29/04/2023 13:44 GMT+7

Cả đời chăm giấc ngủ của liệt sĩ

Hơn 40 năm kề cận bên những mộ phần liệt sĩ, người phụ nữ cao tuổi ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) vẫn đều đặn hằng ngày chăm giấc thiên thu cho những linh hồn đã hy sinh vì nước vì dân.

Bà Hiệp đều đặn lau dọn hơn 700 ngôi mộ mỗi ngày - Ảnh: NHƯ VIỆT

Bà Hiệp đều đặn lau dọn hơn 700 ngôi mộ mỗi ngày - Ảnh: NHƯ VIỆT

Năm nào tôi cũng sơn đi sơn lại bia mộ, sơn đến nỗi mình nhớ luôn tên các chú, các ông nằm ở đó. Không sơn thì sợ nắng mưa mất thông tin rồi người ta quên mất, tội lắm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn một chiều cuối tháng 4-2023. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp, 62 tuổi, lưng hơi còng đang cặm cụi với bó nhang nghi ngút khói. Bước đến đài tưởng niệm, bà khấn: "Hỡi các bác, các chú an nghỉ tại mảnh đất này, trời đã mát rồi, xin mau về hưởng nhang khói".

Tiếp nối di nguyện của cha

Bà Hiệp đã gắn bó với công việc chăm lo hương khói cho các ngôi mộ liệt sĩ suốt hơn nửa đời mình. Bà nằm lòng đến từng hàng và số thứ tự mộ. Đến độ chỉ cần thân nhân liệt sĩ đọc tên, bà đã có thể hướng dẫn vị trí mà không cần tra cứu hồ sơ.

Đều đặn hai lần một ngày, bà quét tước, nhang đèn cho những mộ phần không hề quen biết. Thức dậy lúc 4h sáng, bà bắt đầu công việc bằng lời trò chuyện thâm tình với liệt sĩ, rồi thắp hương, dọn dẹp khuôn viên hơn 700 mộ phần. 

Đến 6h chiều, bà lại một lần nữa vào nghĩa trang thắp hương, châm nước. Suốt 42 năm gắn bó, những công việc này đều xuất phát từ tấm lòng coi người nằm xuống "như những người thân" của bà.

"Thắp cho những ông, bà, chú, bác ở đây từng nén nhang như là nghĩa vụ của mình. Tôi chỉ mong các đồng chí được ấm lòng yên nghỉ, hưởng chút nhang khói, đỡ phải tủi thân", bà Hiệp nói.

Năm 15 tuổi, người con gái mảnh đất "mười tám thôn vườn trầu" theo cha bốc mộ hài cốt liệt sĩ theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện Hóc Môn. Điều đó đã triển nở trong lòng bà những tâm niệm đong đầy yêu thương. 

"Cha tôi thương các liệt sĩ lắm. Ông bốc hài cốt về gói ghém, sắp xếp đâu ra đó tại vì các liệt sĩ đó cũng chính là đồng hội của ông. Thấy ông thương quá nên tôi cũng ráng phụ. Riết rồi quen, không còn sợ nữa, từ đó gắn bó với các liệt sĩ đến giờ", bà xúc động kể.

Cầm trên tay quyển sổ cũ ghi tên các liệt sĩ được bốc mộ - kỷ vật duy nhất với người cha, bà chậm rãi đọc từng hàng tên, quê quán, đơn vị, năm hy sinh của họ. Theo lời bà, quyển sổ này được cha mình tự tổng hợp. Qua thời gian, bà phải nhiều lần chép lại bản mới vì sợ thất lạc. Nhờ đó, bà nhớ tên gọi liệt sĩ và vị trí chôn cất của họ.

Bà Hiệp có hai người anh mất trong chiến tranh, không tìm thấy hài cốt. Trong những lần bốc mộ, cha bà thường mong mỏi tìm thấy di hài con mình nhưng không được như sở nguyện.

Ông từng nói với bà Hiệp: "Biết đâu trong số hài cốt liệt sĩ ba bốc hôm nay có anh Hai, anh Tư của con trong đó. Đến khi ba nằm xuống, con phải ráng gắn bó với các liệt sĩ, đừng bỏ mà tội". Lời dặn dò như di nguyện theo suốt đời bà mãi không quên.

Hài cốt liệt sĩ mà cha bà Hiệp bốc được an táng tại nghĩa trang Tân Xuân (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn). Những ngôi mộ khi ấy chỉ là đất cỏ, do bà tình nguyện quét dọn không lương. 

Về sau, bà được giao nhiệm vụ quản trang tại đây. Đến năm 2001, những tấm bia được xây xi măng và bà là người tô sơn. Mỗi năm, bà đều sơn lại để tránh phai mờ thông tin người quá cố.

Năm 2020, mộ phần liệt sĩ nghĩa trang Tân Xuân được di dời, cải táng về nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn. Bà cũng tự nguyện theo cùng để tiếp nối di nguyện của cha, chăm lo mộ phần liệt sĩ. Theo lời kể của bà, chuyến di dời hôm đó là một trong những lần xúc động nhất đời mình.

Bà nhớ lại: "Ngày cuối cùng còn lại bảy ngôi mộ. Lúc di dời thì trời mưa lớn. Tôi theo đoàn xe, quyết định không về nhà mà ở lại nghĩa trang mới dù trên người chỉ có một bộ đồ ướt. Không khí thiêng liêng của ngày hôm đó làm tôi nhớ mãi".

Đưa mộ phần các liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn, bà Hiệp ấm lòng khi nơi đây khang trang, rộng rãi hơn nơi cũ. Rồi bà tự nguyện ở lại nghĩa trang mới để tiếp tục công việc coi sóc cho những mộ phần. Đó là tấm lòng "mãi gắn theo theo các chú, các bác" mà bà hằng tâm niệm.

Mỗi ngày hai lần sáng chiều, bà Hiệp dâng hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ - Ảnh: NHƯ VIỆT

Mỗi ngày hai lần sáng chiều, bà Hiệp dâng hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ - Ảnh: NHƯ VIỆT

"Tôi đi theo các bác luôn nha"

Tuy nhiên, nơi nghĩa trang mới, bà Hiệp cũng đối diện không ít khó khăn. Nguồn nước nơi đây phần lớn nhiễm phèn. Để sinh hoạt, bà Hiệp phải đặt mua nước sạch từ công ty cung cấp.

"Nguồn nước ở đây chỉ tưới cây chứ không sinh hoạt được. Ăn uống tắm rửa gì cũng không. Những ngày đầu mình không biết, sử dụng bị ngứa ngáy, phát ghẻ đầy mình", bà Hiệp kể.

Với diện tích rộng hơn 14.000m2, nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn vẫn còn thưa thớt bóng cây xanh. 

Điều đó đã trở thành một phần khó khăn đối với bà Hiệp trong công việc chăm sóc, quét dọn. Theo lời bà, sau khi dời qua nghĩa trang mới, công việc của bà phải thay đổi giờ giấc tùy thuộc vào thời tiết. Bà bắt đầu dọn dẹp, hương khói từ lúc mới 4h sáng đến 9h để tránh nắng nóng, đến xế chiều bà lại làm tiếp.

Tuổi cao và tình cảnh lẻ loi giữa nghĩa trang rộng lớn là những lý do khiến gia quyến bà Hiệp ra sức cản trở ý định bà tiếp tục công việc này. Gia đình đã từng vận động nhiều lần, khuyên bà về ở cùng con cái, gác lại tâm nguyện chăm sóc mộ phần liệt sĩ để đỡ cực nhọc. Song bà nhất quyết không đồng ý.

Bà Hiệp nhớ lại: "Suốt một năm từ ngày ra nghĩa trang mới, con cái xuống vận động tôi rời công việc rất nhiều lần. Các con bảo rằng giờ các liệt sĩ đã có nơi chôn cất mới, nhà cửa cũng xa, mẹ lại già yếu, không ai chăm sóc. Tụi nó nói tôi về nhà, các liệt sĩ không quở trách gì đâu. Tôi thương con, nhưng chọn ở lại".

Và rồi những lần về nhà đốt nhang cho cha mẹ, bà chỉ kịp khấn: "Ba má ơi, ở nhà đi. Con về nghĩa trang chăm sóc rồi vài hôm con lại thăm ba má. Ba má đừng buồn con". Cứ như thế, người đàn bà đi qua bên kia triền dốc cuộc đời đã phát tâm gắn chặt phận mình với những hương hồn liệt sĩ.

Chị Nguyễn Thị Hương Sen (35 tuổi), con gái út của bà Hiệp, chia sẻ: "Nghĩa trang mênh mông mà một mình mẹ làm. Cả gia đình tôi ai cũng lo, không cho mẹ tiếp tục. Tôi với chị khuyên mẹ nghỉ đi, già làm không nổi đâu, nhưng bà không chịu".

Trước những khó khăn và phản đối từ gia đình, bà Hiệp dặn lòng mình cố gắng vượt qua vì sự gắn bó với những phần mộ xa lạ nay đã trở nên thân thuộc và yêu thương. Động lực để vượt qua khó khăn, bà luôn tự nhủ: "Tôi đi theo các bác luôn nha".

Hiểu được tấm lòng của mẹ, hai cô con gái dần chuyển từ phản đối sang ủng hộ công việc này. Cả hai chị cùng chuyển xuống gần nơi nghĩa trang để sinh hoạt, buôn bán. Trong đó, chị Sen còn có tâm nguyện muốn nối gót mẹ mình để chăm lo cho mộ phần liệt sĩ.

Chị Sen tâm sự: "Ý mẹ mong tôi có thể hoàn thành tâm nguyện của bà. Nếu mẹ già yếu, không làm được nữa, tôi muốn thay thế, nối tiếp mẹ".

Mặt trời đã dần khuất bóng sau đài tưởng niệm, để lại cả một vùng tối nhập nhoạng đầy hư ảo. Và tại nơi nghĩa trang, những chấm sáng hương lửa dịu êm đang được ánh lên bởi một tấm lòng.

"Suốt mấy chục năm gắn bó các liệt sĩ, tôi quen thuộc với từng ngôi mộ, hàng tên. Chuyển qua nơi mới, mình cũng hơi bồn chồn, rồi các con nhiều lần khuyên nghỉ ngơi, nhưng tôi không chịu. Tôi nói sức khỏe mẹ ngày nào giờ nào còn tốt thì còn phải chăm lo cho các liệt sĩ. Khi nào mẹ yếu, mẹ tính sau, chứ lúc nào mẹ cũng phải gắn bó với các chú, các ông ở đây", bà Hiệp bộc bạch.
Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo trung ương viếng Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCMĐoàn đại biểu Ban Tuyên giáo trung ương viếng Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM

Trưa 28-4, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu đoàn đại biểu đến viếng và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM, nơi an nghỉ của hơn 14.000 liệt sĩ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên