05/09/2019 14:00 GMT+7

Người kể chuyện ngàn xưa

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Ai đến thăm phòng trưng bày tại nhà riêng ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết, Bình Thuận, nhà sưu tập 44 tuổi này cũng say mê diễn thuyết tường tận từng món đồ. Ông không chỉ giới thiệu cổ vật mà còn muốn ôn lại những câu chuyện ngàn đời...

Người kể chuyện ngàn xưa - Ảnh 1.

Ông Ẩn bên bộ đàn đá cổ độc đáo... - Ảnh: SƠN LÂM

5 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Ẩn đã 24 lần hiến tặng hơn 8.400 cổ vật được trưng bày tại bảo tàng ở 19 tỉnh thành cả nước.

Từ hình ảnh voi ma mút

Đến giờ, ông Ẩn vẫn còn giữ một lưỡi cuốc và lưỡi rìu bằng đá mà ông từng sưu tập được từ lúc... 13 tuổi.

Trước đó một năm, cậu bé Ẩn lật sách lịch sử lớp 6 đã mê mẩn ngay hình ảnh người tiền sử vây quanh con voi ma mút. Những vũ khí săn voi được tạo tác từ đá khiến cậu mê mẩn và bắt đầu để ý đến cổ vật để dần thu thập như thú vui.

Trùng hợp khoảng năm 1987 lại rộ nạn đào trộm mộ ở làng Mũi Né. "Nhà ngay trước chợ, sáng 4 anh em ra ăn là lại nghe được tin ai bị đào trộm mộ trong vườn nhà. Bọn trộm chủ yếu chỉ lựa lấy vàng. Còn mình thì... nhặt những gì bọn chúng chê, vất lại lăn lóc", ông Ẩn kể.

Thật sự hồi ấy, cậu Ẩn chỉ thích chứ chưa hiểu rõ những đồ linh tinh chôn dưới lòng đất quý giá ra sao. Còn thân nhân các ngôi mộ lại cảm ơn cậu bé dẹp giúp đống đồ chẳng thể dùng vào việc gì.

Ngày ấy, nhà cậu Ẩn là điểm thu mua nông sản, hạt dưa lớn ở Bình Thuận. Bao nhiêu tiền cha mẹ cho, cậu gom hết vào... công vận chuyển đồ cổ.

"Mộ bị đào trộm, người thân phải thu hài cốt, cúng kiếng rồi chôn lại. Thấy mình ôm thúng tới xin mấy đồ lăn lóc bỏ đi, họ cho ngay", ông Ẩn nhớ lại.

Nhà sẵn nhân công, ông Ẩn thuê họ 5 đồng một gánh, đem đống đồ ngổn ngang từ các ngôi mộ bị đào trộm về vườn nhà bà nội gửi.

Ban đầu, người gánh thuê coi thằng bé như "quỷ ám". Nhưng cũng như việc gánh cá nơi làng biển, họ quẩy hàng xong lấy tiền rồi thôi. Chỉ có bà nội là không ngớt cằn nhằn.

Tuy nhiên, đứa cháu cứ mày mò các đồ vật của người chết, đi hỏi chuyện những người lớn tuổi, rồi đạp xe hơn 20km ra Thư viện Bình Thuận để có thể về kể cho bà nghe những câu chuyện về người Hoa di cư đến Bình Thuận từ hơn 200 năm trước.

Bà nội dần hiểu được niềm say mê lạ lùng của cháu và chấp nhận khu vườn có thêm hàng đống đồ xưa cũ.

Vài năm sau, cậu thanh niên 17 tuổi ở Mũi Né đã có tiếng chuyên mua cổ vật từ những vùng xa hơn ở Bình Thuận. Nhiều người thi thoảng lại chở đến một xe chứa đầy đồ lỉnh kỉnh bán sỉ. Từ những vật dụng cũ của người Hoa, người Chăm đến những vật chưa xác định được niên đại...

"Thời đó, một xe kéo chở khoảng 3 thùng chứa đồ cổ được mình mua lại với giá 50.000 đồng. Trong đó có những đồ rất giá trị như lưỡi rìu và lưỡi cuốc này còn được mình giữ đến hôm nay", ông Ẩn chia sẻ.

Đến năm lớp 11, cậu Ẩn được cha mẹ giúp mở điểm thu mua hải sản. Lao vào kinh tế, cậu dang dở học hành. Nhưng những cổ vật thì vẫn luôn được cậu mê mẩn thu mua. Mỗi cổ vật được sưu tầm, cậu lại phân loại và truy tìm nguồn gốc.

Cứ thế, những bài học lịch sử thấm vào cậu một cách tự nhiên mà sâu sắc.

“Bảo tàng nào cần đồ cổ, mình đều hiến tặng. Như Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm, mình từng tặng đến 5 lần” - nhà sưu tập

NGUYỄN NGỌC ẨN

Người kể chuyện ngàn xưa - Ảnh 3.

... Và những cổ vật kể chuyện ngàn xưa - Ảnh: S.LÂM

Thổi lên ngọn lửa yêu lịch sử

Trong đợt triển lãm trưng bày 467 cổ vật mà ông Ẩn vừa hiến tặng cho Bảo tàng Long An vào cuối tháng 4-2019, nhiều người dân Long An đã rất thú vị với những lý giải cặn kẽ của chủ nhân chúng.

Ông tỉ mỉ kể về từng cái đĩa thời Lý, thời Lê cách đây ngàn năm cho đến cái đĩa làm tại Sài Gòn gần trăm năm trước. Diễn thuyết một cách say mê về đồ cổ, ông Ẩn còn như chuyên gia về văn hóa Chăm để có thể trả lời các câu hỏi về văn hóa cộng đồng này.

Đó là những gì ông học được sau khi thu thập hàng ngàn cổ vật trong hơn 30 năm qua.

"Sự đam mê giúp mình luôn học hỏi không ngừng, và có lẽ đó là giá trị lớn nhất mà mình nhận được từ cổ vật sau khi nghỉ học ở trường", ông Ẩn tâm sự.

Hiện tại, niềm say mê đồ cổ vẫn còn chiếm rất nhiều thời gian của ông. Nghe đâu có hội thảo cổ vật, ông đến dự. Ở đâu có cổ vật mới khai quật, ông lại tìm đến. Nhiều chuyên gia lịch sử bị ông Ẩn "quấy rầy" học hỏi đã trở thành bạn chí cốt. Điện thoại ông Ẩn gần như luôn cầm trên tay bởi những người hỏi chuyện cổ vật.

Cách đây 5 năm, đưa con đi thi đại học ở TP Cần Thơ, ông Ẩn tham quan bảo tàng thành phố này như thói quen khi ông đến bất cứ tỉnh thành nào. Gặp lãnh đạo bảo tàng, ông Ẩn ngỏ lời hiến tặng hơn 300 cổ vật.

Vài ngày sau, Bảo tàng Cần Thơ đã lập đoàn chuyên gia tìm về Mũi Né, và 326 hiện vật giá trị được chuyển từ nhà ông Ẩn về Cần Thơ.

Đó là mở đầu tâm nguyện hiến tặng cổ vật cho khắp các tỉnh thành VN mà ông Ẩn đã ấp ủ sau khi gầy dựng được cửa hàng kinh doanh thực phẩm và các phòng trọ để đủ kinh tế đời sống. Tâm nguyện ông là thực sự được sống cùng cổ vật bằng cách nghiên cứu, sưu tầm và hiến tặng...

"Với số lượng đồ cổ của mình, tôi có thể rỉ rả bán ra sống đến đời cháu. Nhưng tôi không bao giờ làm vậy, bởi xã hội đang báo động về môn lịch sử dần bị xem nhạt trong lòng học sinh", ông Ẩn bộc bạch.

Với ông Ẩn, lịch sử là một trong những môn quan trọng nhất để hun đúc thêm lòng yêu thương cội nguồn, dân tộc, Tổ quốc. Ở một số bảo tàng, khi tặng cổ vật, ông thường kèm thêm điều kiện là họ liên kết với ngành giáo dục khuyến khích trường học cho học sinh tham quan bảo tàng.

Bởi ông Ẩn tin rằng khi cổ vật được trưng bày đến với vài trăm em học sinh sẽ gợi được niềm yêu thích lịch sử cho ít nhất vài em. Như cậu bé Ẩn ngày xưa từng mê mẩn bức tranh người tiền sử săn voi ma mút rồi dần mãnh liệt thành niềm đam mê tìm về cội nguồn dân tộc...

Kể chuyện và đàn tặng khách

co vat 1

Ông Ẩn say mê kể chuyện cổ vật tặng cho Bảo tàng Long An - Ảnh: S.LÂM

Hiện ông Ẩn đang có 3 kho chứa cổ vật và 2 nhà trưng bày. Khách đến thăm được gia chủ diễn thuyết về bất cứ hiện vật nào trong số hàng ngàn đồ trưng bày.

Đặc biệt, ông còn đàn cho khách thưởng thức điệu nhạc tự sáng tác trên bộ đàn đá độc đáo cách đây khoảng 3.500 năm.

Khách cũng được tận mắt ngắm nhìn đồ vàng của vua chúa Chăm xưa, hay nghe điển tích từ các bức tranh tinh xảo vẽ trên các đĩa gốm cổ.

90 năm hội tụ những bộ sưu tập cổ vật 90 năm hội tụ những bộ sưu tập cổ vật 'khủng'

TTO - Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày nhận quyết định thành lập (1979-2019) vào sáng 23-8. Dịp này cũng tròn 90 năm tòa nhà Viện bảo tàng tại đây được khánh thành mang tên Bảo tàng Blanchard de la Bross (1929).

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên