02/02/2022 17:35 GMT+7

Nếp nhà vẫn vậy, Tết vẫn sum vầy nhưng giờ con cháu mỗi đứa mỗi nơi...

LINH CHI
LINH CHI

TTO - Với đứa trẻ con phố thị như tôi, kỷ niệm đoàn viên ngày Tết, khi gặp các chị em là tuyệt vời nhất, ấm áp hơn rất nhiều so với việc quẩn quanh trong nhà và tự chơi một mình, khi bố mẹ đi làm, mà chẳng có ông bà ở bên.

Nếp nhà vẫn vậy, Tết vẫn sum vầy nhưng giờ con cháu mỗi đứa mỗi nơi... - Ảnh 1.

Nhà tôi gói bánh chưng

Và hương vị Tết đáng nhớ nhất chính là khi đại gia đình rậm rịch gói bánh chưng, rồi các chị em nhận chân canh nồi bánh. 

Cả đám huyên thuyên chuyện trên trời dưới đất, chơi đủ trò, rồi ngủ lăn lóc, mặc người lớn canh gác, trong tiếng lục bục của nồi bánh, thỉnh thoảng có tiếng tách tách của củi, hòa vào mùi muội than, khói bếp, và hương bánh chưng nóng hổi.

Thời gian trôi qua kẽ tay, mới đó mà kỷ niệm ấu thơ đếm dần từ năm, đến chục năm, rồi gần hai mươi năm. 

Đã có lúc tôi thấy quê mình thật nghèo nàn, nhưng càng trưởng thành, lại thấy may mắn quá, vì có quê hương để trở về và gắn kết. Sự nghèo nàn ấy cho tôi những trải nghiệm quý giá mà những tòa chung cư cao ngất của đô thị chật trội, ồn ào và tách biệt không thể có.

Về sau tôi biết tục lệ gói bánh chưng vì lũ trẻ con chúng tôi mà ông bà giữ lại, chứ người quê dần ít ăn, ít làm vì cần thì mua sẵn. Còn lũ trẻ con dịp Tết, kỳ thực mà nói cũng không quá ngóng chờ bánh chưng, quá nhiều món ăn vặt hấp dẫn, thành ra bánh chưng nhiều ê hề. 

Nếp nhà vẫn vậy, Tết vẫn sum vầy nhưng giờ con cháu mỗi đứa mỗi nơi... - Ảnh 2.

Bếp lửa ngày Tết khi nào cũng ấm

Nhưng với vài ngày Tết ít ỏi, nhờ cái cớ gói và trông nồi bánh chưng mà tạo nên bao kỷ niệm đoàn viên. 

Bởi vậy, từ đó, kỷ niệm và hương vị tình thân hằn sâu trong tâm trí mà có lẽ cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay cũng không thể quên được. Nhất là qua nhiều năm đón Tết xa quê, đứa con xa càng nôn nao nhung nhớ.

Từ sáng, mọi người đã tập kết nguyên liệu ở sân. Nào lá dong, nước lá nghệ để ngâm gạo nếp cho xanh, đỗ xanh bóc vỏ ngâm cùng chút muối, rồi ba chỉ béo ngập xớ trắng xớ hồng, dây lạt, hành khô, ít tiêu cay nồng… 

Về sau, mọi người còn biến tấu cho thêm gấc vào bánh chưng, còn việc cho đường vào nhân thì tuyệt nhiên không ai trong nhà thích nên không làm theo biến tấu đó. Sau bữa ăn trưa, mọi người xúm vào chuẩn bị gói bánh, người hấp đỗ xanh, người thái thịt, người bóc thái hành khô để cho vào bánh (quê tôi cho hành vào bánh chưng)…

Nếp nhà vẫn vậy, Tết vẫn sum vầy nhưng giờ con cháu mỗi đứa mỗi nơi... - Ảnh 3.

Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy

Trẻ con được chia việc rửa và lau lá dong vì có "tay nghề" trong việc rửa bát sau mỗi bữa cỗ. Làm thì nói chuyện trên trời dưới đất, cười đùa nên khi người lớn xong lâu rồi mà trẻ con vẫn chưa xong. Chuẩn bị xong, người lớn gói bánh to, còn trẻ con xun xoe tập gói bánh bé.

Người lớn hướng dẫn và làm mẫu: một bát nhỏ gạo nếp, một viên đỗ xanh đã được vo tròn sẵn, rồi đến một lớp thịt ba chỉ, ít hành khô, thêm một lớp đỗ xanh, một lớp gạo nếp. Ấy thế mà lũ trẻ lúc quên miếng thịt, lúc quên nắm đỗ, lúc thừa gạo lòi cả bánh ra… rõ buồn cười. 

Chị tôi còn ví von việc gói bánh như "gói ghém Tết", gói cả ý nghĩa cuộc đời. Lớp gạo lớp đỗ như cha mẹ chở che con cái, là miếng thịt ba chỉ, còn lá dong là căn nhà, lạt là trụ nhà, nồi nước luộc bánh là "sức nóng" cuộc đời, trải qua hết, lúc đó gia đình càng vững chắc, quý giá… 

Có vẻ rất sâu sắc, vậy mà lũ chúng tôi cứ cười rũ rượi, chẳng hiểu gì. Làm được một lúc cả lũ lại rủ nhau đi chơi mất tăm mất tích, kệ người lớn cọ nồi, xếp bánh, nổi lửa.

Nếp nhà vẫn vậy, Tết vẫn sum vầy nhưng giờ con cháu mỗi đứa mỗi nơi... - Ảnh 4.

Nổi lửa nấu bánh chưng ở nông thôn

Cánh đồng bao la xa tít đường chân trời, nhà ở quê thì thưa thớt, gió biển lồng lộng. Hàng cau cao vút là nơi những con mèo trổ tài trèo cây, mài móng vuốt. Ao trước nhà thì đầy tôm, cá. Chỗ nước nông, chú còn thả bè bên dưới để hái mướp và cho chúng tôi chơi. 

Mảnh vườn nhỏ quanh ao thì mùa nào thức nấy, luôn xanh tươi. Mùa đông, vườn càng đẹp hơn, với những cành đào thế được ông uốn mềm mại, búp lá xanh, hoa phớt hồng rung rinh trong gió, cây quất cũng đơm hoa kết quả. 

Luống hoa cúc, thược dược của bà cũng nở rộ khoe sắc, nào vàng, nào hồng, nào tím… Khu vườn tỏa hương sắc mê đắm cùng đất trời cao xanh, làm lòng người hứng khởi.

Hương của đất ải, của cánh đồng quanh nhà sắp vào mùa gieo mạ vừa ngai ngái, vừa dìu dịu mát lành. Hương của cỏ dại ven đường. Hương của bong bóng xà phòng mà mấy đứa tru môi phồng má thổi phì phì. Hương của tóc cháy khi có đứa nghịch dại xõa tóc thổi lửa. 

Hương của những sợi miến, bánh đa nướng trong lúc trông bếp giòn tanh tách, cả lũ tranh nhau ăn, vừa tỏm tẻm đã hết. Hương vị của mâm cỗ giao thừa giản đơn, là xôi gấc với gà luộc, đĩa giò, đĩa dưa muối vàng ruộm, với bát miến gà mà mấy đứa thi nhau xì xụp.

Hương bánh chưng và trầm hương trên bàn thờ gia tiên là đọng lại sâu và thân quen nhất trong mấy ngày Tết. Những chiếc bánh chưng vuông vức nhất sau khi ép xong được mang đi thắp hương tiên tổ.

Sau chục tiếng luộc bánh thì công đoạn rửa bánh sau khi luộc và ép cho bánh ráo nước thêm hai, ba tiếng nữa, sau đó bánh sẽ giữ được đến hết Tết, nhưng thích nhất là cấp đông thì có thể ăn bánh chưng cả năm. Trẻ con hay thích bánh chưng rán giòn lên. 

Ngày thường bố mẹ ép tôi ăn, còn về quê, đông con nhiều cháu, tôi lại tự giác thi ăn với các chị nên bố mẹ mừng ra mặt. Kết quả là sau Tết tôi béo núc ních, má phúng phính. Mọi người trêu "mặt bánh bao", còn tôi cãi là "bánh chưng", vì ăn nhiều bánh chưng. Thế là tôi có biệt danh "bánh chưng".

Nếp nhà vẫn vậy, Tết vẫn sum vầy nhưng giờ con cháu mỗi đứa mỗi nơi... - Ảnh 5.

Gia đình khi còn sum vầy

Tuổi thơ vô tư lự vui quá đỗi nhưng cũng xa quá đỗi. Nội cũng đã đi xa. Nếp nhà vẫn vậy, Tết vẫn sum vầy, nhưng các cháu giờ mỗi đứa một nơi, kẻ Nam người Bắc, đứa ở tận bên kia bán cầu, cùng nhau gọi điện chúc Tết, chụp ảnh báo tin cho gia đình. 

Ba ngày Tết giờ ngắn lại, mùng một các hàng quán đã mở cửa, đường sá đã nhộn nhịp, và mùng ba thì hầu như người ta đã rời quê để chuẩn bị đi làm lại.

Miên man càng nhớ ngày xưa.

Hương vị bánh chưng hiện đại cũng khác xưa, hoặc vẫn thế, nhưng chính ta khó chấp nhận thực tại, chỉ chọn níu giữ ký ức, hương vị trong tinh thần. Những người xưa giờ cũng gánh bao bộn bề, đi muôn nơi, câu chuyện hàn huyên giờ cũng ngắn lại. 

Ôi, nhớ sao là nhớ...

Nếp nhà vẫn vậy, Tết vẫn sum vầy nhưng giờ con cháu mỗi đứa mỗi nơi... - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tết ngày xưa, ngôi nhà nào cũng thành Tết ngày xưa, ngôi nhà nào cũng thành 'lâu đài nho nhỏ'

TTO - Nhà văn Sơn Nam đã viết: "Ăn Tết mình phải về quê. Ở quê mới có cái không khí Tết dân tộc. Xưa nay đều vậy cả". Đúng như thế! Tết quê, nhà dù nghèo hay giàu cũng đều sơn phết lại. Vườn tược, sân trước sân sau cũng sửa sang sạch đẹp.

LINH CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên