15/05/2018 14:22 GMT+7

Nhớ câu 'kiến nghĩa bất vi...'

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Để máu các "hiệp sĩ" không phải đổ xuống như vừa qua, người dân không phải nơm nớp sống trong môi trường đầy rẫy tội phạm nguy hiểm, thì lực lượng quan trọng nhất vẫn là cảnh sát chuyên trách.

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi... - Ảnh 1.

Rưng rưng nước mắt khi phải nhìn máu người tử tế đổ xuống đường phố. Trừ gian diệt bạo, giúp đỡ người dân lương thiện, hai "hiệp sĩ đường phố" ở TP.HCM đã hi sinh, bạn bè các anh cũng bị trọng thương. 

Nhớ câu "kiến nghĩa bất vi vô dõng dã" - thấy việc nghĩa không làm, chẳng phải là kẻ dũng. Các anh đã sống dũng và chết dũng với tinh thần nghĩa hiệp.

Và sau nỗi xúc động là sự bàng hoàng: chuyện gì xảy ra? Các "hiệp sĩ" này đã tự nguyện theo dõi bọn trộm cướp, và bị chúng dùng hung khí tấn công khi các anh ra tay ngăn chặn. 

Đó là việc thường ngày của các anh: tự nguyện đối mặt kẻ xấu, mà không hề nghĩ và cũng không có bất cứ quyền lợi nào khi giúp đỡ người lương thiện.

Thực tế, họ đã làm được rất nhiều việc nghĩa, không phải ai cũng làm được, từ ngăn chặn trộm cắp, bắt giữ kẻ ác, giúp đỡ người bị tai nạn, giải cứu các em gái bị lừa vào ổ tệ nạn... 

Hầu hết họ đều âm thầm hành động. Nhiều người trong họ từng chịu thương tích, thậm chí bị đe dọa trả thù. Chỉ khi nào báo chí hoặc cộng đồng mạng phản ánh, xã hội mới biết đến nghĩa cử của họ.

Sau sự việc đau lòng này, rất nhiều người đã xúc động, sẻ chia mất mát, đau thương của các "hiệp sĩ". 

Nhưng một số người cũng gợi lên suy nghĩ băn khoăn về hành động nên hay không nên của các anh. Họ cho rằng việc ngăn chặn kẻ xấu, bảo vệ người lương thiện là của cảnh sát chuyên trách. 

Các "hiệp sĩ" ngày ngày đi bắt cướp mà không tấc sắt trong tay, cũng không được cơ chế, điều kiện gì hỗ trợ có phải quá nguy hiểm không? Thậm chí, lỡ các anh gây tai nạn cho người dân thì sẽ như thế nào? Ai chịu trách nhiệm?

Đầu tiên, xin thưa rằng rõ ràng hành động "hiệp sĩ" trong thời gian qua có ý nghĩa vô cùng tích cực cho xã hội. Các "Lục Vân Tiên" thời nay xứng đáng được trân trọng, khen thưởng. 

Không chỉ ngăn chặn trộm cướp, các anh còn nhiều lần kịp thời bảo vệ tính mạng người dân. Cái gì cần thiết hơn và quý hơn việc bảo vệ tính mạng con người?

Tuy nhiên, để máu các "hiệp sĩ" không phải đổ xuống như vừa qua, người dân không phải nơm nớp sống trong môi trường đầy rẫy tội phạm nguy hiểm, thì lực lượng quan trọng nhất vẫn là cảnh sát chuyên trách. 

Không thể ai ngoài cảnh sát có đủ điều kiện bảo vệ hữu hiệu cho người dân lương thiện. Khi cảnh sát làm tốt nhiệm vụ trừ gian diệt bạo của mình, lúc đó chắc chắn không còn mấy người dân bất đắc dĩ trở thành "Lục Vân Tiên" và phải đổ máu quá đau thương.

Hoạt động của “hiệp sĩ” Bình Dương gắn với công an Hoạt động của “hiệp sĩ” Bình Dương gắn với công an

TTO - Tại Bình Dương, trưởng công an phường là đội trưởng của đội xung kích trong CLB phòng chống tội phạm, còn đại diện các "hiệp sĩ" chỉ làm đội phó. Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp với "hiệp sĩ" khi họ phát hiện, bắt được tội phạm.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên