18/05/2024 13:17 GMT+7

Nghiên cứu chính sách thuê, thuê mua nhà ở xã hội

Đó là chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội vào chiều tối 17-5.

Dự án khu nhà ở xã hội Lê Thành, quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Dự án khu nhà ở xã hội Lê Thành, quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến hết quý 1-2024, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Tuy nhiên, số dự án nhà ở xã hội hoàn thành trong giai đoạn này rất thấp, chỉ đạt 75 dự án với quy mô xây dựng 39.884 căn hộ.

Nhiều dự án xây dựng dở dang

Bộ Xây dựng cho biết hiện số dự án đã khởi công nhưng đang xây dựng dở dang, chưa hoàn thành lên tới 127 dự án. Đến nay có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng.

Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án nhà ở xã hội với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng nhưng mới có 8 dự án vay được vốn ưu đãi với số tiền 640 tỉ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân khiến các dự án triển khai chưa đạt kỳ vọng là các dự án luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở chưa có hiệu lực thi hành. Trong khi các địa phương chưa quyết tâm, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, chưa ban hành kế hoạch triển khai.

Một số nơi có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư. Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt, còn hiện tượng sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai như quy hoạch bố trí quỹ đất, việc công khai dự án thu hút đầu tư.

Một số dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư tuy nhiên chậm triển khai đầu tư xây dựng. Việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm khi còn ít ngân hàng tham gia.

Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá các bộ ngành đã vào cuộc tích cực nhưng việc này không thể vội vì vừa qua chúng ta phải giải quyết một loạt luật liên quan chính sách này như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hay Luật Các tổ chức tín dụng...

Đến nay các vướng mắc về đất đai, thủ tục đã được tháo gỡ cơ bản nên vấn đề quan trọng sau khi trình Quốc hội các luật này có hiệu lực, các bộ ngành cần nhanh chóng hướng dẫn các văn bản dưới luật.

Thủ tướng yêu cầu phải đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, xã hội, ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại ngoài nhà nước; khi kêu gọi nguồn lực thì phải có các ưu tiên.

Nhà nước, nhân dân, xã hội rồi các tổ chức tín dụng cần xây dựng cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ cả người bán và người mua nhà ở xã hội; các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tích cực, cụ thể hơn bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, không nói chung chung.

Các thủ tục, điều kiện cho cả người vay đầu tư nhà ở xã hội và cho cả người mua, thuê, thuê mua cũng phải đơn giản hơn, nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Ưu đãi lãi suất thấp

Để thực hiện các nhiệm vụ, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan khẩn trương trình Quốc hội quyết định xây dựng ban hành nghị quyết về hiệu lực sớm đối với ba luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đất đai từ ngày 1-7 cùng các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Trong đó, cần sớm áp dụng các quy định về chính sách ưu đãi cho dự án phát triển nhà ở xã hội, sớm áp dụng quy định về quyền thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất đai của dự án nhà ở xã hội.

Các văn bản hướng dẫn sớm được ban hành với tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội, tránh phiền hà sách nhiễu cho người dân.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm rà soát lại quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại trên cơ sở hướng dẫn các địa phương thống kê lại.

Bộ Xây dựng rà soát lại thực hiện đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ, khẩn trương xây dựng chính sách mua, thuê, thuê mua trên cơ sở kinh nghiệm đã làm trước đây.

Ngân hàng Nhà nước thu xếp tín dụng tạo thuận lợi cho cả người vay, người mua, người bán. Nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3-5% so với lãi suất vay thương mại thông thường.

* Ông Nguyễn Chí Thanh (phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam):

Nhiều rào cản trong chính sách phát triển nhà ở xã hội

Nhiều dự án nhà ở xã hội đang được ưu đãi trên lý thuyết, về thủ tục làm dự án nhà ở xã hội hiện nay giống như dự án thương mại.

Muốn làm dự án nhà ở xã hội phải có đất và để có đất sạch thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vẫn phải thực hiện quy trình về giải phóng mặt bằng bình thường.

Về thủ tục nhận ưu đãi tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở xã hội cũng khá phức tạp, sau khi xác định tiền sử dụng đất như các dự án thương mại thì dự án nhà ở xã hội phải thêm một thủ tục nữa là địa phương ra quyết định miễn tiền sử dụng đất.

Làm dự án nhà ở hiện nay thì khâu khó nhất là giải phóng mặt bằng, nhưng chúng ta không có quy định nào về ưu tiên giải phóng mặt bằng cho các dự án nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội: thêm giải pháp cho thuê

Để phổ biến những thông tin mới về chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, giải đáp thắc mắc và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho những người có thu nhập thấp với mong muốn an cư, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê".

Tọa đàm được tổ chức vào lúc 14h ngày 18-5 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Tọa đàm sẽ có sự tham dự của đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, Liên đoàn Lao động TP.HCM, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương, đại diện Kim Oanh Group, các doanh nghiệp bất động sản, các chuyên gia và các nhà đầu tư nhà ở xã hội, nhà cho thuê.

Giải cơn khát nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người lao động an cưGiải cơn khát nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người lao động an cư

Người lao động muốn tăng nguồn cung nhà ở xã hội giá rẻ, tăng nhà cho thuê trong khi doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội lại gặp nhiều rào cản khiến thị trường lệch pha cung cầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên