15/05/2018 08:30 GMT+7

Hoạt động của “hiệp sĩ” Bình Dương gắn với công an

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Tại Bình Dương, trưởng công an phường là đội trưởng của đội xung kích trong CLB phòng chống tội phạm, còn đại diện các "hiệp sĩ" chỉ làm đội phó. Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp với "hiệp sĩ" khi họ phát hiện, bắt được tội phạm.

Hoạt động của “hiệp sĩ” Bình Dương gắn với công an - Ảnh 1.

Công an Bình Dương huấn luyện võ thuật cho các "hiệp sĩ" tỉnh Bình Dương - Ảnh: B.SƠN

Mô hình "hiệp sĩ đường phố" xuất phát từ một nhóm thanh niên nghĩa hiệp ở phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Đến nay, 91/91 xã, phường trên địa bàn tỉnh này đều đã thành lập CLB phòng chống tội phạm. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm "hiệp sĩ" tại phường Phú Hòa.

UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản để quy định hoạt động của "hiệp sĩ". Văn bản mới nhất đang có hiệu lực là quyết định 43 ban hành năm 2013 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của CLB phòng chống tội phạm tỉnh Bình Dương.

Các CLB này chia làm hai đội: đội tuyên truyền phổ biến pháp luật và đội xung kích phòng chống tội phạm. Các "hiệp sĩ" săn bắt cướp trên đường là thành viên của đội xung kích phòng chống tội phạm.

Sau khi có một số sự cố liên quan tới hoạt động của "hiệp sĩ" vài năm trước, UBND tỉnh Bình Dương đã quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm phối hợp giữa công an phường và "hiệp sĩ".

Theo quy chế hiện hành, trưởng công an phường là đội trưởng của đội xung kích trong CLB phòng chống tội phạm, còn đại diện các "hiệp sĩ" chỉ làm đội phó.

Vì vậy, trưởng công an phường có trách nhiệm quán xuyến, phối hợp với hội viên là các "hiệp sĩ" để bắt tội phạm. Khi hoạt động, các "hiệp sĩ" phải có báo cáo cho "đội trưởng".

Trao đổi với báo chí bên lề một hội nghị tổng kết phong trào phòng chống tội phạm, đại tá Nguyễn Hoàng Thao - giám đốc Công an tỉnh Bình Dương - cho biết ông đã quán triệt công an các cấp phải có trách nhiệm phối hợp với "hiệp sĩ" khi họ phát hiện, bắt được tội phạm.

"Nếu người dân hay "hiệp sĩ" tố giác tội phạm mà công an xã, phường, huyện, thị xã né trách nhiệm, chần chừ phối hợp thì khi xác minh được chúng tôi sẽ xử lý nghiêm" - ông Thao nói.

Về hoạt động của "hiệp sĩ" tại Bình Dương, chủ yếu tham gia bắt các tội phạm quả tang như trộm, cướp, tội phạm truy nã.

Xét về khía cạnh pháp luật thì đối với các loại tội phạm quả tang này, bất cứ người dân nào cũng có quyền bắt giữ để giao lại cho cơ quan công an tiếp tục xử lý.

Ngày 14-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải - đội phó đội phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một - cho biết khi hay tin các "hiệp sĩ" tại TP.HCM bị tấn công, bản thân anh và các đồng nghiệp tại Bình Dương rất buồn.

Các "hiệp sĩ" Bình Dương đã tới TP.HCM để thăm hỏi các "hiệp sĩ" bị thương cũng như chia sẻ với người thân những người bị tử vong.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo điều tra vụ hiệp sĩ bị đâm chết Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo điều tra vụ hiệp sĩ bị đâm chết

TTO - Chia buồn cùng gia đình các hiệp sĩ, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng thời yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra xử lý nghiêm đối tượng phạm tội.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên