại nhen lên hy vọng lẫn mong ước cháy bỏng tìm thấy hài cốt thân nhân đưa về quê hương.
Cuối buổi trao tặng kỷ vật, TS Steve Maxner - giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ - đã gặp ông Đều hứa hẹn trở về Mỹ sẽ tìm kiếm thêm tài liệu về anh trai ông để hỗ trợ tìm kiếm hài cốt.
Tình yêu giữa thời chiến chinh
Không phải là kỷ vật duy nhất, nhưng những dòng nhật ký của người yêu mà bà Vũ Lưu Liên vừa nhận lại cũng có ý nghĩa rất đặc biệt với bà.
"Tôi tưởng như người yêu về lại với mình", bà Lưu Liên nói.
Lật giở những trang nhật ký, những hồi ức thời thanh xuân hoa lửa lại ào ạt ùa về.
Tháng 1-1968, cô gái trẻ Lưu Liên sau khi âm thầm chuẩn bị cho ngày cưới ước mong đã đạp xe từ Hà Đông lên Tam Đảo để gặp gỡ người yêu trước khi anh tiếp tục hành quân.
Cuộc gặp chóng vánh ấy chưa có lời hẹn về làm đám cưới, anh lính trẻ chỉ kịp xin người yêu để lại cho mình cuốn nhật ký ghi trên cuốn lịch nhỏ năm 1968 mà anh đã nhắc cô mua "để nhớ ngày nhớ tháng".
Cuốn nhật ký cô gái mới viết được 8 trang đầu, trao lại cho người yêu "để anh được ngắm nhìn những nét chữ em" và viết tiếp vào đó. Nên trang đầu cuốn nhật ký phần thông tin chủ nhân có cả tên Minh Tiến, Lưu Liên lồng vào nhau, có cả ngày sinh của hai người.
Giở trang nhật ký ghi ngày 20-3-1968, bà Lưu Liên nghẹn ngào kể đó là ngày cuối cùng bà gặp người yêu. Anh bộ đội giải phóng chuẩn bị vào Nam.
Ngày cuối cùng trước khi rời đi, anh lính ấy đã chạy bộ 21km, đoạn đường từ Sơn Tây về Sơn Đồng (Hà Tây cũ) để gặp người yêu, để tặng cô chiếc nhẫn bằng mảnh máy bay rồi cầm chiếc khăn tay cô thêu và dặn dò:
"Nếu khăn mùi xoa thêu bông hồng màu tím này trở về thì em đi lấy chồng. Nếu khăn chưa trở về nhưng không có tin tức gì của anh thì một năm sau em đi lấy chồng, đừng chờ anh mà nhỡ thì con gái...".
Chưa đầy một năm sau thì bà Liên nhận lại khăn thêu cùng giấy báo tử. Kể từ đó, suốt hơn nửa thế kỷ, bà Lưu Liên vẫn giữ thói quen thỉnh thoảng viết thư cho người yêu, đợi đến ngày giỗ ông là hóa.
"Đơn phương" viết thư cho người yêu bao năm trời, bà Lưu Liên không ngờ một ngày lại được đáp lời một cách cảm động như vậy bằng những nét chữ quý giá tưởng đã hóa cát bụi từ lâu.
Cuốn nhật ký dừng lại ở ngày 28-5-1968, ba ngày trước khi người lính hy sinh. Những trang viết không chỉ ghi chú ngắn gọn về hoạt động hằng ngày của đơn vị mà còn có một phần lớn là những suy nghĩ rất cá nhân, rất tình cảm.
Những cuốn nhật ký, thư từ của các liệt sĩ Nguyễn Cao Kỳ (Quảng Nam), Nguyễn Hải Trường (Thanh Hóa), Nguyễn Mộng Bảy (Hà Nội)... cũng trở về theo một cách tương tự. Giữa cỗ máy chiến tranh khắc nghiệt, những con chữ viết vội vẫn luôn có những yêu thương, khát vọng rất con người.
Lần trao tặng hồ sơ hiện vật lần này những người bạn Mỹ đã trao cho thân nhân các liệt sĩ những bản copy nhật ký, thư từ chứ không phải hiện vật gốc, cùng nhiều thông tin khác từ kết quả phân tích, nghiên cứu tài liệu.
Trả lời Tuổi Trẻ về lý do không trả bản gốc, ông TS Steve Maxner cho biết ông rất lấy làm tiếc vì theo quy định của quân đội Mỹ lúc bấy giờ, những tài liệu quân đội thu thập được, sau khi chuyển sang dạng microfilm thì bản gốc đã bị tiêu hủy.
"Chúng tôi hiểu rằng đây là một mất mát hết sức bi thảm, đau đớn. Chúng tôi lấy làm tiếc nuối sâu sắc là không thể trao trả cho gia đình bản gốc. Nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn nữa để có thể trao trả những gì còn lại về cho thân nhân các liệt sĩ. Bởi đó là nghĩa vụ với những người đã mất dù họ phục vụ bên nào", ông Steve Maxner nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận