03/10/2023 10:51 GMT+7

Nhật hỗ trợ nghiên cứu bảo quản xoài 42 ngày, làm bột gạo cho bệnh nhân tiểu đường

Bảo quản xoài lên đến 42 ngày nhờ vỏ cam, nuôi lươn tuần hoàn tiết kiệm nước, sản xuất bột gạo cho bệnh nhân tiểu đường... là những nghiên cứu đang được Trường ĐH Cần Thơ triển khai với sự hỗ trợ từ Nhật Bản tại khu vực ĐBSCL.

ThS Nguyễn Thị Lệ Ngọc giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu của phòng thí nghiệm công nghệ sinh học thực phẩm tiên tiến - Ảnh: NGỌC ĐỨC

ThS Nguyễn Thị Lệ Ngọc giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu của phòng thí nghiệm công nghệ sinh học thực phẩm tiên tiến - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Nhật, Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam vừa tổ chức chuyến đi thực tế các dự án hợp tác ODA của Nhật Bản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dành cho báo chí Việt Nam.

Vỏ cam bao bọc vỏ xoài

Tại Trường ĐH Cần Thơ, đoàn phóng viên đã gặp gỡ đội ngũ khoa học thực hiện các mô hình nghiên cứu trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn 2 (TC2) "Tăng cường liên kết và ứng dụng khoa học thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu".

Trong dự án này, đội ngũ khoa học Trường ĐH Cần Thơ cùng JICA Việt Nam hợp tác với các trường ĐH Nhật Bản và doanh nghiệp từ cả hai nước phát triển 12 mô hình kỹ thuật canh tác, thu hoạch mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cũng như giúp các hộ nông dân tại khu vực ĐBSCL thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.

Bên cạnh việc nhận hỗ trợ tài chính, mỗi mô hình trên còn được chín trường ĐH hàng đầu về nông nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật. Tuy TC2 mới triển khai từ đầu năm 2023, phần lớn mô hình đều đã cho ra những kết quả ấn tượng.

Với mô hình "Nâng cao chuỗi giá trị một số loại cây chứa dầu và tinh dầu", nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách tận dụng vỏ cam để tạo ra phụ phẩm nông nghiệp giúp kéo dài thời gian bảo quản xoài lên đến hơn 42 ngày.

Cụ thể, vỏ cam sau khi đã được trích để lấy tinh dầu sẽ trở thành phế phẩm nông nghiệp có thể được thu mua với giá rất rẻ. Số vỏ cam này được đưa qua quá trình xử lý ở phòng thí nghiệm để tạo ra các phân tử cellulose với kích thước nano bao bọc vỏ xoài, giúp xoài lâu hỏng hơn.

Nhờ đó, các lô xoài của ĐBSCL sẽ có thể vượt những chặng hải trình dài để tiếp cận các thị trường xa xôi như Úc, châu Âu, Mỹ... Kỹ thuật này còn có thể nâng cao giá trị xoài trên thị trường nội địa khi cho phép xoài đủ tươi ngon để được bán trái mùa.

Một mô hình nghiên cứu triển vọng khác là sản xuất bột gạo cho người cần giảm hấp thu đường. ThS Nguyễn Thị Lệ Ngọc, nghiên cứu viên phòng thí nghiệm công nghệ sinh học thực phẩm tiên tiến (Trường ĐH Cần Thơ), chia sẻ:

"Khi được tiêu hóa, tinh bột thông thường sẽ bị thủy phân thành đường và được hấp thu vào trong máu, qua đó làm tăng chỉ số đường huyết. Còn với sản phẩm bột gạo này, nó đã bị biến tính thành những mạch tinh bột kháng hấp thu hoặc chậm hấp thu. Khi mình ăn vào, sau quá trình tiêu hóa, mình chỉ hấp thu được lượng nhỏ trong số chúng".

Theo chị Ngọc, loại bột này sẽ được dùng để làm ra các sản phẩm bún gạo, hủ tiếu gạo hỗ trợ tốt cho những người bị bệnh tiểu đường, bệnh béo phì, người mắc bệnh về lối sống...

Nuôi thủy sản tuần hoàn

Để giải quyết vấn đề khan hiếm nước sạch trong khu vực, đội ngũ nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ đã dành hẳn ba mô hình phát triển kỹ thuật chăn nuôi thủy sản nhằm phát triển mô hình nuôi thủy sản tuần hoàn, tạo giống thủy sản chất lượng cao và phát triển thức ăn riêng dành cho lươn và cá nâu.

Trên thực tế, chăn nuôi thủy sản tuần hoàn không còn là công nghệ mới. Với công nghệ này, nước thải từ các hồ nuôi sẽ được xử lý trong một hệ thống khép kín, được lọc thành nước sạch và đưa trở lại hồ.

Qua đó, các nông hộ có thể tiết kiệm lượng nước sử dụng trong chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước đưa vào hồ, cũng như giảm đáng kể thời gian và nhân lực cho công tác theo dõi, chăm sóc hồ.

Anh Nguyễn Thành Tân, chủ hộ nuôi lươn tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, khẳng định việc nuôi theo phương pháp tuần hoàn có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống và đã được gia đình anh áp dụng từ năm 2018.

"Thứ nhất, mình tái sử dụng được nguồn nước thải. Hiện tại, nguồn nước khá khan hiếm. Do đó, việc tái sử dụng nguồn nước cũng góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, khi mình hạn chế thay nước thì chất lượng nước trong ao nuôi ít bị xáo trộn. Nhờ đó, lươn ít bị chết, giảm bệnh tật trong quá trình nuôi và con lươn sẽ phát triển đồng bộ hơn", anh Tân chia sẻ.

Tuy nhiên, công nghệ này chưa thật sự tối ưu vì cần nuôi với mật độ thấp, do đó cho ra năng suất thấp hơn phương pháp nuôi truyền thống khá nhiều. Do đó công nghệ chỉ phù hợp với các hộ có ít thời gian hoặc nhân lực chăm sóc hồ. Nhiều hộ nuôi lươn đã phải quay lại hình thức nuôi truyền thống sau một thời gian sử dụng hệ thống nuôi tuần hoàn.

Nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ hướng đến việc cải tiến kỹ thuật để có thể nuôi lươn tuần hoàn với mật độ cao và nhiều vụ mỗi năm, qua đó tăng năng suất nuôi trồng trên cùng đơn vị diện tích.

Chia sẻ với đoàn báo chí, GS.TS Hà Thanh Toàn, hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết trường tự tin rằng các mô hình trong dự án TC2 sẽ có thể được ứng dụng vào thực tế và thương mại hóa khi dự án kết thúc.

"Chúng ta có cái tự tin này vì trường đã ký với chín tỉnh thành và trên 30 huyện ĐBSCL. Đó là những nơi tiếp nhận các kỹ thuật và hợp tác với trường để làm các đề tài và các đề tài sẽ được ứng dụng tại đó", ông Toàn nói.

Trong khi đó, ông Sugano Yuichi, trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, khẳng định nông sản, thủy sản Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng đi đến những thị trường lớn hơn.

Theo ông Sugano, cả lươn và xoài đều được xem là những mặt hàng đắt đỏ tại Nhật Bản. Nếu các mặt hàng trên của Việt Nam có thể đạt các tiêu chí nhập khẩu vào Nhật Bản thì sẽ là cơ hội rất tốt cho cả người nông dân và các công ty xuất khẩu.

12 mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở ĐBSCL

- Sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Sản xuất xoài chất lượng cao.

- Phát triển chăn nuôi vịt.

- Công nghệ giám sát tiền thu hoạch, sau thu hoạch.

- Ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong canh tác lúa.

- Nâng cao chuỗi giá trị một số loại cây chứa dầu và tinh dầu.

- Nuôi thủy sản công nghệ cao.

- Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng giống phục vụ nuôi trồng thủy sản.

- Phát triển thức ăn nuôi thủy sản.

- Đánh giá tác động, xây dựng hệ thống giám sát sạt lở bờ biển.

- Ứng dụng công nghệ 4.0 để kiểm soát môi trường.

- Trung tâm khai thác dữ liệu và hỗ trợ sản xuất bền vững.

Trung Quốc tăng nhập nông thủy sản Việt, nông nghiệp thu hơn 38 tỉ USD xuất khẩuTrung Quốc tăng nhập nông thủy sản Việt, nông nghiệp thu hơn 38 tỉ USD xuất khẩu

9 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả, gạo, điều, cà phê... tăng mạnh, giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về hơn 38 tỉ USD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên