01/06/2019 09:48 GMT+7

Mỹ - Trung phủ bóng Shangri-La

NHẬT ĐĂNG (từ Singapore)
NHẬT ĐĂNG (từ Singapore)

TTO - Đối thoại Shangri-La năm nay hẳn sẽ chứng kiến căng thẳng Mỹ - Trung bao trùm chương trình nghị sự.

Mỹ - Trung phủ bóng Shangri-La - Ảnh 1.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trong phiên khai mạc đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 31-5 - Ảnh: AFP

Đối thoại Shangri-La 2019, diễn đàn cho những chiến lược an ninh và ngoại giao tầm cỡ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khai màn tối qua 31-5 tại Singapore, sau một ngày làm việc giữa quan chức và bộ trưởng quốc phòng các nước.

Đối thoại Shangri-La năm nay hẳn sẽ chứng kiến căng thẳng Mỹ - Trung bao trùm chương trình nghị sự. Khởi đầu bằng tranh chấp thương mại, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có chiều hướng xấu đi và lan sang từ công nghệ, chính trị đến ngoại giao.

Điểm nóng Mỹ - Trung

Năm 2018, đối thoại Shangri-La xoay quanh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Nhưng năm nay, Lầu Năm Góc khó lòng "độc diễn" khi Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc - tướng Ngụy Phượng Hòa sẽ tham dự và có bài phát biểu đáng chú ý vào ngày 2-6.

Sự có mặt của ông Ngụy gây chú ý vì đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Trung Quốc mới cử quan chức cấp cao nhất tới tham dự diễn đàn. Chi tiết này phản ánh tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Va chạm đã tăng lên giữa Trung Quốc với các nước còn lại, mà những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông là một ví dụ. Trung Quốc cần giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)" - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu.

Trên thực tế, giới chức quốc phòng Mỹ vẫn duy trì sức ép dư luận lớn lên Trung Quốc trước thềm đối thoại Shangri-La, khẳng định qua việc ông Shanahan hôm 31-5 nói thẳng Trung Quốc vẫn là mục tiêu ưu tiên trong chiến lược quốc phòng Mỹ. 

Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo Mỹ đừng "chơi với lửa" trong vấn đề Đài Loan. Bản thân ông Shanahan cũng công du 4 nước gồm Singapore, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc trong chuyến đi này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-5 tại khách sạn Shangri-La, nơi tổ chức diễn đàn, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, trụ sở Singapore) nhận định rằng Mỹ vẫn đặt trọng tâm xây dựng mối quan hệ với các đồng minh và đối tác trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Ông nói: "Chiến lược quốc phòng của Mỹ không hẳn chỉ dựa vào một cá nhân, mà phát triển kế thừa, dựa trên nền tảng căn bản lợi ích quốc gia. Nếu quan sát vấn đề này, chúng ta sẽ thấy chiến lược an ninh của Mỹ có sự nhất quán".

Chờ phản ứng của châu Á

Nếu Mỹ được nhận xét sẽ tiếp tục quảng bá chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bài phát biểu của Trung Quốc ngày 2-6 sẽ đóng vai trò then chốt cho bức tranh an ninh khu vực thời gian tới.

Hiện có hai khả năng được bàn đến nhiều nhất. Một là Trung Quốc sẽ tận dụng dịp này để phản biện Mỹ một cách gay gắt. Mối quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên căng thẳng, và khuynh hướng "dằn mặt", giữ thể diện quốc gia vốn dĩ đã được Bắc Kinh thể hiện ở lĩnh vực ngoại giao gần đây. Thứ hai, Trung Quốc cũng có thể giữ sự điềm tĩnh bằng những phát biểu mềm mỏng, kêu gọi hợp tác đa phương đúng như chính sách Vành đai - con đường (BRI) mà họ quảng bá lâu nay.

"Tôi cho rằng Trung Quốc ở vào thế phải gượng. Căng thẳng đã leo thang. Họ nhún nhường thì sẽ mất mặt, ảnh hưởng uy tín. Tuy nhiên chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng không muốn làm căng quá mức vì có thể họ chịu thiệt hại nhiều hơn. 

Vì vậy tôi cho rằng Trung Quốc sẽ có giọng điệu cứng rắn, tất nhiên không đi quá xa nhưng sẽ không khuất phục Mỹ. Tuy nhiên, kèm theo đó là thái độ khác khi thỏa hiệp cùng Mỹ, tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp" - ông Lê Hồng Hiệp nói.

Là nước lớn và có mối quan hệ kinh tế sâu rộng với các nước trong khu vực, thái độ của Trung Quốc vì vậy là tâm điểm chú ý cho quyết sách của các nước. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nói rằng nếu căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, sẽ có lúc các nước còn lại phải "chọn", bao gồm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình an ninh hàng hải (Mỹ), cho rằng không quốc gia nào của ASEAN muốn "chọn" Mỹ hay Trung. 

Thay vào đó, họ sẽ tập trung vào các động lực phát triển của những cường quốc, trong khi cố gắng tránh xa những xung đột nước lớn. "Điều quan trọng là tối đa hóa lợi ích của mình từ những xung đột ấy, tùy thuộc vào lợi ích quốc gia" - tiến sĩ Collin Koh nói.

Việt Nam đề xuất 3 nhân tố giải quyết tranh chấp

Trong bài viết trên báo Quân Đội Nhân Dân, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết đại tướng Ngô Xuân Lịch - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - sẽ có bài phát biểu quan trọng tại đối thoại Shangri-La 2019 ngày 2-6 với nhan đề "Giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng".

Theo tướng Vịnh, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ trao đổi, tham vấn, đánh giá các thách thức an ninh, các vấn đề mà khu vực quan tâm, trong đó có "ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh". Theo đó, Việt Nam đề xuất phương châm, giải pháp giải quyết tranh chấp dựa trên 3 nhân tố cơ bản: không khí hòa bình, tinh thần đối tác và trách nhiệm cộng đồng. Việt Nam cam kết thực hiện và kêu gọi các quốc gia ủng hộ, cùng thực hiện vì hòa bình, ổn định của khu vực.

Đối thoại Shangri-La: Mỹ nói Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông Đối thoại Shangri-La: Mỹ nói Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông 'quá đáng'

TTO - Quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là hành động ‘quá đáng’, tiếp tục loạt chỉ trích của các quan chức Mỹ nhằm vào hoạt động của Bắc Kinh ở vùng biển này gần đây.

NHẬT ĐĂNG (từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên