01/04/2012 09:08 GMT+7

Người mẫu trong đời

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Hầu như tuần nào giới showbiz cũng có xìcăngđan để người ta “ngấu nghiến”. Tuần này là một clip nhạy cảm của một cô siêu mẫu được tung lên tiếp ngay sau những hình ảnh nóng bỏng của nàng này với một nam tài tử điển trai trong một bộ phim sắp được ra rạp. Tuần trước là vụ mấy kiều nữ lu loa chuyện không chồng mà chửa. Tuần trước nữa là chuyện “tát qua tát lại” cũng của mấy cô siêu mẫu...

Những câu chuyện ấy cứ đến dồn dập như sóng biển, nhưng gom lại chỉ có mấy “món” là lộ hàng, khoe thân, tình ái lăng nhăng hay phát ngôn gây sốc. Và khi những đợt sóng ấy vỗ bờ, tên tuổi của người trong cuộc càng nổi tiếng (hay tai tiếng?), hoặc được “hâm nóng” lại, chương trình giải trí mà họ tham gia được công chúng biết đến nhiều hơn. Và tất nhiên, những trang báo mạng tạo sóng cũng “câu” được thêm nhiều người, nhiều hợp đồng quảng cáo.

Cái lợi mà nhà đài và nhà mạng lá cải thu về có thể thấy rất rõ trong ngắn hạn, nhưng kết quả toàn cục trong dài hạn hay nhìn dưới góc độ trách nhiệm xã hội thì dù chưa thể đánh giá cũng biết chắc chẳng lợi gì.

Người của công chúng có trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và giới showbiz cũng là một lĩnh vực quan trọng. Không thể phủ nhận rằng họ có ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ, thái độ và hành vi của nhiều người. Cho nên, muốn hay không thì họ cũng phải sắm vai “người mẫu” trong đời, tức là trách nhiệm “nêu gương” để định hướng cách hành xử cho nhiều người hâm mộ.

Nhưng những “người mẫu” nêu gương tốt trong giới showbiz hơi khó tìm, trong khi xìcăngđan của họ thì kể hoài không hết.

Bất cứ ai, kể cả người trong cuộc, cũng đều biết chẳng hay ho gì với những hành vi cố ý lộ hàng, khoe thân hay phát ngôn gây sốc. Cái lợi trước mắt là được nhiều người biết đến và thu nhập tăng vọt mà không cần phải nhọc công lao động và rèn luyện.

Chọn cách hành xử theo cái lợi ngắn hạn, liệu có bao giờ “người mẫu” nghĩ rằng khi trở về với tổ ấm của riêng mình, những đứa con (trong hiện tại và tương lai) sẽ nghĩ gì và đặt niềm tin vào đâu nếu biết được những hành vi chẳng hay ho gì của cha mẹ chúng.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến lời của nhà tâm lý quá cố Nguyễn Thị Oanh: “Những đôi mắt trẻ thơ như những chiếc máy quay phim vô tư ghi lại những gì người lớn làm”.

Lời của cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh mãi mãi có giá trị với “người mẫu”. Và cũng xin mở rộng thêm: suy cho cùng, mỗi cá nhân dù là người của công chúng hay không phải thế, đều cũng phải là “người mẫu” cho ai đó trong đời, chí ít là với con cái. Vì vậy, mỗi “người mẫu” cần cân nhắc kỹ trước những hành vi lệch chuẩn.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên