15/03/2024 15:17 GMT+7

Nghiện cà phê, coi chừng quá liều và ngộ độc

Đối với nhiều người, một ngày mới sẽ không thể nào trọn vẹn và có hiệu suất cao nếu thiếu ly cà phê đậm đà. Vậy nhưng thứ gì nhiều quá cũng không tốt, kể cả việc tiêu thụ caffein.

Dù khả năng dung nạp của mỗi người khác nhau, vẫn có giới hạn về lượng caffeine mà mọi người có thể hấp thụ trong cơ thể - Ảnh: Healthline

Dù khả năng dung nạp của mỗi người khác nhau, vẫn có giới hạn về lượng caffeine mà mọi người có thể hấp thụ trong cơ thể - Ảnh: Healthline

Một số người chọn nạp caffeine thông qua nước tăng lực hoặc thuốc chứa caffeine. Dù không phải là quốc gia nổi tiếng với cà phê, theo báo cáo từ Hiệp hội Cà phê quốc gia Mỹ, mỗi người Mỹ trung bình uống hơn ba cốc mỗi ngày.

Bao nhiêu cà phê là quá liều?

Dù khả năng dung nạp của mỗi người khác nhau, vẫn có giới hạn về lượng caffeine mà mọi người có thể hấp thụ trong cơ thể. Dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều caffeine gồm ngón tay bồn chồn, nhịp tim đập nhanh. 

Trong một số trường hợp, tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc hoặc quá liều caffeine.

Ngộ độc caffeine xảy ra khi một người có lượng caffeine cao đến mức nguy hiểm trong cơ thể, tạo ra một loạt triệu chứng khó chịu và nghiêm trọng như khó thở và co giật. Năm 2022, một người đàn ông tại Anh đã tử vong sau khi tiêu thụ lượng bột cà phê tương đương với 200 cốc.

Theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, quá liều cà phê có thể xảy ra nếu tiêu thụ hơn 400 miligam caffeine mỗi ngày đối với người lớn khỏe mạnh, tương đương bốn hoặc năm tách cà phê.

Erin Palinski-Wade, chuyên gia dinh dưỡng ở New Jersey, cho biết tiêu thụ mức này không đủ gây chết người, nhưng gây ra cảm giác lo lắng và cáu kỉnh. 

Tình trạng ngộ độc caffeine xuất hiện khi cơ thể hấp thụ 1.200 miligam, tương đương khoảng 12 tách cà phê.

Từ khó chịu đến tử vong

Ngộ độc caffeine tạo ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho cơ thể. Theo Nima Majlesi - giám đốc khoa độc chất y tế tại Bệnh viện Đại học Staten Island, tác dụng kích thích của caffeine làm gián đoạn nhịp tim bình thường, dẫn đến nhịp tim bất thường và có thể ngừng tim. 

Ngoài ra, sử dụng quá liều caffeine có thể gây ra vấn đề về đường tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy.

Vì cà phê làm tăng khả năng đi tiểu, người uống quá nhiều caffein có nguy cơ đào thải các khoáng chất thiết yếu, đặc biệt là kali. Nồng độ kali thấp, hay hạ kali máu, có thể gây tổn thương cơ đến mức làm tê liệt, khó thở do cơ hô hấp yếu và ảnh hưởng thận. 

Một số triệu chứng ngộ độc caffeine cũng liên quan đến thần kinh như: lo lắng, ảo giác, đau nửa đầu, sưng não và co giật.

Mặc dù cực kỳ hiếm gặp nhưng ngộ độc caffeine có thể gây tử vong. 

Hầu hết các trường hợp tử vong do tai nạn liên quan đến caffeine đều liên quan đến việc uống nhiều viên thuốc chứa caffeine liều cao. Thuốc chứa caffein không được FDA quản lý nên liều lượng sẽ khác nhau giữa các nhãn hiệu.

Palinski-Wade cho biết hầu hết các viên caffeine có khoảng 300 miligam. Do đó, uống viên thứ hai sẽ vượt quá lượng caffeine được khuyến nghị là 400 miligam. Cô nhấn mạnh giống như bất kỳ chất bổ sung nào, nên thận trọng khi sử dụng thuốc chứa caffeine.

Tránh quá liều caffeine bằng cách nào?

Bạn cần dõi lượng caffeine tiêu thụ hằng ngày. Cà phê là nguồn cung cấp caffeine phổ biến, nhưng các sản phẩm như soda, trà xanh và cacao cũng có thể góp phần tăng thêm lượng caffeine.

Không nên dùng nước tăng lực và bột caffeine vì nồng độ caffeine cao. Cả hai sản phẩm đều là chất bổ sung và cũng có thể chứa lượng lớn đường và các chất kích thích khác.

Khi chọn đồ uống có chứa caffein, cần đảm bảo uống đủ nước và trong bụng có thức ăn, đặc biệt là protein và chất xơ.

Sau khi tiêu thụ quá nhiều cà phê và bắt đầu thấy bồn chồn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc, hãy lập tức đến bệnh viện. Các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp chạy thận nhân tạo để lọc caffeine ra khỏi máu.

Nếu một người tiêu thụ lượng lớn caffeine trong vòng một đến hai giờ, bác sĩ có thể sử dụng than hoạt tính, giúp ngăn không cho caffeine hấp thụ vào ruột.

Các bác sĩ cũng sẽ dùng thuốc giúp bệnh nhân ổn định và điều trị các triệu chứng nghiêm trọng, như thuốc chẹn beta và thuốc benzodiazepin cho các vấn đề về thần kinh như ảo giác và động kinh.

Quá lạm dụng cà phê, bạn có thể phải đối mặt ung thư dạ dày?Quá lạm dụng cà phê, bạn có thể phải đối mặt ung thư dạ dày?

Trong cà phê có nhiều thành phần khiến cho vết loét dạ dày nghiêm trọng hơn. Nếu sử dụng lâu dài, người bệnh không chỉ đối diện với đau dạ dày mà còn hàng loạt biến chứng nghiêm trọng khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên