Em Mariana Ponce, 6 tuổi, bị tách khỏi cha và trục xuất trong khuôn khổ thực thi chính sách nhập cư cứng rắn của chính quyền Mỹ - Ảnh: REUTERS
Động thái mới được cho là sẽ buộc hàng triệu người nhập cư nghèo đang trông cậy vào trợ cấp xã hội phải đứng trước lựa chọn khó khăn: nhận trợ cấp xã hội hay tự "vượt khó" để được là thường trú nhân tại Mỹ.
Đề xuất mới này tuy không cần phê chuẩn tại quốc hội nhưng vẫn phải qua quá trình tham vấn công luận trước khi ban hành bản cuối.
Các quan chức chính quyền dự kiến quy định mới sẽ "chốt" sau khi được công bố trên tạp chí Federal Register trong vài tuần tới và hoàn tất 60 ngày tham vấn theo quy định.
Nhắm vào người nhập cư hợp pháp
Quy định mới công bố ngày 22-9 trên trang web của Bộ An ninh nội địa Mỹ rõ ràng sẽ không gây ảnh hưởng tới hầu hết những người nhập cư đã được cấp thẻ xanh, tức thẻ công nhận quyền thường trú hợp pháp tại Mỹ.
Nhưng nó sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người nhập cư nghèo hợp pháp và gia đình họ, vì trên thực tế người nhập cư bất hợp pháp vốn đã không được hưởng phần lớn các phúc lợi xã hội.
Nhà Trắng cho biết đề xuất sẽ tác động đến khoảng 382.000 người mỗi năm. Luật liên bang trước nay vẫn luôn yêu cầu những người xin cấp thẻ xanh phải chứng minh được họ sẽ không trở thành gánh nặng.
Thực tế luật đã cân nhắc chuyện họ có hưởng trợ cấp bằng tiền mặt không, song chưa bao giờ tính tới những phúc lợi xã hội phi tài chính như trợ cấp lương thực, chỗ ở hay thuốc men.
Quy định mới sẽ ảnh hưởng tới những người đang muốn tới Mỹ định cư và những người đã và đang ở đây theo diện visa tạm thời, trong đó có sinh viên và người lao động.
Báo New York Times cho biết trong một số trường hợp, người nhập cư có thể bị yêu cầu nộp tiền bảo đảm ít nhất 10.000 USD để không bị từ chối cấp thẻ xanh theo quy định mới.
Trong thông cáo báo chí, Bộ An ninh nội địa cho rằng quy định mới sẽ "đảm bảo tất cả những ai muốn nhập cảnh và ở lại Mỹ, dù là tạm thời hay vĩnh viễn, đều có thể tự lo cho mình về tài chính và không lệ thuộc vào phúc lợi xã hội".
Quy định mới sẽ không áp dụng với các gia đình có thu nhập chưa tới 15% so với chuẩn hộ nghèo của chính phủ liên bang, cũng không áp dụng với người tị nạn hay người nhập cư hợp pháp trong quân đội.
Các hỗ trợ tiền hoặc dạng thức hỗ trợ khác với người nhập cư là nạn nhân của thiên tai thảm họa cũng không bị tính tới.
Đảng Cộng hòa muốn "lấy điểm"
Theo Trung tâm ưu tiên ngân sách và chính sách, khoảng 1/3 ngân sách liên bang chi cho các chương trình an sinh xã hội và trợ cấp bảo hiểm y tế. Đây là mức chi mà chính quyền ông Trump và Đảng Cộng hòa muốn rút bớt.
Và về mặt chính trị, chính sách mới được xem là động tác muốn "lấy điểm" của Đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng và thiết yếu vào tháng 11 tới.
Đây sẽ là cuộc bầu cử quyết định đảng nào nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong hai năm còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Nhấn mạnh vào phúc lợi xã hội thường là cách hiệu quả để kích động tâm lý của những cử tri theo quan điểm bảo thủ.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố chính quyền Mỹ sẽ không tiếp nhận nhiều hơn 30.000 người tị nạn trong năm tài chính tới, đây cũng là mức thấp nhất trong lịch sử Mỹ.
Trước đó, chính quyền ông Trump cũng bị dư luận lên án mạnh mẽ vì chính sách chia tách cha mẹ và con cái của các gia đình nhập cư bất hợp pháp.
Ông Stephen Miller, cố vấn cấp cao về nhập cư của ông Trump, luôn cho rằng việc có những chính sách cứng rắn với người nhập cư là chiến thuật chắc thắng cho các ứng cử viên Đảng Cộng hòa, không chỉ với cuộc bầu cử giữa kỳ tới mà còn cả với chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.
Tuy nhiên, quy mô tác động lớn của chính sách mới lại cũng có thể khiến nhiều cử tri theo quan điểm tự do ủng hộ thêm cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ.
Các nhà hoạt động xã hội cho rằng con của những người nhập cư hợp pháp có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Khi phải đứng trước lựa chọn khó khăn, nhiều cha mẹ nhập cư là lao động thu nhập thấp và phải dựa vào trợ cấp xã hội có thể sẽ rút con họ khỏi các chương trình phúc lợi để bảo toàn cho cả gia đình có thể ở lại Mỹ.
Theo báo cáo của Quỹ Kaiser Family, gần 20 triệu trẻ em trong các gia đình nhập cư có thể bị ảnh hưởng trong các thay đổi chính sách liên quan tới nhập cư.
Theo tờ Politico, ngay cả khi chưa công bố thay đổi chính sách, tại ít nhất 18 bang của Mỹ, số người đăng ký hưởng hỗ trợ y tế đã giảm 20% do người nhập cư lo sợ bị đánh giá tiêu cực vì phải "nhờ vả" chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận