29/06/2018 16:57 GMT+7

Nên fair play với Nhật Bản

HÀ QUANG MINH
HÀ QUANG MINH

TTO - Nhật Bản đã là đội bóng đầu tiên bước vào vòng 16 đội của một kỳ World Cup nhờ vào chỉ số phụ khá kỳ lạ là fair play.

Nên fair play với Nhật Bản - Ảnh 1.

Các cầu thủ Nhật Bản đã nỗ lực đến tấn cùng để có được chiếc vé vào vong hai tại World Cup 2018.

Và khi họ trở thành đội bóng AFC duy nhất còn sót lại ở World Cup 2018, thay vì những ngợi khen, họ lại đang bị nhận về những chỉ trích chỉ vì cách chơi của họ trước Ba Lan.

 Những chỉ trích ấy đậm màu hơn khi chỉ trước đó 1 đêm, Hàn Quốc ngẩng cao đầu rời giải bằng cú giật đứt xích xe tăng ở những phút cuối cùng của trận đấu mà ngoài ý nghĩa danh dự, Hàn Quốc chẳng còn mục tiêu gì.

Người Nhật xưa nay trọng tinh thần samurai, tinh thần của những chiến binh không bao giờ chấp nhận quy hàng. 

Nếu như những chiến binh quốc gia khác buộc phải chọn lựa giữa quy hàng, như là giải pháp cuối cùng của thế cuộc, thì người Nhật còn một chọn lựa khác. Chọn lựa cuối cùng của họ là harakiri (tuẫn tiết) bằng cái cách không ai không rợn người khi nghe đến phương pháp seppuku (mổ bụng).

Và nhiều khán giả hâm mộ Việt Nam nhìn vào tinh thần samurai kia để vội vã kết tội người Nhật đã hèn nhát khi không dám mạo hiểm vùng lên trước Ba Lan mà thay vào đó, chủ động chơi chậm và chắc, thậm chí rề rà câu giờ, khi biết ở trận đấu còn lại, Columbia đã có bàn thắng vào lưới Senegal.

Cái cách bỉ bai người Nhật chơi bóng không thể thoát ra khỏi cái vòng của tiêu chuẩn kép.

Vâng, nếu đó chẳng phải Nhật, mà là ĐTQG Việt Nam thì sao? Có lẽ, sau trận cầu, chẳng ai buồn chê bai sự chậm và chắc kia nữa mà thay vào đó, sẽ là một Việt Nam địa chấn thâu đêm suốt sáng để ăn mừng.

Chúng ta mang tinh thần samurai áp lên đội tuyển Nhật nhưng thực ra chúng ta hiểu gì về tinh thần samurai đích thực? Samurai không chỉ là những chiến binh đơn thuần mà họ là những chiến binh có học thức. Và đã là chiến binh có học thức, rút kiếm ra không phải lúc nào cũng là giải pháp hành động.

Hơn nữa, tại sao chúng ta không nhận ra rằng các cầu thủ Nhật Bản trên sân chơi World Cup chẳng phải là samurai và khi chúng ta áp đặt họ phải hành động như samurai, phải chăng chúng ta đang hơi quá đà?

Một đội bóng có trí thông minh bao giờ cũng đạt kết quả hơn một đội bóng chỉ có sức mạnh hùng hục. Người Nhật tham gia World Cup lần này với nền tảng thể lực rất tốt nhưng họ thừa biết thể lực không giải quyết được gì ở đây cả. Họ đã đấu với Columbia, đã đấu với Senegal, và họ dư sức biết hai đối thủ ấy như thế nào.

Có thể nói, khi thấy Columbia có bàn thắng và dù Nhật đang bị dẫn bàn, HLV Nishino của Nhật là một người quá giỏi khi đánh giá tình huống? Dường như ông vững tin Senegal không thể có bàn gỡ và thực tế là Senegal đều chơi không hiệu quả ở hai trận đầu vòng bảng ở khoảng 10 phút cuối trận.

Vậy thì lúc ấy, nếu ta là HLV Nishino, ta sẽ chọn lựa gì?

Bóng đá cơ bản là hiệu quả và khi chưa thể có phương án khả thi để áp đặt đối thủ và ghi bàn, ta phải giữ mình để không thể thua thêm.

Ba Lan dẫu đã chính thức bị loại từ khi bóng còn chưa lăn ở lượt đấu thứ 3 nhưng họ cũng không phải là một loại đội bóng bù nhìn để Nhật muốn đá kiểu gì thì đá. Người Nhật đang thua, nhưng họ dám tin rằng nếu không để thua hơn nữa thì họ có nhiều khả năng đi tiếp.

Và niềm tin của họ đã đúng. Khi họ đúng, họ có kết qủa tốt, tốt hơn hết là hãy khen họ thông minh hơn hẳn chúng ta. Mà thực tế thì chứng minh rồi, xã hội Nhật như hôm nay cũng vì họ có những con người vượt trội chúng ta.

Tại sao chúng ta không trách những người Anh, vốn dĩ mang tinh thần hiệp sĩ, rằng không bùng lên mà cố kiếm chiến thắng trước Bỉ. Thay vào đó cứ giấu mình để vào nhánh knock-out nhẹ nhàng hơn? Bóng đá không chỉ đơn thuần là trình diễn, mà nó là toan tính.

Và toan tính của các HLV chẳng có nghĩa vụ phải "giải trí" cho một lực lượng khán giả khách quan ở một đất nước xa lắc xa lơ nào cả.

Cách đây đúng 2 năm, khi vụ Brexit nổ ra ầm ĩ, các thành viên nghị viện châu Âu đến từ Vương quốc Anh đã bị chỉ trích rất nặng nề trong phiên họp nghị viện châu Âu tại Bỉ. 

Lúc ấy, chính Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, ông Martin Schulz, đã khiến cả khán phòng im bặt lại bằng một câu nói "Thưa qúy vị, một trong những yếu tố cơ bản của dân chủ chính là qúy vị phải biết lắng nghe, ngay cả là lắng nghe những người mà các vị không cảm thấy mình có thể đồng quan điểm với họ".

Câu chuyện ấy vẫn còn sinh động lắm với những tranh cãi bóng đá của người Việt hôm nay. Chúng ta không đồng quan điểm với HLV Nishino của Nhật, chúng ta hãy tạm ngừng những nhận xét bỉ bai, những dè bỉu giễu nhại, những hạ thấp phẩm cách trước khi biết thực sự quan điểm bóng đá của ông là gì.

Và sự thật thì vẫn là sự thật. Nhật vào vòng 16 đội nhờ fair play. Mà fair play là một quá trình chứ không phải là 10 phút cuối của một trận cầu quyết định vận mệnh.

Vậy thì chúng ta hãy chậm lại đi, và hãy fair play với chính các cầu thủ Nhật, những người đang cho thấy họ có tinh thần ái quốc thế nào, khi họ dư sức ký hợp đồng với những hãng giày như Nike, Adidas nhưng thay vào đó, họ dùng đôi giày Mizuno của Nhật.

Bao giờ chúng ta bằng được 1 phần của họ? Trả lời xong câu đó rồi hẵng chỉ trích thì cũng đã đủ là người chơi đẹp với người Nhật rồi.

HÀ QUANG MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên