07/08/2012 07:30 GMT+7

Ngăn chặn từ đầu quy hoạch "treo"

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Quyết định của UBND tỉnh Long An, hủy bỏ quy hoạch xây dựng sân golf và để đất lại cho dân trồng lúa, nhận được sự đồng tình của không chỉ những người nông dân đang sinh sống ở vùng quy hoạch mà cả dư luận.

vW356TsV.jpgPhóng to
Bà Sáu Ban (ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An) có 9 sào đất nằm trong quy hoạch đã được trả lại - Ảnh: HỮU TUẤN

Vậy là sau một thời gian vừa khổ sở trong chiếc khung quy hoạch gò bó với vô số điều cấm đoán nghiệt ngã, vừa bất an về tương lai mờ mịt, mọi thứ nay trở lại như ngày xưa. Phải là người trong cuộc hoặc đã từng nếm trải cuộc sống dưới lưỡi hái quy hoạch “treo” mới cảm nhận được đầy đủ niềm vui của người dân.

Cần rút kinh nghiệm từ trường hợp cụ thể của Long An, để xây dựng giải pháp khả thi đối với bài toán xử lý vấn nạn quy hoạch “treo” đang làm khổ người dân ở nhiều nơi. Thật ra ai cũng thấy, cũng hiểu quy hoạch “treo” là điều vô lý. Được thông qua nhưng lại không được thực hiện đúng tiến độ, thậm chí không bao giờ được thực hiện, nó làm tê liệt cuộc sống của một bộ phận dân cư. Thiệt hại gây ra không chỉ đối với người dân mà còn đối với cả nền kinh tế. Lòng tin của người dân đối với chính quyền cũng do đó bị giảm sút.

Về lâu dài, cần ngăn chặn ngay từ đầu khả năng hình thành quy hoạch “treo”. Quan trọng nhất, không phải là nắm chắc thông tin về năng lực tài chính của nhà đầu tư, mà là phải làm thế nào để dự án quy hoạch được sự ủng hộ của người dân. Muốn có được điều đó, trước hết quá trình xây dựng quy hoạch phải diễn ra trong không gian mở với những điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của người dân, một cách trực tiếp hoặc ít nhất là gián tiếp thông qua vai trò của đại biểu dân cử.

Điều quan trọng nữa là cho đến ngày quy hoạch được chính thức triển khai, nhà chức trách phải thừa nhận cho người dân có quyền thụ hưởng trọn vẹn khung cảnh của chính sách đang được thực thi mà không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, đặc biệt là những hạn chế mang tính chất chuẩn bị, đón đầu cho sự ra đời của chính sách, quyết định mới. Người dân trong vùng đất liên quan phải được phép xây dựng, cải tạo nhà cửa, mua bán bất động sản trong những điều kiện hiện hữu về chính sách, luật pháp... Có như vậy, người dân mới không cảm thấy bị sốc và sẵn lòng ngồi lại thương thảo trong tâm trạng thoải mái khi được yêu cầu hợp tác thực hiện quy hoạch.

Hãy làm như Long An

Các ý kiến phản hồi bài “Trả đất cho dân trồng lúa” (Tuổi Trẻ ngày 6-8) đã hoan nghênh quyết định của UBND tỉnh Long An, đồng thời nêu nhiều quy hoạch “treo” tương tự với mong muốn chính quyền các nơi cũng xử lý để trả đất cho dân.

Quyết định vì người dân

Việc quy hoạch treo và để đó là vấn đề bức xúc cho người dân nói chung và bà con nông dân nói riêng. UBND tỉnh Long An đã có một quyết định sáng suốt. Hãy vì cuộc sống của người dân chứ đừng vì mấy cái dự án ảo, vì ông bà xưa từng nói “tấc đất tấc vàng”.

Mười năm bỏ hoang đất

Tôi sống ở làng quê Hà Nội gần 20 năm. Những vuông đất ở đây trước năm 2000 là những cánh đồng lúa hai mùa trĩu hạt nhưng hơn mười năm qua đã bị thu hồi cấp cho các doanh nghiệp và để hoang phế. Gần đây, họ quây rào và biến những cánh đồng xưa kia thành nơi trông giữ xe, thành nhà kho, bến bãi... Thiết nghĩ hơn mười năm cũng là khoảng thời gian để kết luận các chủ dự án đã không hoàn thành mục đích, chính quyền nên thu hồi để trả đất lại cho cây lúa.

Làm theo Long An

Quê tôi ở một tỉnh miền Trung, đất nông nghiệp đã ít, nhưng những “bờ xôi ruộng mật” đang bị quy hoạch khu dân cư không người ở. Có con đường với bốn làn xe, dải phân cách chính giữa, lề đường lót gạch, cây xanh bóng mát, cây cảnh đầy đủ, hệ thống đèn chiếu sáng hoàn chỉnh nhưng chưa bao giờ được sử dụng vì không ai có nhu cầu đi lại trên con đường này. Vậy mà người ta đang tiếp tục đổ đất trên những thửa ruộng để quy hoạch phân lô, rồi sẽ bỏ hoang tiếp vì nhu cầu của người dân địa phương không có nhưng đất ruộng thì đã mất. Mong chính quyền hãy làm như tỉnh Long An.

Đừng quy hoạch rồi bỏ hoang

Địa phương nào cũng làm được như tỉnh Long An thì tốt rồi, nhưng tốt nhất là các cấp chính quyền cần sáng suốt hơn nữa trong việc sử dụng đất nông nghiệp cho các dự án. Đừng để quy hoạch xong rồi để hoang, gây thiệt hại cho người dân, lãng phí đất đai và là mầm mống của nhiều tiêu cực khác.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên