Tuyển sinh 6 phương thức xét tuyển, tăng 10% chỉ tiêu
Ngày 25-1, hội đồng tuyển sinh Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa công bố về việc tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024 với dự kiến tăng 10% chỉ tiêu so với năm ngoái lên hơn 3.900 sinh viên.
Năm nay nhà trường giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển, gồm:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh đại học chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả của chương trình đào tạo THPT quốc tế, áp dụng cho thí sinh người Việt Nam học trường nước ngoài tại Việt Nam hay tại nước ngoài.
Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập bậc THPT áp dụng cho thí sinh người Việt Nam.
Mở ngành thiết kế vi mạch và khoa học công nghệ bán dẫn
Theo ThS Hoàng Thanh Tú - phó trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch - bán dẫn tại Việt Nam và thế giới, năm 2024 trường dự kiến mở mới hai ngành thiết kế vi mạch và khoa học công nghệ bán dẫn.
"Trên nền tảng cơ sở vật chất và nguồn lực có sẵn, nhà trường đã xây dựng đề án đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại, tăng cường đội ngũ chuyên gia và đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp.
Ngoài ra, trường tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo đại học có tăng cường tiếng Anh nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập và đạt chuẩn kiểm định quốc tế", bà Tú cho biết thêm.
Duy trì gói học bổng 2 tỉ đồng cho trúng tuyển năm 2024
Bên cạnh đó, năm nay nhà trường tiếp tục duy trì gói học bổng 2 tỉ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần (100% học phí và học bổng bán phần 50% cho năm học đầu tiên) cho các thí sinh trúng tuyển năm 2024 với thành tích cao vào 7 ngành/nhóm ngành.
Đây là các ngành hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực phục vụ một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia đến năm 2030.
Cụ thể, 7 ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, gồm: nhóm ngành vật lý học; hải dương học; kỹ thuật hạt nhân; địa chất học; kỹ thuật địa chất; khoa học môi trường; công nghệ kỹ thuật môi trường.
Theo ThS Phùng Quán - chuyên gia tuyển sinh nhà trường, những ngành học trên có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ít nên tỉ lệ cạnh tranh thấp, nhưng lĩnh vực làm việc khá rộng và đáp ứng được nhiều nhu cầu xã hội.
Trong nhiều năm qua, các sinh viên tốt nghiệp những ngành này có cơ hội nhận học bổng sau đại học tại các quốc gia phát triển trên thế giới, ngoài ra có thể tham gia thị trường lao động đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao tại các khu vực làm việc: cơ sở nghiên cứu về môi trường, hải dương, khí tượng thủy văn; các sở tài nguyên và môi trường, sở khoa học và công nghệ tại các địa phương; các tổ chức phi chính phủ, dự án quốc tế hướng đến các mục phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và Việt Nam.
Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp các ngành trên cũng có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đánh giá tác động môi trường, khai thác và quản lý bền vững tài nguyên, khoáng sản; các tổ chức, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước bậc đại học và sau đại học hoặc các bậc phổ thông thông qua giáo dục lĩnh vực STEM…
ThS Hoàng Thanh Tú cho biết thêm: "Ngoài những chính sách trên, nhà trường còn kết nối với doanh nghiệp và cộng đồng cựu sinh viên để hỗ trợ học bổng khuyến học dành cho các sinh viên tài năng và các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo cam kết của nhà trường, đó là không để sinh viên vì điều kiện khó khăn về kinh tế mà ngừng học".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận