08/03/2024 16:59 GMT+7

Ngành công nghệ thông tin đã hết thời, không nên chọn?

Nhiều thí sinh, phụ huynh đang băn khoăn trước thông tin ‘ngành công nghệ thông tin đã hết thời, nhu cầu nhân lực không còn’. Các chuyên gia tuyển sinh nói gì?

Trong các buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, ThS Phùng Quán luôn nhận được nhiều thắc mắc của học sinh liên quan đến nhóm ngành công nghệ thông tin - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trong các buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, ThS Phùng Quán luôn nhận được nhiều thắc mắc của học sinh liên quan đến nhóm ngành công nghệ thông tin - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nhiều thí sinh và phụ huynh lo ngại "cơn khát" công nghệ thông tin đang sắp qua đi, điều này sẽ khiến thị trường nguồn nhân lực ngành này bị bão hòa.

Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin đang bão hòa?

Một học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: "Em thích công nghệ thông tin nên đã tìm hiểu thông tin về việc làm nhưng khá e ngại vì hiện quá nhiều trường đại học đào tạo ngành này với chỉ tiêu rất nhiều. Liệu nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin có đang bão hòa và em có nên chọn ngành học này?".

Ông Đỗ Tấn Lực (phụ huynh ở Đà Nẵng) cũng cho hay con trai ông năm nay thi đại học và đang có định hướng học công nghệ thông tin vì nghĩ rằng học ngành này dễ xin việc, nhất là lập trình.

"Nhưng tôi thấy với sự phát triển của AI, hiện tại GitHub đang ra con bot tự động code rồi liệu đến 2030 công việc ngành này có giảm không. Liệu nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin có bão hòa?", ông Lực băn khoăn.

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay công nghệ thông tin hiện là một trong những ngành được chú trọng trong hệ thống đào tạo ở nhiều trường đại học có đào tạo ngành học này.

Nó được xem là ngành đào tạo mũi nhọn hướng đến sự phát triển của công nghệ và khoa học kỹ thuật trong thời đại số hóa ngày nay.

Thực tế, nhu cầu nhân sự ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam không hề giảm và còn có xu hướng tăng, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Các nhân sự có năng lực đang dần khẳng định được vị trí của mình và đặt ra những tiêu chuẩn chung cho toàn ngành. 

Xu hướng dịch chuyển của ngành cũng đòi hỏi nhân sự ở những lĩnh vực mới như khoa học dữ liệu (data science), dữ liệu lớn (big data), hay Internet vạn vật (IoT).

"Có thể thấy, lĩnh vực công nghệ thông tin là hạ tầng của mọi hạ tầng, theo đó các khối ngành nghề kinh tế - xã hội khác đều phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Khối ngành này cũng đang rất khát nhân lực, mỗi năm thiếu hàng chục ngàn nhân lực chất lượng cao. Với sức đào tạo của các trường như hiện nay chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động", ông Khang cho biết.

Công nghệ thông tin vẫn rất quan trọng

GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM - cho biết hầu hết học sinh, phụ huynh đều muốn chọn ngành phù hợp với nhu cầu của xã hội để có cơ hội việc làm rộng mở.

"Hiện nay, xu hướng kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán kinh tế truyền thống. Do vậy lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn rất quan trọng trong xu hướng đào tạo hiện nay có tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và đa lĩnh vực ở các trường đại học", ông Bảo nhấn mạnh.

ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, thông tin thêm: "Trong khối ngành liên quan đến kinh tế kinh doanh, đang nổi lên ngành lớn là marketing số. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp đều phải hiểu về kinh doanh số, sự xuất hiện trên các nền tảng về mạng xã hội, Google, trên Internet, và sự xuất hiện của bản thân doanh nghiệp phải làm sao giới thiệu được sản phẩm tới khách hàng".

Theo ThS Phùng Quán - Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), gần đây những thông tin về ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng, nhiều trường đại học mở ngành học này nên không ít người lo ngại ngành công nghệ thông tin đã "hết thời".

Tuy nhiên, thống kê cho thấy chuyên ngành phát triển mạnh nhất và có nhu cầu nguồn lực lớn nhất của ngành công nghệ Việt Nam vẫn là ngành phần mềm để nhắm vào các thị trường nước ngoài.

"Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong ít nhất là 10 năm nữa. Thực tế cũng cho thấy công nghiệp phần mềm là ngành tăng trưởng nhanh nhất trong 20 năm qua. Nó vẫn là ngành công nghiệp trẻ nhất so với các ngành công nghiệp khác.

Tại trường chúng tôi, nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin nhiều năm qua vẫn có điểm trúng tuyển cao nhất và dự kiến năm nay cũng như vậy", ông Quán nói.

Chọn học công nghệ thông tin lưu ý ngoại ngữ

Cũng theo ông Phùng Quán, tổng chỉ tiêu nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin của Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm nay dự kiến hơn 1.200, trong đó chương trình đại trà 450 sinh viên; chương trình đào tạo chuẩn quốc tế 450 sinh viên; chương trình tiên tiến (ngành khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo)…

"Nhóm ngành này điểm chuẩn luôn khá nên thí sinh có thể cân nhắc chọn những ngành gần liên quan đến công nghệ thông tin: khoa học dữ liệu, điện tử - viễn thông, toán ứng dụng và toán tin, công nghệ vật lý điện tử và tin học…

Để theo học nhóm ngành công nghệ thông tin, các bạn phải có khả năng tư duy tốt, giỏi ngoại ngữ. Thực tế nhiều bạn trúng tuyển, đặc biệt học sinh các tỉnh điểm rất cao, nhưng khi vào học khả năng ngoại ngữ không tốt, trong khi phải học tài liệu bằng tiếng Anh dẫn đến việc bị đuối sức vào năm thứ 2, 3. Do vậy, các bạn muốn theo học công nghệ thông tin phải chú ý đến việc này", ông Quán lưu ý.

Sinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin có cơ hội học ở nước ngoài miễn phíSinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin có cơ hội học ở nước ngoài miễn phí

Sinh viên ngành hệ thống thông tin của Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) có cơ hội học tập ở nước ngoài, không phải đóng học phí.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên