17/10/2023 10:49 GMT+7

Người thành phố học sống chung với lũ

Trận lũ đổ xuống Đà Nẵng năm 2022 được xem là "500 năm mới có một lần". Nhưng khi vết bùn cũ chưa sạch thì mấy ngày qua dân thành phố biển lại bì bõm trong nước đục.

Người dân Đà Nẵng dọn dẹp bùn sau lũ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Người dân Đà Nẵng dọn dẹp bùn sau lũ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Khi lụt lớn xảy ra ở Đà Nẵng, tâm trạng chung của người dân lẫn chính quyền là bất ngờ. Cũng phải thôi vì đã bao giờ thành phố nằm bên mép biển, một bên núi cao này nước lên qua nổi đầu gối đâu. Người Đà Nẵng thường sợ bão chứ không sợ lũ, vậy mà...

Dù có lạc quan đến mấy cũng phải tin rằng ngập lũ ở Đà Nẵng trong tương lai sẽ còn diễn biến phức tạp hơn. Đó là đô thị hóa quá nhanh khiến khoảng trống thoát nước bị thu hẹp, hạ tầng kỹ thuật không theo kịp tốc độ phủ dân cư, nhà cửa, công trình... Trong khi đó, giải pháp chống ngập chưa phát huy hiệu quả.

Quá nhiều nguyên nhân "chủ quan", trong khi thiên tai lại ngày một dị thường, khó lường. Không riêng Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác trên đất nước này và cả thế giới cũng "bất ngờ".

Gần Đà Nẵng, có ai nghĩ một đô thị nhỏ, nằm trên cao như TP Kon Tum lại ngập nửa người sau vài giờ mưa xối xả? Tương tự đã xảy ra ở Kon Tum là Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Lâm Đồng và mới đây nhất là Bình Dương đều chung cảnh mênh mông nước.

Câu chuyện ở Đà Nẵng thật sự là điều đáng lo, nhưng không phải dị biệt mà đang diễn ra như một hiện trạng chung ở các đô thị. Khi nhìn nhận lại, ai cũng công nhận rằng chính việc xây dựng dày đặc, đô thị phát triển quá nhanh trong khi thoát nước theo không kịp là nguyên do của ngập.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Đã là đô thị thì xây dựng, mở rộng không gian phát triển là chuyện đương nhiên. Đất đai, khoảng trống vốn ít ỏi phải đủ chỗ cho công trình, công viên, trường học, bệnh viện. Vấn đề là phải biết vừa phải, để không xâm lấn quá mức.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra để đô thị phát triển là phải giải cho bằng được bài toán chống ngập bằng sự bố trí hạ tầng thoát nước hợp lý. Quy hoạch thoát nước, quy hoạch xử lý môi trường phải song hành và luôn đi trước một bước các quy hoạch khác để đảm bảo rằng đô thị không bị ngập khi có những đợt thiên tai bình thường.

Muốn làm được vậy thì cái cần nhất là quan điểm, tư duy phát triển của người đứng đầu chính quyền đô thị xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ. Nếu các nhiệm kỳ trước chưa đặt ra, chưa làm thì ngay lúc này phải làm để đặt viên gạch cho chục năm sau.

Một điều vô cùng quan trọng, với xu hướng thời tiết như hiện nay thì ngay lúc này rất cần có sự chuẩn bị tốt từ tâm lý người dân để dự phòng trong trường hợp như Đà Nẵng hồi tháng 10-2022. Không hạ tầng nào thoát lũ kịp trong bối cảnh đó.

Xưa nay câu cửa miệng "sống chung với lũ" thường dành cho dân vùng thường xuyên có lũ. Nhưng với tình hình hiện nay thì câu nói đó cũng nên được nằm lòng cho người dân ngay cả thành phố - những người thường "bất ngờ" trước lũ.

Sự chuẩn bị, ít nhất là về tâm lý, nhà cửa, thói quen sinh hoạt, quy luật các mùa trong năm với mỗi người dân ở thành phố là hết sức cần thiết.

Điều đó đảm bảo rằng chúng ta sẵn sàng thích ứng với thiên tai có xu hướng dị thường hơn trong tương lai gần để tránh rủi ro, thích ứng tốt trong các điều kiện.

Cứu Đà Nẵng khỏi ngập bằng cách nào?Cứu Đà Nẵng khỏi ngập bằng cách nào?

TS Lê Hùng - Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - cho rằng sau 2 năm liên tiếp có lũ lớn, Đà Nẵng cần xem xét nghiêm túc quy hoạch, hệ thống tiêu thoát để từ đó điều chỉnh hợp lý trước khi tình hình thêm trầm trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên