Theo anh Tuấn Giang - người tổ chức chương trình, thì đây có thể xem là lần hiếm hoi thầy trò của trường xiếc ăn Tết cùng khán giả phương Nam.
Tạo điều kiện cho nghệ sĩ xiếc đất Bắc làm quen khán giả phương Nam
Năm ngoái, anh Tuấn Giang cũng là người thực hiện chương trình Tết tại Nhà hát Hòa Bình nhưng diễn viên đến từ Liên đoàn xiếc Việt Nam.
Cảm nhận được tình cảm ấm áp của khán giả TP nên năm nay anh tiếp tục thực hiện chương trình với sự tham gia của 26 diễn viên là thầy trò Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
Đây là trường duy nhất ở Việt Nam đào tạo bộ môn xiếc và tạp kỹ. Rất nhiều nghệ sĩ xiếc ở Liên đoàn xiếc Việt Nam, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (TP.HCM) xuất thân từ ngôi trường này.
Anh Tuấn Giang chia sẻ trường có sân khấu thể nghiệm để giảng viên và sinh viên trường vừa học vừa biểu diễn.
Nơi đó không chỉ là môi trường thực hành đầu tiên mà còn là chỗ để thầy trò sáng tạo nên những tiết mục mới.
Tháng 9-2023, chương trình xiếc Việt - Lào do sinh viên Việt Nam và Lào (đang theo học tại trường) biểu diễn cũng đã được thực hiện tại Nhà hát Hòa Bình.
Anh Tuấn Giang tâm sự việc lưu diễn, đặc biệt là ở môi trường đông đảo khán giả như TP.HCM là cơ hội tốt để thầy trò, mà cụ thể là các sinh viên được cọ xát để trưởng thành hơn.
Màu sắc xiếc phương Bắc
Mùa Tết là mùa không khí biểu diễn ở phương Nam, đặc biệt ở TP.HCM cực kỳ sôi động. Rất nhiều đơn vị tham gia phục vụ khán giả từ kịch nói đến cải lương, ca nhạc…
Riêng xiếc thì có đến ba đơn vị biểu diễn liên tục trong mùa Tết. Vì vậy, chương trình xiếc xuân tại Nhà hát Hòa Bình ắt hẳn bị so sánh.
Tuy nhiên, chương trình ít nhiều tạo cảm tình bởi đem đến cho khán giả phương Nam màu sắc của xiếc đất Bắc.
Trong đó, xiếc tung hứng trên chân với những chiếc trống khiến khán giả thích thú không phải vì kỹ thuật quá xuất sắc mà bởi màu sắc Bắc Bộ đáng yêu. Dàn diễn viên thì trẻ măng hiện đang theo học năm thứ 3 ở trường.
Ngoài trò khéo trên chân còn có tiết mục nhảy dây tập thể khá lạ. Các diễn viên không chỉ nhảy ở nhiều dạng dây dài, ngắn mà còn dùng... người làm dây để nhảy.
Đó còn là màn tạo hình đứng tay mạo hiểm trên độ cao đến 7m, khiến khán giả liên tục hồi hộp cho nghệ sĩ.
Tiết mục thăng bằng trên dây thép chùng cũng khá mới mẻ với khán giả TP. Nhìn diễn viên tập trung cao độ trong những động tác khó khiến mồ hôi ướt đẫm mới thấy lao động xiếc vất vả như thế nào.
Ngoài ra, còn có tạo hình đu dây nam nữ, tạo hình trên đôi giày trượt, nhào lộn bật cầu và các tiết mục xiếc thú như chó, mèo, khỉ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận