14/03/2024 10:47 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp 'rủng rỉnh' đơn hàng

Vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, thậm chí phải tuyển thêm nhân sự để đảm bảo tiến độ đơn hàng.

Công nhân Công ty TNHH may mặc Dony ở TP.HCM vẫn có công ăn việc làm ổn định do có đơn hàng đến hết quý 2 - Ảnh: H.T

Công nhân Công ty TNHH may mặc Dony ở TP.HCM vẫn có công ăn việc làm ổn định do có đơn hàng đến hết quý 2 - Ảnh: H.T

Để giữ nhịp tăng trưởng đơn hàng, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cho rằng phải nỗ lực hơn nữa xúc tiến thương mại, tìm kiếm những thị trường mới, thị trường ngách... trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu phục hồi chậm.

Doanh nghiệp có đơn hàng đến quý 3-2024

Những ngày này, các công nhân của Công ty TNHH may mặc Dony ở TP.HCM vẫn tăng ca đều đều khi lượng đơn hàng của doanh nghiệp này đang dồi dào. Trái ngược với tình cảnh trống trơn đơn hàng vào giai đoạn này năm ngoái, năm nay doanh nghiệp này đã thay đổi thị trường và mang lại kết quả là người lao động không thiếu việc làm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quang Anh - giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony - cho hay rất mừng là công ty có đủ đơn hàng đến hết quý 2 năm nay. "Giai đoạn này năm ngoái, đơn hàng gần như chẳng có, nhưng năm nay đơn xếp hàng dài chờ sản xuất, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái", ông Quang Anh hồ hởi.

Giải thích về việc "ngược dòng" này, ông Quang Anh cho hay nhờ năm 2023 đã phát triển thị trường mới tại các quốc gia châu Á, đặc biệt là Malaysia... giúp bù đắp sản lượng sụt giảm ở thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, các thị trường cũ như Mỹ, Trung Đông cũng đã phục hồi nhẹ và có đơn hàng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đảm bảo tiến độ công việc, ông Quang Anh cho hay công ty phải tuyển thêm nhân sự từ trước Tết để kịp đào tạo. "Ra Tết chạy tiến độ và tăng ca liền. Hiện tại Dony cũng đang tuyển thêm một số vị trí đơn giản khác như cắt chỉ, hỗ trợ đóng gói", ông nói.

Cũng là doanh nghiệp may thêu xuất khẩu lớn tại TP.HCM, Công ty TNHH TM SX Thiên Thanh Bình chuyên thêu vi tính cho các nhãn hàng nổi tiếng và chuyên may áo thun cũng đã có lượng đơn hàng lớn. Nhờ áp dụng các kỹ thuật thêu vi tính hiện đại lên các loại vải, tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm nên doanh nghiệp cạnh tranh, có lượng đơn hàng ổn định.

Theo bà Nguyễn Trần Thiên Thanh - giám đốc Công ty TNHH TM SX Thiên Thanh Bình, công ty đã có đơn hàng ổn định đến tháng 7, giúp doanh nghiệp đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

Tương tự, nhà máy sản xuất các sản phẩm nội thất của Công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc (quận Bình Tân) vẫn luôn sáng đèn, máy móc hoạt động liên tục để cho ra lò hàng trăm sản phẩm gia dụng. Ông Trần Thái Nguyên - phó tổng giám đốc Qui Phúc - cho biết dù kinh tế còn khó khăn song đơn hàng của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định cả thị trường trong nước lẫn đơn hàng xuất khẩu.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu, giúp sản lượng xuất khẩu chiếm hơn 20%, tạo ra doanh thu tốt và lợi nhuận ổn định. "Thời gian qua, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, mở rộng thị trường nên đã kinh doanh ổn định cũng như tăng trưởng đơn hàng tại thị trường khu vực Đông Nam Á", ông Nguyên thông tin.

Doanh nghiệp từng bước phục hồi

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi ở một số ngành như công nghệ, cơ khí, đồ gia dụng... Trong đó, một số doanh nghiệp có xu hướng chuyển qua khai thác thị trường mới nhiều tiềm năng như các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, cho biết doanh nghiệp dệt may đang từng bước phục hồi khi phần lớn các doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho quý 1, số ít doanh nghiệp có đơn hàng hết quý 2. Dù vậy, ông Hồng cho hay thị trường năm nay dự báo vẫn chưa hết khó, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Do đó, để có thêm đơn hàng trong giai đoạn tới, ông Hồng đề xuất cần có thêm các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm đơn hàng và thị trường mới. "Các doanh nghiệp cần tăng liên kết, gặp gỡ, chia sẻ, choàng gánh hỗ trợ nhau "vượt bão". Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh thông tin về tình hình thị trường, đơn hàng để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời và có giải pháp ứng phó nhanh chóng, phù hợp", ông Hồng nói.

Ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cũng cho biết các đơn hàng đã bắt đầu hồi phục trở lại, tình hình đơn hàng quý 1 của các doanh nghiệp trong hiệp hội khá tốt, có doanh nghiệp nhận đơn hàng tới quý 2 và thậm chí tới quý 3. Tuy vậy, ông Giang đánh giá đơn hàng quay trở lại với doanh nghiệp chỉ mới dừng ở mức hồi phục, chưa sôi động được như trước dịch COVID-19.

Theo ông Giang, thách thức chưa dừng lại với ngành dệt may khi kinh tế thế giới vẫn biến động, các thị trường lớn như thị trường châu Âu ngày càng đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới môi trường, nguồn gốc xuất xứ, phát triển bền vững, minh bạch chuỗi cung ứng... "Chưa hết, các đơn hàng thời trang ngày càng có yêu cầu phức tạp hơn, thời gian giao hàng nhanh hơn buộc doanh nghiệp phải thích ứng với cuộc chơi mới, đáp ứng tiêu chuẩn của các nhãn hàng", ông Giang nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM, nhiều doanh nghiệp ngành cao su, nhựa đã có sự phục hồi về đơn hàng xuất khẩu. Trong đó, đa số doanh nghiệp đều tăng đơn hàng từ 10-20% so với giai đoạn trước Tết. Bên cạnh đó, ông Quốc Anh cho rằng khi tỉ giá USD tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi về tỉ giá song cũng gây áp lực lên nguyên liệu đầu vào khi giá các nguyên vật liệu đầu vào cũng nhích lên.

"Thị trường xuất khẩu đang là điểm sáng do nhiều khả năng thị trường thế giới đã hết hàng tồn kho, chuẩn bị hàng cho mùa hè, các nhà cung ứng đã có thêm khách hàng, người mua trở lại nên hy vọng đây là sự tăng trưởng dài hạn", ông Quốc Anh bày tỏ kỳ vọng.

Cần có chiến lược phát triển bền vững, xanh hóa

Thời gian tới, theo ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Vitas, nếu căng thẳng tại Biển Đỏ kéo dài sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các đơn hàng dệt may, làm tăng thời gian giao hàng và phí vận chuyển.

Để có thêm đơn hàng trong lúc còn nhiều khó khăn, ông Giang cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cần tập trung vào ba yếu tố chính là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng và cần có chiến lược phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số... để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.

Nhiều ngành lấy lại đà tăng trưởng

Ông Nguyễn Phước Hưng - phó chủ tịch HUBA - cho biết hoạt động xuất khẩu mặc dù có khó khăn về logistics và luồng hàng vận tải biển nhưng nhìn chung đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng.

Trong đó, nhiều mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu cao như điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, chế biến lương thực và thực phẩm...

Đáng chú ý, ngành chế biến lương thực thực phẩm đang hoạt động tốt, gia tăng thị trường Trung Quốc và các thị trường mới khai thác như Đông Nam Á, châu Phi…

Đơn hàng đã quay về với nhiều doanh nghiệpĐơn hàng đã quay về với nhiều doanh nghiệp

Khảo sát nhanh của Sở Công Thương TP.HCM, ngay sau Tết hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất xuất khẩu, tỉ lệ lao động trở lại làm việc trên 90%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên