28/08/2023 11:16 GMT+7

Nhiều ý kiến khác nhau về đổi tên căn cước công dân

Sáng 28-8, vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra khi thảo luận dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là việc đổi tên luật cũng như tên mới của căn cước công dân.

Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu ý kiến vào sáng 28-8 - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu ý kiến vào sáng 28-8 - Ảnh: GIA HÂN

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn giữ tên Luật Căn cước công dân

Sáng 28-8, điều hành thảo luận dự Luật Căn cước công dân sửa đổi, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay tại phiên họp thứ 25 ngày 18-8, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án giữ tên Luật Căn cước công dân.

Đồng thời đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng - An ninh nêu rõ từng loại ý kiến, đánh giá khách quan ưu, nhược điểm và xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Với việc đổi tên "căn cước công dân" thành "căn cước", ông Phương cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí giữ là căn cước công dân.

Do đó, đề nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến làm rõ hơn và thể hiện quan điểm của mình về nội dung này.

Nêu ý kiến sau đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ quan điểm không nên đổi tên luật.

Ông nói luật ban hành phục vụ trong phạm vi lãnh thổ và đối tượng là công dân Việt Nam. Đồng thời, trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ "công dân". Luật Quốc tịch nêu rõ công dân Việt Nam là người phải có quốc tịch Việt Nam.

Do đó, ông đề nghị cần đánh giá toàn diện tên gọi của luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên áp dụng cả Luật Căn cước công dân đối với một bộ phận nhỏ chưa xác định quốc tịch hay không?

"Người gốc Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc nhưng vấn đề quy định thực hiện của pháp luật Việt Nam cần xem có phù hợp, đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác hay không?", ông Hạ nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho rằng việc đổi tên Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo.

Cụ thể gồm công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật.

Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc.

Bà chỉ rõ các đối tượng người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều nhưng đang hiện hữu, sinh sống.

Đây là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa…

Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội...

Còn đại biểu Nguyễn Thị Sửu (tỉnh Thừa Thiên Huế) nêu rõ nên đổi tên, tuy nhiên cần khắc phục những hạn chế của phương án đã chọn, đặc biệt các hạn chế về thủ tục hành chính, lãng phí ngân sách, chi phí xã hội khi thay đổi các giấy tờ liên quan.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận sau đó cho biết có 7/9 ý kiến đại biểu tham gia thảo luận sáng 28-8 đồng tình đổi tên luật.

Dù lựa chọn phương án nào cũng cần thiết kế quy định việc cấp một loại giấy tờ phù hợp thực tiễn đối với người gốc Việt nhưng chưa xác định được quốc tịch Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo để tiếp thu đầy đủ, có ý kiến chính thức bằng văn bản về vấn đề tên gọi luật, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Cần xác định khái niệm về quê quán

Về thông tin của công dân trong dự thảo luật, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị làm rõ hơn nơi thường trú, nơi tạm trú, và nơi ở hiện nay. Đồng thời cần xác định khái niệm về "quê quán", cần xem xét thêm quy định như thế nào để phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình) cũng cho hay dự thảo luật quy định một trong những thông tin được in trên căn cước là nơi cư trú, nhưng Luật Cư trú 2020 quy định nơi cư trú bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú và nơi ở hiện tại.

Đại biểu cho rằng quy định trong dự thảo luật hiện nay còn chung chung, chưa cụ thể, vì vậy cần làm rõ thông tin nơi cư trú là nơi thường trú, nơi tạm trú hay nơi ở hiện tại của công dân.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa nội dung này thành nơi thường trú, do nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký.

Chủ tịch Quốc hội: Chủ tịch Quốc hội: 'Không được để pháp luật có sơ hở'

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt rõ quan điểm chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên