20/06/2022 09:34 GMT+7

Nhà văn trẻ: Hiểu biết rộng hay thiếu vốn sống?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Các bạn trẻ hiện nay viết thật sự rất đa dạng, từ giọng điệu cho đến đề tài, một số cây bút rất dữ dội, nhưng nhiều người dễ rơi vào vô căn tính? Hay những nhà văn gạo cội đang quá khắt khe với những người viết trẻ?

Nhà văn trẻ: Hiểu biết rộng hay thiếu vốn sống? - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc - Ảnh: T.ĐIỂU

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vừa diễn ra trong hai ngày 18 và 19-6 tại TP Đà Nẵng với nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, các doanh nghiệp yêu văn hóa, đặc biệt là của Hội Nhà văn Việt Nam - đơn vị tổ chức hội nghị này.

Hơn 100 đại biểu dự hội nghị, trong đó có một số cái tên đã bước đầu khẳng định được tiếng nói của mình trong văn giới. Tuy thế, không khó để nhận ra những thiếu hụt của một thế hệ những người viết trẻ ở một thời đại rất khác với cha ông mình.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - trong chia sẻ với Tuổi Trẻ đã nhận định các bạn trẻ hiện nay viết thật sự rất đa dạng, từ giọng điệu cho đến đề tài, nội dung, có những vấn đề hóc búa. "Đó là cái được nhất của các bạn trẻ. Đâu đó có thể tìm thấy sự hoàn chỉnh trong từng tác phẩm. Nhưng để nhìn ra một con đường cho từng tác giả thì còn phải chờ".

Người đi trước nói về thế hệ trẻ

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, tác giả trẻ Lê Quang Trạng (An Giang) cũng cho rằng thời đại công nghệ giúp các cây bút trẻ đọc được nhiều, mở mang tầm mắt ra thế giới hơn thời đại trước nên trang viết của các bạn rất phong phú, đa dạng nhưng chưa có nhiều tác phẩm đóng đinh vào nền văn học một cách chắc chắn.

Lê Quang Trạng tâm sự anh cảm giác như người trẻ sống với văn học rất nhiệt tình nhưng chưa "chín" như tuổi trẻ của các thế hệ nhà văn trước, họ rất thiếu trải nghiệm thực tế và va chạm cuộc sống.

Đã vậy, họ cũng rất ít đọc văn chương của các thế hệ đi trước. Không đọc cha anh mình nhưng các bạn trẻ ngày nay đọc rất nhiều văn học nước ngoài. Vì vậy nhiều bạn có lối viết rất Tây, nhưng câu chuyện thì không phải Tây mà cũng chẳng phải ta.

Về việc này, nhà văn gạo cội Dương Hướng đưa ra lời khuyên chân thành cho các bạn trẻ: cần viết những cái gì mình thuộc, mình thích, mình mê mải, hết lòng về nó thì dễ thành công hơn.

"Tôi viết mảng về đề tài nông thôn, tôi thuộc nông thôn từ tấm bé, là máu thịt từ tấm bé với tôi. Viết đơn giản, dễ như không mà vẫn đạt được tầm vóc. Nếu viết cái lớn lao mà không thuộc về nó, anh viết hời hợt thì tác phẩm đó tự nhiên nhạt nhẽo", tác giả Bến không chồng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.

Muốn có những thứ thân thuộc để viết thì nhà văn phải có vốn sống sâu sắc về câu chuyện đó, nhưng theo ông Dương Hướng, các bạn trẻ bây giờ ít vốn sống, viết chạy theo những thứ lớn lao nhưng cuối cùng văn chương đọc lên lại rất thường.

Một số khác viết rất dữ dội về sự khủng hoảng đạo đức xã hội trong gia đình và cá nhân, ông cho rằng thứ văn chương ấy đọc xong thấy bất an quá. Theo ông, dù văn chương bóc trần con người, bóc trần cái xấu thì cái cuối cùng phải đạt tới là cái nhân văn sâu sắc, làm con người "người" hơn.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng cùng quan điểm, cho rằng những tác phẩm lớn luôn hàm chứa tinh thần lạc quan, hướng thiện, nó bày tỏ lòng trân quý con người bằng lời kêu gọi rũ bỏ hận thù để hướng tới một tương lai hòa hợp, nhuần nhị.

Cần "hút" đủ dưỡng chất quê hương

Ông Nguyễn Bình Phương nói thêm về đặc điểm "không gốc rễ" của những người viết trẻ hiện nay.

Tác giả Mình và họ cho rằng thử thách lớn nhất với các nhà văn trẻ hiện nay là các bạn có dám ở lại địa phương mình, quê hương mình hay đổ dồn về các thành phố lớn khi chưa hút đủ dưỡng chất của nơi gốc gác mình.

Ông dẫn ví dụ Nguyễn Ngọc Tư vẫn sống ở Cà Mau, không đi đâu cả, vẫn trở thành nhà văn có tiếng. Thanh Thảo vẫn lừng lững là một Thanh Thảo, ngay cả khi ông chỉ ở Quảng Ngãi. Y Phương ở Cao Bằng vẫn lừng lững là một Y Phương ở Cao Bằng...

Còn trường hợp của ông là ông đã sống đủ ở quê nhà, để khi rời khỏi Thái Nguyên, ông mang toàn bộ Thái Nguyên đi theo mà bám rễ và viết. "Các bạn trẻ hiện nay chưa có một vùng đất làm ký ức, chưa bén được rễ hút dưỡng chất mà đã đi thì làm sao viết được. Họ dễ bị vô căn tính".

Còn nhà thơ lão thành Hữu Thỉnh, khi chia sẻ kinh nghiệm với các cây viết trẻ, đã nhắn nhủ rằng: "Nếu có điều gì cần nói, tôi xin nói rằng muốn viết cho hay trước hết và quan trọng nhất là phải đồng hành với đất nước và dân tộc. Đi khỏi quỹ đạo này thì dù tài năng mấy cũng bị rơi vào quên lãng".

Tại hội thảo văn xuôi "Vì sao chúng ta viết?" vào sáng 19-6, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi chủ trì đã phải nhắc các bạn trẻ đã quá ám ảnh chuyện tư tưởng, trường phái, thế hệ... trong khi việc của người viết chỉ là làm sao dùng câu chữ để kể cho hay, cho hấp dẫn câu chuyện của mình.

"Với người viết, mình có một câu chuyện thì mình dùng chữ viết cho tốt câu chuyện của mình thôi. Còn nhận định nó ra sao là chuyện của các nhà phê bình, của bạn đọc. Các bạn cứ viết, còn chấp nhận hay không là chuyện của người đọc" - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói.

Nhà văn trẻ: một thế hệ bị coi là nhạt cũng có quyền viết Nhà văn trẻ: một thế hệ bị coi là nhạt cũng có quyền viết

TTO - Tại buổi tọa đàm "Văn học trẻ Hà Nội có gì mới" do Ban văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 10-6, một số tiếng nói văn chương trẻ đã cất lên để bảo vệ "quyền được viết" của mình ngay cả khi thế hệ họ bị dán nhãn là "nhạt".

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên