Trước mỗi mùa xét tuyển đại học - cao đẳng, phụ huynh thường là người tư vấn, định hướng, gỡ rối cho con. Tuy nhiên, thực tế nhiều mùa tuyển sinh gần đây cho thấy chính cha mẹ cũng cần được gỡ rối để đồng hành với con một cách "êm ấm", hiệu quả.
Cha mẹ muốn nghề kinh doanh, con chọn âm nhạc
Ông Nguyễn Mạnh Cường, ngụ thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang), cho biết mấy ngày nay ông không ngủ được vì con không nghe theo lời chọn ngành học. Ông kể nhà đang có công ty kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ. Ông chỉ có một đứa con trai đang học lớp 12 nên rất muốn con học ngành quản trị kinh doanh, hoặc ít nhất là kế toán, thuế, logistics, xuất nhập khẩu... để phát triển sự nghiệp gia đình.
Tuy nhiên, con ông lại thích theo hướng không hề liên quan là... sản xuất âm nhạc vì "con thích ca hát, muốn sáng tác nhạc và đảm nhận các show nhạc cho ca sĩ".
"Tôi nói cháu theo ngành nghệ thuật sẽ bấp bênh, trong khi ở nhà đã có sẵn cơ nghiệp, cháu chỉ cần học là có thể tiếp quản. Nhưng cháu nhất quyết không chịu", ông Cường nói.
Chị Trần Thị Ngọc Minh, ngụ Q.5 (TP.HCM), lại "mất ngủ" theo kiểu khác. Con chị quyết tâm "chắc như đinh đóng cột" sẽ học sư phạm lịch sử. Chị tâm sự lúc đầu chị hứa với đứa con đang học lớp 12 là con thích gì, cha mẹ cũng ủng hộ. Nhưng khi nghe con nói sẽ học sư phạm lịch sử, chị bắt đầu lung lay.
"Nói thẳng ra là tôi sợ con nghèo. Tôi thấy làm giáo viên, mà lại là giáo viên lịch sử, đâu kiếm được bao nhiêu tiền. Trong khi đó với sức học của con, tôi nghĩ sẽ đậu vào được những ngành "ngon" hơn. Tôi chưa biết thế nào. Về lý thuyết thì vẫn muốn con đi theo đam mê, nhưng về thực tế thì rõ ràng cái đầu tôi đang bảo khác", chị Ngọc Minh nói.
Ông Nguyễn Phúc Viễn, hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết bộ phận hướng nghiệp của nhà trường nhiều lúc cũng nhận được những lời tâm sự của học sinh, cho biết các em và gia đình đang mâu thuẫn về chọn ngành chọn nghề. Ngay cả phụ huynh cũng đích thân tìm đến thầy cô để mong thầy cô có thể tác động cho con thay đổi suy nghĩ.
Chẳng hạn mới năm ngoái có trường hợp phụ huynh đang làm công chức nhà nước muốn cho con học ngành kinh doanh, còn con lại muốn học một ngành liên quan đến thể thao. Ông Viễn cho biết mình phải là người đứng giữa phân tích mặt mạnh, mặt thiệt cho hai bên trên nguyên tắc lắng nghe và thấu hiểu.
Nhiều ngành nghề mới phụ huynh không biết
Ông Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho biết nhiều bất đồng giữa phụ huynh và học sinh khi hướng nghiệp xuất phát từ việc phụ huynh đang có nhiều định kiến hoặc chưa hiểu hết các ngành học mà con đang muốn theo đuổi.
Nhiều phụ huynh thường nhìn một ngành học dựa vào những trải nghiệm của họ thời còn đi học hoặc từ trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, các ngành nghề hiện nay đã phát triển rất đa dạng và phụ huynh không nên chủ quan rằng mình đã biết hết.
Ông Quốc Anh ví dụ trong nhiều lần trực tiếp đi tư vấn tuyển sinh, ông thấy phần nhiều cha mẹ vẫn quan tâm đến những ngành nghề "truyền thống" như kế toán, tài chính. Nhưng các thí sinh gen Z lại chuộng các ngành mới về design (thiết kế), media (truyền thông); có bạn chỉ muốn đi làm YouTuber... Phụ huynh lại không hình dung được ngành nghề này sẽ làm gì, có phụ huynh nghĩ học media chỉ là đi chụp hình dạo.
Chưa kể, theo ông, tiêu chí chọn ngành chọn trường của thế hệ gen Z cũng có nhiều sự thay đổi. Chẳng hạn, bên cạnh nhóm thí sinh thích ngành hot lại có bạn thích một ngành chỉ vì ngành ấy học vui, học thoải mái.
Hoặc chọn một trường đại học để học, bên cạnh nhóm thích học trường danh tiếng, lại có bạn thích một trường chỉ vì môi trường trẻ trung, phù hợp, ít gò bó. Đôi khi phụ huynh sẽ cảm thấy khó hiểu trước những lý lẽ của con.
GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết những năm gần đây khi tham gia những ngày hội tư vấn tuyển sinh - xét tuyển, ông thấy ngày càng có nhiều phụ huynh tham gia.
Tại khu vực tư vấn, số lượng phụ huynh đặt câu hỏi còn nhiều hơn cả thí sinh, nhiều câu hỏi vô cùng sâu sắc và thú vị. Phụ huynh quan tâm từ phương thức xét tuyển, quy trình xét tuyển của các trường, quy định tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến cả chương trình học, xu hướng mới ngành học và cơ hội nghề nghiệp...
Ông Bảo cho rằng một lý do có thể là do cơ hội vào đại học hiện đã rất rộng mở với nhiều trường, nhiều ngành, nhiều phương thức... Dù một mặt sẽ cho thí sinh nhiều lựa chọn, nhưng mặt khác tạo ra một sự phức tạp nhất định.
Chưa kể hiện cũng có nhiều clip tư vấn hướng nghiệp trên YouTube, TikTok khiến không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng rối không biết kênh tham khảo nào là đúng.
Định hướng, tư vấn thay vì quyết định
Theo GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, phụ huynh nên là người đưa ra được nhiều lời khuyên, góc nhìn khi hướng nghiệp cho con hơn là người quyết định. Một lựa chọn ngành học thường nằm ở giao điểm của nhiều yếu tố gồm năng lực, sở thích; hoàn cảnh gia đình; điều kiện kinh tế và các cơ sở đào tạo. Theo ông, nếu muốn đồng hành, phụ huynh nên cung cấp cho con nhiều dữ liệu tương ứng với các yếu tố trên, nhưng cuối cùng người quyết định vẫn sẽ là thí sinh.
Chương trình đặc biệt dành cho phụ huynh
Sáng chủ nhật (21-4), báo Tuổi Trẻ tiếp tục phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức chương trình tư vấn đặc biệt "Cùng con chọn trường" dành riêng cho các bậc phụ huynh. Chương trình sẽ diễn ra tại Đại học Kinh tế TP.HCM (cơ sở B, 279 Nguyễn Tri Phương, phường 5, quận 10, TP.HCM) với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup.
Trong chương trình, đại diện Vụ Giáo dục đại học và chuyên gia đến từ các trường đại học công lập và tư thục sẽ giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh về chọn nghề, chọn ngành, chọn trường cho con trong mùa thi và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay.
Chương trình cũng sẽ được tường thuật đồng thời trên tuoitre.vn và phát trực tiếp tại YouTube báo Tuổi Trẻ để phụ huynh ở xa có thể theo dõi.
Chương trình bắt đầu lúc 8h30 chủ nhật (21-4), mở cửa miễn phí. Mời quý phụ huynh và học sinh tham dự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận