Rau muống: Rất tốt nhưng cũng dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc
Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược (TP.HCM) - cho biết rau muống có thành phần hóa học gồm: 92% nước, 3,2% protit, 2,5% gluxit, 1% xenluloza...
Ngoài ra rau muống còn chứa hàm lượng muối khoáng rất cao, trong đó có tới 100mg% canxi, 37mg% P, 1,4mg% Fe. Các vitamin gồm: Carotene, C, B1, PP, B2, nhiều chất nhầy.
Theo y học cổ truyền, rau muống có vị ngọt, tính hơi hàn, có công dụng thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể (nấm độc, sắn độc…).
Vào mùa nắng nóng có thể luộc rau muống (nước sôi cho chút muối rồi mới cho rau vào đảo đều, nước sôi lại thì vớt ra), dùng với các loại nước chấm.
Nước rau muống luộc để nguội vắt chanh (rất tốt cho phụ nữ có thai thiếu sắt) có thể giúp thanh nhiệt.
Rau muống còn giải các chất độc trong thức ăn (ngộ độc thức ăn) do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể giã rau muống tươi lấy nước cốt uống ngay.
Đây là kinh nghiệm dân gian đã được ghi lại trong nhiều sách thuốc. Ngày nay, ta chỉ nên dùng phương pháp này để sơ cứu tức thời nhằm hạn chế độc tính, sau đó phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu tích cực vì những chất nói trên rất độc và dễ gây tử vong.
Ngoài ra, khi say nắng có thể dùng nước ép rau muống với chút muối hoặc nước rau muống luộc cho thêm ít chanh hoặc muối uống sẽ cảm thấy dễ chịu, tiêu khát nhanh chóng. Có thể dùng thường xuyên trong mùa hè.
Bác sĩ Vũ cho biết do có nhiều chất xơ nên rau muống hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, giúp hạn chế những rắc rối có liên quan đến đường tiêu hóa. Chúng có tác dụng nhuận tràng, tốt cho người đang bị khó tiêu hay táo bón. Tuy nhiên, sẽ không tốt cho tiêu hóa trong trường hợp sử dụng rau không hợp vệ sinh.
Ngoài ra, một loại ký sinh trùng sán lá ruột lớn có tên Fasciolopsis buski phổ biến trên rau muống có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi ăn rau sống hoặc nấu chưa chín kỹ. Ký sinh trùng này có thể neo mình vào thành ruột và gây ra các chứng khó tiêu, dị ứng, đau bụng.
Nếu ăn rau muống sống, các ký sinh trùng này sẽ vào cơ thể người, bám vào trong ruột, chui qua thành ruột, chui vào trong máu, máu dẫn chúng đến tất cả các bộ phận trong cơ thể... Sau một thời gian, trứng sẽ nở thành giun sán nằm ở đó và gây hại cho cơ thể.
Theo khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rau muống dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao.
Việc sử dụng các loại rau có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mãn tính, dãn thể miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Nên ăn rau muống ra sao cho đúng cách?
Bác sĩ Vũ cho hay nên ăn đa dạng các loại rau, sau đó quay trở lại ăn rau muống, lưu ý rửa sạch từng ngọn rau muống.
Sau đó, ngâm rau muống vào nước muối loãng trước khi nấu. Tốt nhất là rửa sạch rau muống, để ráo nước cho vào túi bảo quản trong tủ lạnh vài ngày thì ăn (lượng thuốc sâu sẽ bị phân hủy bớt).
Đặc biệt, hạn chế ăn rau muống sống (nhất là rau muống chẻ ngọn), chỉ ăn rau chín kỹ (không ăn rau muống luộc, nấu vẫn còn tái).
Với một số bệnh về đường tiêu hóa làm giảm khả năng xử lý thức ăn như viêm loét đại tràng chỉ nên ăn phần rau non, mềm, không nên ăn phần rau già, cứng, vì hàm lượng chất xơ cao và có thể gây đầy hơi, khó tiêu.
Những người nào không nên ăn rau muống?
Bác sĩ Vũ khuyến cáo những người sau không nên ăn rau muống: huyết áp thấp, huyết áp cao, nhịp tim chậm, suy nhược nặng.
Lưu ý với vết thương, mụn nhọt đang trong quá trình lành, rau muống có thể làm sẹo lồi xấu.
Trường hợp đang uống thuốc Đông y, nếu ăn rau muống sẽ làm giảm tác dụng của thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) và sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận