Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một buổi huấn luyện bay của đơn vị không quân tại một căn cứ không được xác định ngày 16-4-2019 - Ảnh: YONHAP
Đáng chú ý, chỉ hơn hai tuần trước đó, ngày 18-4, Triều Tiên thông báo đã tiến hành thử một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới.
Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn tỏ ra mập mờ về đặc tính của các loại vũ khí này, có vẻ như muốn gây khó dễ cho giới tình báo phương Tây trong việc đánh giá được tác động thực sự của chúng đối với tiến trình đàm phán hạt nhân hiện nay.
Vụ thử vũ khí mới nhất ngay lập tức được Hàn Quốc và Nhật, đồng minh của Mỹ quan tâm. Hàn Quốc họp khẩn Hội đồng An ninh Quốc gia trong khi Tokyo cố trấn an người dân rằng chúng không đe dọa an ninh nước này. Seoul và Washington cho biết sẽ cùng phối hợp sát sao đánh giá vũ khí của Triều Tiên.
Vụ thử vũ khí cũng diễn ra sau những phát ngôn cứng rắn mang tính chất tối hậu thư của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dành cho chính quyền Tổng thống Donald Trump: "Hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của Washington trong tương lai". Đồng thời, ông Kim cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump phải thay đổi lập trường trước cuối năm nay, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả "tăm tối và rất nguy hiểm".
Hình ảnh buổi diễn tập do KNCA cung cấp - Ảnh: REUTERS
Việc Triều Tiên chọn thời điểm này để khiêu khích Mỹ ắt hẳn không phải vô cớ, nhất là sau chuyến công du Nga và gặp Tổng thống Putin của ông Kim Jong Un. Bình Nhưỡng dường như muốn lật bài ngửa cho Washington thấy rằng ngoài đồng minh truyền thống Trung Quốc, nước này còn có những đối tác tiềm năng khác như Nga.
Trong cuộc gặp ông Kim mới đây ở thành phố Vladivostok, ông Putin cũng đã tỏ rõ lập trường rằng Matxcơva muốn "có vai trò" ở bán đảo Triều Tiên khi chia sẻ với báo giới: "Nếu đã làm hết cách rồi mà vẫn không được thì mô hình 6 bên (Mỹ, Hàn, Nhật, Trung Quốc, Triều Tiên và Nga -PV) nhất định sẽ đáng tin cậy hơn trong việc triển khai một hệ thống đảm bảo an ninh quốc tế cho Triều Tiên".
Sau hội nghị thượng đỉnh lần 2 không đạt được thỏa thuận ở Hà Nội, Mỹ và Triều Tiên vẫn bế tắc trong bàn đàm phán hạt nhân. Bình Nhưỡng vẫn nhất quán yêu cầu Washington dỡ bỏ các lệnh cấm vận để đổi lấy phi hạt nhân hóa một phần. Trong khi đó, phía Mỹ khăng khăng chỉ giảm nhẹ cấm vận nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Do vậy, thông qua việc thử liên tiếp các vũ khí với đặc tính mơ hồ cộng với những bước đi chiến lược mới đây, bao gồm chuyến công du Nga, ông Kim Jong Un có vẻ muốn chuyển đi một thông điệp đủ mạnh cho phía Mỹ rằng Triều Tiên có thể quay lại lựa chọn đối đầu nếu không có sự đột phá nào đối với tình thế bế tắc hiện nay và nếu các lệnh cấm vận đang bóp nghẹt nền kinh tế nước này không được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, động thái thử vũ khí của Triều Tiên hôm 4-5 chỉ dừng ở mức độ "gây căng thẳng vừa phải" để kéo Washington quay trở lại bàn đàm phán cũng như giữ cơ hội cho cuộc thượng đỉnh Trump - Kim lần 3.
Vì cả hai loại vũ khí mà Triều Tiên thử lần lượt ngày 18-4 và 4-5 không phải là vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa, có khả năng đe dọa Hawaii, đảo Guam của Mỹ hay các đồng minh Nhật, Hàn. Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ Mỹ phản ứng gay gắt và chấm dứt mọi hình thức đàm phán với Triều Tiên.
Về vụ thử vũ khí mới nhất của Bình Nhưỡng, cho đến tối 4-5 (giờ Việt Nam), phía Mỹ vẫn duy trì cách tiếp cận thận trọng và phát ngôn chừng mực như phát biểu của thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders: "Chúng tôi đã biết các hành động của Triều Tiên và sẽ tiếp tục theo dõi khi cần thiết".
Sau gần một năm hòa bình với những cái bắt tay thân thiện và lời khen dành cho nhau giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều từ thượng đỉnh lần 1 ở Singapore tháng 6-2018, tình hình bán đảo Triều Tiên đã tăng nhiệt trở lại. Lựa chọn đối thoại hay đối đầu, giờ đây lại được ông Kim đặt trên bàn ông Trump.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận